MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cuộc đấu trong mơ của các otaku

Như Quỳnh LDO | 27/03/2023 08:00

Quận Akihabara, Tokyo, Nhật Bản, là nơi diễn ra cuộc đấu tay đôi "sassen" công nghệ cao - giấc mơ của các otaku (từ để chỉ những người có sở thích đặc biệt với manga (truyện tranh), anime (hoạt hình) và trò chơi điện tử. 

Trong cuộc đấu này, các chiến binh không nắm kiếm bằng thép mà những thanh kiếm bằng sợi carbon có máy đo gia tốc và các cảm biến khác được bọc trong xốp để đo những cú đánh.

Những người tham gia cuộc đấu này vung kiếm không để đối phương bị thương hay sát hại mà chỉ để ghi điểm.

Mục tiêu khác biệt nhưng không khí cuộc đấu giữa 2 đối thủ của bộ  môn sassen vẫn đầy hấp dẫn. 

Từ hơn 2.000 người tham gia thi đấu tại các vòng sơ loại trên toàn quốc, vài chục người đã giành quyền đến Akihabara tháng 10 năm ngoái để tham dự vòng chung kết giải đấu của sassen và giành giải thưởng 100.000 yen (767 USD).

Sassen có thể được xác định là sự kết hợp giữa kiếm đạo truyền thống, đấu kiếm hiện đại và thể thao tự do chanbara. Bộ môn này bắt đầu lần đầu năm 2016 và có một cộng đồng tham gia non trẻ, với công nghệ làm nền tảng. 

Tên gọi của bộ môn sassen được tạo ra từ sự kết hợp giữa từ satsuzen (từ tiếng Nhật có nghĩa là tốc độ chớp nhoáng) cùng với những kỹ thuật được kiếm sĩ nổi tiếng thời Sengoku (1482-1573) Miyamoto Musashi sử dụng. 

Theo Japan Times, quy tắc cơ bản của sassen rất đơn giản: Người đầu tiên dùng “sassen-to” (những thanh kiếm công nghệ cao dành riêng cho bộ môn này) có được 2 cú đánh vào bất kỳ đâu ngoại trừ đầu của đối thủ trong trận đấu kéo dài 60 giây sẽ chiến thắng. 

Seita Sukisaki - Giám đốc kỹ thuật và tài chính của Sassen, người đi đầu trong công nghệ hỗ trợ Bluetooth làm nền tảng cho thiết bị - cho biết: “Mỗi thanh chỉ nặng khoảng 300 gram và dài 65 cm nhưng lớp bọc carbon bên trong có các thiết bị điện tử trị giá khoảng 200.000 yen (khoảng 1.520 USD)”.

Ryoma Motomura - người tạo ra sassen và là người sáng lập Công ty mẹ Satsuzen - chia sẻ: “Sassen được hiểu là một môn võ thuật nhưng không có mối đe dọa thực sự nào về thương tích hoặc tổn hại.

Tôi xuất thân từ một gia đình karate-ka (vận động viên karate) nên tôi biết việc tập luyện và tham gia võ thuật truyền thống khó khăn như thế nào. Sassen thì khác, dành cho tất cả mọi người, trẻ và già, người kỳ cựu hay mới gia nhập". 

Theo cây viết Owen Ziegler của Japan Times, việc hứng một cú đánh từ sassen-to không hề dễ chịu, nhưng bất kỳ ai đủ nhanh nhẹn để tham gia bộ môn bóng né trong tiết thể dục ở trường tiểu học cũng có thể nhanh chóng bật dậy sau những cú đánh mạnh nhất trong một trận đấu sassen.

Theo Ryoma Motomura, sassen cũng có mức giá tham gia hấp dẫn hơn nhiều cho những người mới tham gia so với những môn võ thuật truyền thống khác. 

Một bộ trang phục kiếm đạo dành cho người mới bắt đầu có thể vào khoảng 20.000 đến 30.000 yen (153 - 230 USD) trong khi vé dùng thử một lần cho các buổi sassen có giá khoảng 1.000 đến 2.000 yen (7,65 -15,3 USD) và không cần gì khác ngoài quần áo thể thao cá nhân tự trang bị. 

“Linh hồn của sassen là một môn võ thuật nhưng có cách tiếp cận hiện đại hơn nhiều và điều đó không chỉ liên quan đến công nghệ" - Ryoma Motomura khẳng định. 

Trong vòng chung kết giải đấu của sassen tháng 10 năm ngoái, Rikitake Yuto, 20 tuổi, vận động viên đấu kiếm tại Đại học Chuo phía tây Tokyo, đã giành chức vô địch. 

“Đây là lần đầu tiên tôi tham gia sassen, nhưng thật tuyệt khi giành chiến thắng" - Rikitake Yuto nói.

Nhà vô địch sassen cho hay, anh đến với bộ môn này theo lời rủ rê của một đồng đội đấu kiếm - người bạn này đã rút khỏi giải đấu từ những vòng đầu. Với giải thưởng 100.000 yen, nhà vô địch sassen đã mời tất cả đồng đội đi ăn ramen. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn