MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một phụ nữ Hàn Quốc đi xe buýt. Ảnh: Xinhua

Cuộc nổi dậy chống ngành làm đẹp Hàn Quốc

Thanh Hà LDO | 30/05/2023 14:00
Phụ nữ trẻ ở Hàn Quốc từng chi 700 USD/tháng cho việc chăm sóc da. Giờ đây, họ đang mạo hiểm công việc, các mối quan hệ và địa vị của mình để nổi dậy chống lại K-Beauty.

Cuộc tổng đình công ở thủ phủ làm đẹp

Tại Seoul, thủ phủ làm đẹp của thế giới, các bác sĩ phẫu thuật giảm giá cho học sinh mới tốt nghiệp đại học và thậm chí là học sinh trung học để họ sẵn sàng cho thị trường việc làm; sơ yếu lý lịch ở Hàn Quốc thường yêu cầu người xin việc đính kèm một bức ảnh, cũng như cân nặng và chiều cao của họ.

Theo cuộc thăm dò năm 2020 của Gallup Korea, 1/3 phụ nữ Hàn Quốc trong độ tuổi từ 19-39 đã trải qua một số loại phẫu thuật thẩm mỹ, 66% cho biết họ sẽ dao kéo để cải thiện cơ hội kết hôn. Đáng lo ngại hơn, cuộc khảo sát năm 2007 của nhãn hàng Dove nhận thấy cứ 4 bà mẹ Hàn Quốc thì có 1 người khuyên con gái trong độ tuổi từ 12 đến 16 đi dao kéo.

Tuy nhiên, kể từ năm 2018, hàng trăm nghìn người phụ nữ Hàn Quốc đã lên mạng xã hội đăng ảnh họ cắt mái tóc dài và bỏ lớp trang điểm trong phong trào "Escape the Corset". 

"Tôi mô tả nó như một cuộc tổng đình công chống lại loại hình lao động thẩm mỹ mà phụ nữ Hàn Quốc phải làm" - Elise Hu, tác giả cuốn sách "Flawless: Lessons in Looks and Culture from the K-Beauty Capital" về ngành làm đẹp trị giá 10 tỉ USD của Hàn Quốc.

Các nhà nữ quyền trẻ tuổi mà Hu trao đổi để viết cuốn sách này cho biết đã chi từ 500 đến 700 USD/tháng cho việc chăm sóc da. Một số người theo dõi thời gian họ dành mỗi ngày để chăm chút cho bản thân trước khi sẵn sàng xuất hiện trước công chúng.

Du khách tham quan cung Gyeongbokgung ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Xinhua 

Khi từ bỏ đồ trang điểm, sản phẩm chăm sóc da và phương pháp điều trị thẩm mỹ, Hu chia sẻ với Insider, "họ đã giải phóng rất nhiều thời gian và năng lượng, điều này không thể bỏ qua vì đó là đòn bẩy quan trọng cho sự tự do của chúng ta". 

Dữ liệu tiêu dùng từ Bộ Kinh tế và Tài chính cho thấy, chi tiêu liên quan đến làm đẹp đã thực sự giảm với phụ nữ Hàn Quốc ở độ tuổi 20 và họ cũng ít phẫu thuật thẩm mỹ hơn, Hu viết.

Sự thay đổi chậm rãi, ổn định

Ở Hàn Quốc, vẻ đẹp không chỉ nằm ở bề ngoài mà còn là một nhiệm vụ. "Đáp ứng một tiêu chuẩn tối thiểu về ngoại hình chỉ được coi là lịch sự. Nếu bạn đang phẫu thuật thẩm mỹ, bạn không chỉ đẹp cho bản thân mà còn là tôn trọng những người khác trong cộng đồng của bạn" - Hu nói. 

Chính phủ nhấn mạnh điều này khi giữ chi phí của các sản phẩm làm đẹp và phương pháp điều trị ở mức thấp. Nhưng trong khi "chủ nghĩa tiêu dùng chăm sóc bản thân" này có thể là nguồn trao quyền cho một số người thì cũng có thể gây ra những hậu quả tai hại.

"Khi bạn nói rằng cơ thể của bạn có thể thay đổi và bạn có thể trông đẹp hơn, thì cuối cùng bạn sẽ bị đánh giá là không làm gì để cải thiện ngoại hình của mình. Và điều đó thực sự nguy hiểm" - Hu nói. 

Hu chuyển từ Washington DC đến Seoul năm 2015 với tư cách là phóng viên quốc tế của NPR. Khi đó, Hu bị ấn tượng bởi "cảm giác bất bình đẳng như thế nào khi là một phụ nữ di chuyển trong thành phố và các không gian công cộng". Những người lạ nhận xét về những nốt tàn nhang của cô ấy - "bạn có biết có nhiều cách để loại bỏ chúng không?" - "kích cỡ quá khổ" của cô ấy.

Hu, cựu người mẫu catalog thường mặc cỡ 8, phải đến một cửa hàng đặc biệt dành cho những người có thân hình cỡ lớn. 

Nhưng cô cũng chứng kiến một sự thay đổi chậm rãi, ổn định, được tạo ra bởi những khoảnh khắc thức tỉnh. 

Năm 2016, một người đàn ông đã sát hại một phụ nữ trẻ gần ga tàu điện ngầm Gangnam vì cảm thấy bị người khác giới "coi thường". Trong những ngày sau đó, vô số phụ nữ giận dữ đã có mặt ở ga tàu điện ngầm. Họ xuất hiện và dán những thông điệp ở khắp nơi. "Điều đó thực sự đã bắt đầu làn sóng mạnh mẽ của nữ quyền mà tôi đã chứng kiến trong thời gian ở Hàn Quốc vào giữa những năm 2010" - Hu nói. 

Tiếp sau đó, phong trào #MeToo bùng nổ, dẫn tới nhiều nam giới nổi tiếng của Hàn Quốc bị tẩy chay và phụ nữ tìm thấy tiếng nói của mình ở một đất nước có lịch sử gia trưởng. 

Phong trào Escape the Corset ra đời từ thời điểm này. “Về cơ bản, phụ nữ Hàn Quốc giống như tôi thích những chiếc váy bút chì bó sát, mái tóc dài sang trọng, làn da hoàn hảo và luôn trang điểm kỹ lưỡng. Vì vậy, họ chỉ lên mạng xã hội và cắt tóc, đập nát hộp đồ trang điểm, họ tính xem đã chi bao nhiêu thời gian và tiền bạc để duy trì vẻ bề ngoài, rồi công bố những biên lai đó và thông báo họ sẽ không làm thế nữa" - Hu chia sẻ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn