MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gấu trúc Mei Xiang và Tian Tian tại Vườn thú Quốc gia ở Washington D.C, Mỹ, năm 2004. Ảnh: Xinhua

Đằng sau chiến lược ngoại giao gấu trúc của Trung Quốc

Ngọc Vân LDO | 20/11/2023 16:47

Trung Quốc đã tặng hoặc cho các nước khác mượn gấu trúc kể từ thời nhà Đường (618-907), nhưng hiện nay nhiều con đã quay trở về nước.

Ngày 8.11, ba con gấu trúc khổng lồ tại Vườn thú Quốc gia Smithsonian ở thủ đô Washington D.C (Mỹ) - gồm Tian Tian, ​​Mei Xiang và gấu con Xiao Qi Ji - đã được đưa trở lại Trung Quốc, đánh dấu kết thúc hơn 50 năm gấu trúc Trung Quốc được nuôi trong vườn thú ở Mỹ.

Những chú gấu nổi tiếng dễ thương này được gửi đến Mỹ, Anh và một số quốc gia khác như một phần trong chiến lược “ngoại giao gấu trúc” của Trung Quốc.

Ngoại giao gấu trúc là gì?

Trung Quốc có khoảng 1.800 con gấu trúc sống trong tự nhiên nhưng có ít nhất 65 con được cho hơn 20 quốc gia trên thế giới mượn.

Ba con gấu trúc ở Vườn thú Quốc gia Smithsonian (Mỹ) được đưa về Trung Quốc trên chuyến bay của Fedex ngày 8.11.2023. Ảnh: Xinhua

Những con gấu lần đầu tiên được Trung Quốc tặng làm quà ngoại giao từ thời nhà Đường (618-907). Truyền thống này vẫn tiếp tục cho đến thế kỷ hiện tại và thường được gọi là ngoại giao gấu trúc.

Mỹ nhận được những chú gấu trúc đầu tiên vào năm 1972 sau khi Đệ nhất phu nhân Pat Nixon bình luận trong một sự kiện cấp nhà nước ở Trung Quốc về tình yêu của bà dành cho động vật.

Đến năm 1984, chính sách ngoại giao gấu trúc đã thay đổi. Những con gấu không còn được tặng làm quà nữa mà thay vào đó được cho mượn trong 10 năm và có thể được gia hạn.

Việc chuyển sang cho mượn gấu trúc giúp Trung Quốc tiếp tục quảng bá hình ảnh của mình ở nước ngoài và cũng là một cách xây dựng lòng tin. Cho mượn gấu trúc được coi là biện pháp thúc đẩy quan hệ đối tác chung giữa Trung Quốc và các nước nhận.

Đổi lại, các nước sở tại sẽ phải trả một khoản phí hàng năm khoảng 1 triệu USD cho mỗi con gấu panda. Những chú gấu trúc con sinh ra ở nước ngoài sẽ phải được trả về Trung Quốc trước sinh nhật lần thứ tư của chúng.

Gấu trúc Ai Bao sinh đôi gấu trúc con ở Hàn Quốc, tháng 7.2023. Trung Quốc cho Hàn Quốc thuê Ai Bao vào năm 2016. Ảnh: Xinhua

Những quốc gia nào có gấu panda?

Các chuyên gia tại Đại học Oxford đã thực hiện một nghiên cứu về ngoại giao gấu trúc và nhận thấy Trung Quốc cho các quốc gia có thỏa thuận thương mại thuê gấu trúc.

Tờ Al Jazeera dẫn lời bà Kathleen Buckingham, Trường Địa lý và Môi trường Oxford, cho hay việc chia sẻ loài động vật quý giá như vậy sẽ củng cố mối liên kết Trung Quốc với các quốc gia.

Trung Quốc cho hơn 20 nước trên thế giới mượn gấu trúc với tư cách là “đặc phái viên hữu nghị từ Bắc Kinh”.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc phê duyệt cho mượn gấu trúc mới trên khắp châu Âu, bao gồm cả Đức, Hà Lan, Đan Mạch và Phần Lan. Năm ngoái, Trung Quốc đã gửi một cặp gấu trúc đến Qatar - lần đầu tiên cho một quốc gia Trung Đông.

Tại sao gấu trúc lại quay trở lại Trung Quốc?

Những chú gấu trúc từ Scotland và Australia cũng sẽ về nước trước cuối năm nay.

Trong trường hợp của Mỹ, thỏa thuận cho mượn gấu trúc sẽ kết thúc vào tháng 12 sau khi đã được gia hạn 3 lần.

Sau khi gia đình 3 gấu trúc từ Vườn thú Smithsonian trở về Trung Quốc, vườn thú Atlanta trở thành vườn thú duy nhất khác của Mỹ còn gấu trúc từ Trung Quốc. Hợp đồng thuê 4 chú gấu trúc của Atlanta sẽ hết hạn vào năm tới mà không có thông tin gì về việc gia hạn.

Các nhà phân tích suy đoán rằng việc thu hồi gấu trúc có thể không chỉ là sự kết thúc của một hợp đồng cho thuê.

Kurt Tong, nhà phân tích của công ty tư vấn Asia Group và là cựu nhà ngoại giao nói với hãng tin AFP: “Với xu hướng hiện tại của mối quan hệ Mỹ-Trung, không có gì đáng ngạc nhiên khi chính quyền Trung Quốc cho phép hợp đồng cho mượn gấu trúc với các vườn thú Mỹ hết hạn”.

Tuy nhiên, theo CNN, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 15.11 nói rằng Trung Quốc có thể gửi gấu trúc mới đến Mỹ, gọi chúng là “đặc phái viên của tình hữu nghị giữa nhân dân Trung Quốc và Mỹ”.

“Tôi được biết Sở thú San Diego và người dân California rất mong được chào đón gấu trúc quay trở lại. Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Mỹ về bảo tồn gấu trúc và cố gắng hết sức để đáp ứng mong muốn của người dân California nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc chúng ta” - ông Tập Cận Bình phát biểu với các lãnh đạo doanh nghiệp tại San Francisco hôm 15.11 trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn