MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Giang Trạch Dân tại Hong Kong (Trung Quốc) năm 1998. Ảnh: AFP

Dấu ấn của ông Giang Trạch Dân trong thời kỳ lãnh đạo Trung Quốc

Thanh Hà LDO | 30/11/2022 21:33

Ông Giang Trạch Dân - cựu Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, người lãnh đạo đất nước trong hơn một thập kỷ tăng trưởng kinh tế thần tốc, vừa qua đời ở tuổi 96.

Ông Giang Trạch Dân giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc trong hơn 13 năm, từ năm 1989 đến 2002, giữ chức Chủ tịch nước Trung Quốc từ năm 1993 đến 2003. 

Trong nhiệm kỳ của ông, Trung Quốc thực hiện cải cách theo định hướng thị trường, Hong Kong trở lại Trung Quốc năm 1997 và Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001.

Trong thư công bố tin ông Giang Trạch Dân qua đời, Trung Quốc ca ngợi ông là “nhà lãnh đạo kiệt xuất với uy tín cao”.

Theo thông cáo này, vào đầu những năm 1990, ông đã lãnh đạo Trung Quốc vượt qua thời kỳ “khó khăn và áp lực lớn”, sau đó chèo lái đất nước phát triển theo định hướng thị trường và hiện đại hóa quân đội.

“Vào những thời điểm quan trọng, ông có can đảm đặc biệt để đưa ra những quyết định kiên quyết” - thông cáo cho biết.

Ông Giang Trạch Dân. Ảnh: Tân Hoa Xã

Dưới thời ông Giang Trạch Dân, "Trung Quốc nổi lên như một cường quốc sản xuất lớn và là một đối thủ kinh tế đang lên của thế giới phát triển".

"Những năm cầm quyền của ông là thời kỳ vàng son của Trung Quốc trong quá trình toàn cầu hóa", theo New York Times. 

Ông Giang Trạch Dân (tên của ông - Trạch Dân có nghĩa là “làm lợi cho người dân”) sinh ngày 17.8.1926 tại Dương Châu, thành phố cổ bên sông Dương Tử phía tây bắc Thượng Hải.

Cha của ông, Giang Thế Quân, là kế toán của một công ty điện lực và sau đó là giám đốc của một công ty phà. Mẹ ông, Wu Yueqing, xuất thân từ một gia đình làm nông. Hai trong số những người chú bác của ông hoạt động trong phong trào Cộng sản chống chính phủ Quốc dân Đảng và có một người thiệt mạng trong cuộc giao tranh năm 1939. 

Ông Giang Trạch Dân gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1946 tại Thượng Hải, nơi ông học kỹ thuật điện và tiếng Anh.

Công việc đầu tiên của ông là kỹ thuật viên cho một công ty do các nhà đầu tư Mỹ thành lập chuyên sản xuất kem Pretty Girl và các đồ ăn đông lạnh khác. Khi Trung Quốc giải phóng năm 1949, ông đã giúp đặt nhà máy dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản và đổi tên kem thành Bright.

Năm 1951, ông Giang Trạch Dân kết hôn với bà Vương Dã Bình, một người cùng quê Dương Châu. Vợ chồng ông có 2 con trai: Jiang Mianheng - kỹ sư điện sau trở thành giám đốc điều hành doanh nghiệp và chủ tịch viện khoa học; và Jiang Miankang - một kỹ sư sau đó trở thành doanh nhân và quan chức chính phủ.

Ông Giang Trạch Dân và vợ, bà Vương Dã Bình, vào năm 1992. Ảnh: Tân Hoa Xã

Ông Giang Trạch Dân thăng tiến trên nhiều cương vị, trong đó có làm việc một thời gian vào những năm 1950 tại nhà máy ôtô Stalin ở Mátxcơva, Nga và dành một năm làm nhà ngoại giao ở Romania.

Sau khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa từ cuối những năm 1970, ông Giang Trạch Dân được thăng chức làm việc cho ủy ban thương mại và đầu tư nước ngoài giúp thành lập các đặc khu kinh tế ở các tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến. Ông được chọn làm thị trưởng Thượng Hải vào năm 1985. Ông được thăng chức bí thư thành ủy Thượng Hải sau đó vào Bộ Chính trị Trung Quốc năm 1987.

Ông Giang Trạch Dân coi sự ổn định là ưu tiên hàng đầu của đất nước và tán thành các chính sách hướng tới việc tái khẳng định quyền kiểm soát của Đảng với đời sống kinh tế.

Ông mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài, tiếp đón các giám đốc điều hành của các công ty đa quốc gia tại Trung Nam Hải - khu nhà lãnh đạo Trung Quốc ở Bắc Kinh. Ông khuyến khích các liên doanh lớn giữa Trung Quốc và nước ngoài, giúp biến đất nước thành cơ sở toàn cầu chính cho các công ty sản xuất dược phẩm, máy tính, ôtô... Ông đã hướng nhiều tỉ USD đầu tư nhà nước vào các thành phố ven biển phía đông của Trung Quốc, đặc biệt là Thượng Hải.

Ông đã giúp Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào cuối năm 2001 sau nhiều năm đàm phán. Việc trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức Thương mại Thế giới giúp Trung Quốc tăng khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu và về nguyên tắc, đảm bảo rằng các doanh nghiệp nước ngoài được tiếp cận nhiều hơn với thị trường Trung Quốc. Đây được xem là hành động quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh lâu dài để đưa Trung Quốc ra trường quốc tế. Nền kinh tế Trung Quốc cất cánh và đất nước này sản sinh ra những triệu phú đầu tiên, sau đó là những tỉ phú.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn