MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh phiên họp bầu ra 14 thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 ngày 11.10 tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ. Ảnh: UN

Dấu ấn nổi bật của đối ngoại đa phương Việt Nam năm 2022

Khánh Minh LDO | 18/01/2023 07:00

Công tác đối ngoại đa phương của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần thiết thực vào sự nghiệp Đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện của đất nước.

Thành tựu nổi bật

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết, trong năm 2022, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội đã trực tiếp tham gia nhiều hoạt động đa phương quan trọng hàng đầu, qua đó truyền tải mạnh mẽ thông điệp về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, trọng công lý, năng động, đổi mới, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Trong đó, nổi bật là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Mỹ (tháng 5.2022), Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40-41 (tháng 11.2022) và Hội nghị Cấp cao ASEAN - EU (tháng 12.2022); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Đại Hội đồng AIPA-43 (tháng 11.2022); Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự Hội nghị Thượng đỉnh CICA (tháng 10.2022) và Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 18 (tháng 11.2022); Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 77 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (tháng 9.2022).

Trong năm 2022, với vị thế, uy tín quốc tế, với những đóng góp nổi bật tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu vào nhiều cơ chế quan trọng như Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 77, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026; đồng thời tiếp tục thực hiện trọng trách thành viên tại Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ 2021-2023, Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2023-2027, Ủy ban Luật thương mại Quốc tế nhiệm kỳ 2019-2025 và một số cơ quan chuyên ngành khác.

Trong những vai trò đó và tại tất cả các diễn đàn, Việt Nam đã có nhiều đóng góp chủ động, tích cực và trách nhiệm, đề cao tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Việt Nam đã đề cao việc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, kêu gọi chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, đề cao và thúc đẩy đối thoại thực chất, tìm giải pháp cân bằng, thỏa đáng cho các xung đột, tranh chấp.

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt. Ảnh: BNG

Việt Nam cũng tiếp tục có những đóng góp hết sức cụ thể khi đẩy mạnh việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, đặc biệt là lần đầu tiên triển khai Đội công binh gồm 184 người tại Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Abyei (UNISFA), 03 sỹ quan công an nhân dân tại Phái bộ Nam Sudan (UNMISS) và 1 sỹ quan công an làm việc tại Ban Thư ký Liên Hợp Quốc.

Bên cạnh đó, trong năm qua, Việt Nam đã tận dụng tốt các cơ chế, diễn đàn, khuôn khổ hợp tác đa phương để phục vụ yêu cầu và đóng góp vào những nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã ký kết, nhất là CPTPP, EVFTA, RCEP…

Việc Việt Nam cùng các nước G7 và các đối tác quốc tế thông qua Tuyên bố chính trị về việc thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) có ý nghĩa quan trọng, góp phần huy động nguồn lực cả về tài chính và công nghệ để Việt Nam thực hiện chuyển đổi năng lượng, tiến tới đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Kỷ niệm 45 năm quan hệ Việt Nam - Liên Hợp Quốc: Điểm nhấn đối ngoại đa phương

Năm 2022 là dịp đặc biệt, đánh dấu 45 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc (1977-2022).

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam (tháng 10.2022), xuyên suốt qua các cuộc tiếp xúc, hội đàm với lãnh đạo cấp cao ta và tại Lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã bày tỏ ấn tượng sâu đậm về đất nước, con người và nghị lực vượt khó, vươn lên của dân tộc Việt Nam.

Thông qua chuyến thăm đầy ý nghĩa này, chúng ta đã củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với Liên Hợp Quốc, mở ra những xung lực và cơ hội mới để tranh thủ sự hỗ trợ và nguồn lực của Liên Hợp Quốc cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres (thứ hai từ trái) trò chuyện với người dân ở hồ Hoàn Kiếm trong chuyến thăm Việt Nam ngày 22.10.2022. Ảnh: TTXVN

Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương trong thời gian tới

Theo Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt, năm 2023, để thích ứng với cục diện thế giới biến chuyển nhanh chóng và đóng góp thiết thực cho sự nghiệp Đổi mới, cần triển khai phục vụ tốt các hoạt động đối ngoại đa phương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội, góp phần nâng cao uy tín, vị thế đất nước, thúc đẩy quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả với các nước thành viên, nhất là các nước lớn, đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống.

Cần đảm nhiệm tốt trọng trách tại các tổ chức, cơ quan quốc tế, nhất là vai trò thành viên tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm tại các diễn đàn đa phương lớn như Liên Hợp Quốc, ASEAN, Phong trào Không liên kết, ASEM, APEC, đồng thời cần chủ động, nhạy bén, sáng tạo thúc đẩy các ý tưởng, sáng kiến mới...

Việc thúc đẩy Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết về Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh (27.12), khởi xướng và đồng sáng lập Nhóm bạn bè UNCLOS 1982 là các ví dụ tiêu biểu cho thấy nếu biết cách phát huy, xác định vấn đề “đúng và trúng” quan tâm, lợi ích của cộng đồng quốc tế, chúng ta có thể mang lại những dấu ấn tích cực, lâu dài tại các cơ chế đa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn