MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá xăng tại một trạm xăng ở Miami, Florida, Mỹ, ngày 23.1.2023. Ảnh: AFP

Dầu khí tiếp tục bước vào một năm đầy biến động

Thảo Phương LDO | 02/02/2023 07:47

Bối cảnh khủng hoảng năng lượng cùng mục tiêu giảm phát thải của chính phủ các nước đã đẩy dầu khí đến bờ vực khủng hoảng trong năm 2023.

Thuế lợi tức phụ thu (windfall tax - loại thuế đánh trên số lợi nhuận lớn, bất ngờ), quy định áp giá trần và chính sách kêu gọi sản xuất đã đánh dấu một năm 2022 không mấy thuận lợi đối với ngành công nghiệp dầu khí. Những tháng đầu tiên của năm 2023 chứng kiến tình trạng tương tự, điều đó đồng nghĩa với việc dầu khí sẽ có những biến động lớn, đặc biệt khi các chính phủ phương Tây đang nuôi dưỡng tham vọng giảm phát thải.

Lợi nhuận cao kỷ lục mà các “ông lớn” dầu khí thu được trong cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022 đã khiến chính phủ các nước EU và Vương quốc Anh áp thuế theo cấp số nhân đối với mặt hàng này. Những chính sách tác động lên ngành dầu khí đã phần nào cứu cánh nền tài chính nhà nước vào thời điểm kinh tế đang phải vật lộn để tiếp tục phát triển.

Tham vọng của chính phủ đối với ngành công nghiệp dầu khí đã dẫn đến những cảnh báo rằng các quyết định đầu tư của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực. Bên cạnh đó, Châu Âu cùng với các đối tác Anh và Mỹ cũng lâm vào thế bị động trong hoàn cảnh vừa phải thúc đẩy sản xuất dầu khí vừa phải đảm bảo các cam kết chuyển đổi năng lượng.

Theo báo cáo mới nhất từ Wood Mackenzie, sự xung đột về ưu tiên của chính phủ trong ngành công nghiệp dầu khí sẽ tạo ra một năm đầy phức tạp đối với thị trường năng lượng. Trước đó, một số công ty đã có quyết định sáng suốt khi điều chỉnh kế hoạch tiêu thụ dầu khí, bởi cho đến nay các chính phủ vẫn chưa đưa ra dấu hiệu cho thấy mức thuế công nghiệp năng lượng sẽ giảm.

Một thách thức khác đối với ngành dầu khí trong năm 2023 là các công ty buộc phải gia tăng sản lượng để đảm bảo an ninh năng lượng. Tuy nhiên, các tập đoàn dầu khí có thể từ chối lời kêu gọi đầu tư và tập trung nhiều hơn vào lợi nhuận. Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần kêu gọi ngành dầu khí tiếp tục duy trì cường độ sản xuất đồng thời tham gia kế hoạch trung hòa cacbon của chính phủ, song yêu cầu ấy không nhận được lời hồi đáp từ các “ông lớn” trong ngành.

Chính phủ các nước vừa tham vọng tăng sản lượng dầu khí vừa phải đáp ứng cam kết chuyển đổi năng lượng. Ảnh: Xinhua

Theo các chuyên gia, quá trình trung hòa cacbon không hoàn toàn thúc đẩy hoạt động thăm dò nguồn dầu khí mới. Điều này xuất phát từ tham vọng giảm phát thải của chính phủ phương Tây và sự an toàn lâu dài đối với nguồn cung dầu khí. Chính vì vậy, năm 2023 là thời điểm không mấy an toàn để ra quyết định đầu tư vào công nghiệp năng lượng.

Bên cạnh đó, sau sự bùng nổ về lợi nhuận là những bước tiến chậm chạp của ngành dầu khí. Theo báo cáo từ S&P Capital IQ, lợi nhuận của các “ông lớn” dầu khí trong năm nay có thể đạt 50 tỉ USD, thấp hơn so với 200 tỉ USD trong thời điểm khủng hoảng năng lượng.

John Kemp của Reuters cho rằng suy thoái kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ xảy ra bởi cách các ngân hàng trung ương đang tiếp cận với những dấu hiệu tiêu cực của lạm phát. Theo kịch bản đầu tiên được các nhà phân tích thị trường đưa ra, suy thoái kinh tế sẽ bắt đầu vào nửa đầu năm 2023 hoặc nó có thể bị trì hoãn sang nửa sau đến đầu năm 2024.

Khủng hoảng kinh tế được dự đoán sẽ diễn ra trong năm 2023 có thể cản bước tiến của ngành dầu khí. Ảnh: Xinhua

Trong bối cảnh khủng hoảng chực chờ cùng với các khoản thuế tăng cao vẫn đang được áp đặt, ngành công nghiệp dầu khí cần phát triển theo hướng thận trọng và cân nhắc trước những chính sách kêu gọi của chính phủ. Yếu tố ấy còn quan trọng hơn nếu một số quốc gia chuyển sang tăng thuế cổ tức và thuế mua lại cổ phần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn