MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đi tận Canada, Đức vẫn không tìm được nguồn thay thế khí đốt Nga

Ngọc Vân LDO | 24/08/2022 08:16

Các nỗ lực của Thủ tướng Đức tìm nguồn thay thế khí đốt Nga trong chuyến công du Canada không mấy thành công - tờ Die Zeit đưa tin hôm 23.8.

Chưa đảm bảo nhập khẩu LNG

Thủ tướng Đức Olaf Scholz có chuyến công du Canada trong 3 ngày, từ ngày 21-23.8. Ngày 22.8, Thủ tướng Olaf Scholz đã hội đàm với Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại Montreal để thảo luận về ý tưởng vận chuyển khí thiên nhiên dồi dào của Canada qua Đại Tây Dương đến các nhà ga ở Đức.

Tuy nhiên, Thủ tướng Trudeau dường như dội một gáo nước lạnh vào ý tưởng như vậy, theo tờ Die Zeit. Mặc dù không loại trừ vai trò của khí đốt tự nhiên Canada trong việc giảm bớt tình trạng thiếu hụt năng lượng của Châu Âu, nhưng nhà lãnh đạo Canada cho biết vẫn chưa có một đề án kinh doanh rõ ràng nào để xây dựng ga xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Saint John hoặc các nơi khác.

Sau đó, ông Trudeau chỉ ra rằng khí tự nhiên sẽ phải được vận chuyển bằng đường ống từ các cánh đồng ở Tây Canada đến một nhà ga hóa lỏng (vẫn chưa được xây dựng) trên bờ biển Đại Tây Dương. Đó sẽ là một dự án tốn kém và có thể không phải là một khoản đầu tư thận trọng, vì Châu Âu đang cam kết chuyển đổi nhanh chóng sang năng lượng sạch, ông Trudeau lưu ý.

Thủ tướng Canada giải thích: “Chưa từng có đề án kinh doanh nào mạnh mẽ, vì khoảng cách từ các mỏ khí, vì nhu cầu vận chuyển khí đó trên một quãng đường dài trước khi hóa lỏng. Ngay bây giờ, giải pháp tốt nhất của chúng tôi là tiếp tục đóng góp cho thị trường toàn cầu, thay thế khí đốt và năng lượng mà Đức và Châu Âu có thể tìm thấy từ các nguồn khác”.

Đức - Canada ký thoả thuận về hydro xanh

Ngày 23.8, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã ký một thỏa thuận để Đức nhập khẩu hydro xanh từ Canada. Hai nhà lãnh đạo ký thỏa thuận tại thị trấn cảng Stephenville, Newfoundland. Những đợt giao hàng đầu tiên ​​diễn ra chỉ sau ba năm.

Chuyến đi tới Canada lần đầu tiên trên cương vị thủ tướng của ông Olaf Scholz diễn ra khi Đức đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga.

DW đưa tin, tại một cuộc họp báo ở Toronto ngày 23.8, Thủ tướng Scholz cho biết Canada là đối tác được lựa chọn, khi Đức từ bỏ năng lượng Nga với "tốc độ chóng mặt".

“Đất nước của các bạn có tiềm năng gần như vô biên để trở thành siêu cường về năng lượng bền vững và sản xuất tài nguyên bền vững” - ông Scholz nói.

Ông Trudeau cho biết "đang xem xét mọi cách khác nhau có thể để giúp đỡ người dân Đức và người dân Châu Âu trong ngắn hạn khi họ phải đối mặt với một thách thức thực sự vào mùa đông tới".

"Canada sẽ đóng một vai trò rất, rất trung tâm trong việc phát triển hydro xanh" - Thủ tướng Đức nói trong cuộc họp báo chung. "Đó là lý do tại sao chúng tôi rất vui vì chúng tôi cũng có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng quan hệ đối tác trong lĩnh vực hydro xanh”.

Hydro hoạt động như một nguồn năng lượng thế nào?

Cả LNG và hydro xanh đều được coi là các giải pháp trung hạn và sẽ không thể giúp Đức trong vài tháng tới. Canada vẫn chưa có đủ phương tiện để xuất khẩu LNG ra quốc tế, và việc sản xuất hydro xanh vẫn đang ở giai đoạn sơ khai.

Việc sử dụng hydro không tạo ra khí nhà kính. Để tạo ra nó, nước phải được tách thành hydro và oxy, một phương pháp điện phân chỉ thân thiện với khí hậu nếu sử dụng năng lượng được sản xuất bền vững.

Về nguyên tắc, hydro có thể dùng làm nhiên liệu thay thế than đá, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên trong công nghiệp và giao thông vận tải. Đặc thù của hydro xanh là được sản xuất từ năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, nước, thậm chí hạt nhân, nên việc sản xuất hydro xanh tiêu tốn rất nhiều năng lượng, do đó loại nhiên liệu này hiện vẫn đắt hơn đáng kể so với nhiên liệu hóa thạch.

Những vùng gió thưa dân cư như Newfoundland được coi là nơi lý tưởng để sản xuất hydro xanh.

Các công ty năng lượng Đức Eon và Uniper đã ký một biên bản ghi nhớ với Everwind của Canada bên lề cuộc đàm phán Đức-Canada với mục tiêu nhập khẩu hydro trên quy mô lớn từ năm 2025.

Thủ tướng Scholz gọi thỏa thuận là "một bước quan trọng, không chỉ để tăng cường quan hệ kinh tế song phương, mà còn là nguồn cung cấp năng lượng bền vững cho tương lai”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn