MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trưởng Văn phòng An ninh Quốc gia Ba Lan Jacek Siewiera (trái) và Người phát ngôn của chính phủ Ba Lan Piotr Muller, thông báo về vụ tên lửa rơi vào lãnh thổ Ba Lan ngày 15.11.2022. Ảnh: AFP

Điều 4 của NATO là gì, Ba Lan vận dụng ra sao sau vụ trúng tên lửa?

Khánh Minh LDO | 16/11/2022 17:29

Ba Lan đang tham vấn với các đồng minh về khả năng viện dẫn Điều 4 của hiến chương NATO sau khi tuyên bố tên lửa Nga rơi xuống lãnh thổ nước này khiến 2 người thiệt mạng.

Reuters đưa tin, Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết tên lửa do Nga sản xuất đã rơi xuống làng Przewodow ở miền đông Ba Lan, cách biên giới với Ukraina khoảng 6km hôm 15.11, khiến 2 người thiệt mạng. 

Các quan chức Mỹ vẫn chưa xác nhận các báo cáo, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết quả tên lửa rơi vào lãnh thổ của Ba Lan có thể không phải được bắn từ Nga. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc nhắc lại tuyên bố trước đây của Tổng thống Joe Biden rằng Mỹ sẽ "bảo vệ từng inch lãnh thổ của NATO".

RT đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Nga không tiến hành bất cứ cuộc tấn công nào vào các mục tiêu gần biên giới Ba Lan - Ukraina. Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh rằng, các mảnh vỡ tên lửa và những bức ảnh được truyền thông Ba Lan công bố tại hiện trường, "không liên quan gì đến vũ khí của Nga".

"Nếu Nga đứng sau cuộc tấn công, tôi khá chắc chắn rằng Điều 4 của hiến chương NATO sẽ được viện dẫn, bởi vì Ba Lan đã bị tấn công" - Simon Miles, phó giáo sư tại Trường Chính sách Công Sanford của Đại học Duke (Mỹ) và là một nhà sử học về Liên Xô và quan hệ Xô-Mỹ, nói với tờ Insider.

NATO là gì? 

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương hay NATO là một liên minh quân sự được thành lập vào năm 1949 để ngăn chặn Liên Xô lúc đó đang trên đà phát triển rất mạnh ở Châu Âu.

NATO hoạt động như một hệ thống an ninh tập thể, trong đó các quốc gia thành viên đồng ý bảo vệ nhau trước bất kỳ cuộc tấn công nào vào một nước thành viên - một cam kết được ghi trong nguyên lý nổi tiếng nhất là Điều 5 hiến chương NATO.

NATO chỉ bao gồm 12 quốc gia khi được thành lập nhưng đã tăng gấp đôi quy mô trong những năm sau đó. NATO hiện có 30 quốc gia thành viên, bao gồm 2 quốc gia ở Bắc Mỹ và 28 quốc gia Châu Âu, trong đó có một số nước thuộc Liên Xô cũ.

Ukraina không phải là thành viên của NATO nên NATO và các thành viên của liên minh không có nghĩa vụ ràng buộc phải bảo vệ Ukraina trước các cuộc tấn công của Nga.

Xe tăng và xe quân sự của NATO trước cuộc tập trận Iron Spear ở Latvia ngày 15.11.2022. Ảnh: Reuters

Điều 4 của hiến chương NATO là gì?

Điều 4 của hiến chương NATO quy định: "Các bên sẽ cùng nhau tham vấn bất cứ khi nào - theo quan điểm ​​của bất kỳ bên nào - sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh của bất kỳ bên nào bị đe dọa".

Việc viện dẫn Điều 4 không đảm bảo rằng NATO sẽ hành động, nhưng đó là một bước quan trọng trong việc tăng cường thảo luận giữa các thành viên.

Các cuộc thảo luận trong liên minh sau đó tập trung vào việc liệu mối đe dọa có tồn tại hay không và cách phản ứng thế nào. NATO sử dụng cơ chế ra quyết định đồng thuận, nghĩa là không có bỏ phiếu trong liên minh. Các cuộc tham vấn tiếp tục cho đến khi đạt được một quyết định thống nhất.

Điều 4 đã được viện dẫn chưa?

Trong 73 năm tồn tại của NATO, Điều 4 đã được viện dẫn 7 lần. Lần gần nhất là ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina vào tháng 2, một nhóm các nước Đông Âu, bao gồm Bulgaria, Cộng hòa Czech, Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania và Slovakia đã yêu cầu thảo luận theo Điều 4 của NATO.

Trước đó, vào tháng 2.2020, Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia viện dẫn tham vấn nhiều hơn bất kỳ nước nào khác - đã viện dẫn Điều 4 sau khi lực lượng chính phủ Syria giết hàng chục binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc tấn công vào các khu vực do phe đối lập nắm giữ ở miền bắc Syria.

Năm lần khác Điều 4 được viện dẫn là:

Tháng 7.2015: Thổ Nhĩ Kỳ viện dẫn Điều 4 để cảnh báo liên minh về phản ứng sắp xảy ra đối với các cuộc tấn công khủng bố.

Tháng 3.2014: Ba Lan viện dẫn Điều 4 để thảo luận về căng thẳng gia tăng ở Ukraina.

Tháng 10.2012: Thổ Nhĩ Kỳ triệu tập đàm phán sau khi 5 dân thường Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng do đạn pháo của Syria.

Tháng 6.2012: Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu họp sau khi một trong các máy bay chiến đấu của nước này bị lực lượng phòng không Syria bắn hạ.

Tháng 2.2003: Thổ Nhĩ Kỳ viện dẫn Điều 4 yêu cầu NATO giúp bảo vệ người dân Thổ Nhĩ Kỳ khỏi mọi hậu quả lan tỏa của cuộc chiến ở Iraq.

Hai trong số những lần nói trên, NATO đã phản ứng bằng hỗ trợ quân sự, cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ tên lửa Patriot để chống lại các cuộc tấn công của Syria vào năm 2012; cũng như cung cấp máy bay và tên lửa dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Iraq vào năm 2003.

Việc Ba Lan viện dẫn Điều 4 vào năm 2014 đã dẫn đến một cuộc họp của NATO và đem tới những nỗ lực mạnh mẽ hơn của NATO để bảo vệ liên minh.

Ngày 16.11.2022, cảnh sát Ba Lan điều tra hiện trường vụ rơi tên lửa khiến 2 người thiệt mạng ở làng Przewodow, miền đông Ba Lan, gần biên giới với Ukraina. Ảnh: AFP

Viện dẫn Điều 4 liên quan đến xung đột Ukraina

Các nhà lãnh đạo thế giới đã tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO trực tuyến khẩn cấp vào ngày 25.2.2022 sau khi một số nước Đông Âu viện dẫn Điều 4. Cuộc họp diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh NATO khẩn cấp riêng biệt vào ngày hôm trước, nơi các thành viên cũng thảo luận về tình hình Ukraina.

Sau cuộc họp ngày 25.2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết NATO sẽ triển khai lực lượng phản ứng và tiếp tục gửi vũ khí tới Ukraina, bao gồm cả hệ thống phòng không.

Quyết định này đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử 7 thập kỷ của NATO, lực lượng phản ứng sẵn sàng chiến đấu của tổ chức này được kích hoạt như một biện pháp phòng thủ, CNN cho hay.

"Đây là một thời khắc lịch sử và là lần đầu tiên liên minh sử dụng các lực lượng sẵn sàng cao này trong vai trò phòng thủ và răn đe" - Tư lệnh Đồng minh Tối cao NATO, Tướng Tod Wolters cho biết trong một tuyên bố.

Lực lượng này bao gồm các đơn vị hoạt động trên bộ, trên không, trên biển và đặc biệt từ các quốc gia thành viên của liên minh sẵn sàng triển khai nhanh chóng.

Tổng thống Joe Biden cho biết, quân đội Mỹ được triển khai đến Đông Âu cho đến nay là để tăng cường cho các quốc gia thành viên NATO đề phòng Nga.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn