MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nắng nóng thiêu đốt khắp thế giới. Ảnh: Getty

Điều gì gây lũ lụt, nắng nóng kỷ lục ở Trung Quốc và thế giới?

Song Minh LDO | 26/06/2022 11:00
Làn sóng nắng nóng trên toàn thế giới đẩy con người và các quốc gia đến "bờ vực thẳm", gây thiệt hại lớn về người và của.

Lũ lụt kỷ lục ở miền nam Trung Quốc trong tháng này đã khiến hơn nửa triệu người phải di tản, trong khi nắng nóng gay gắt ở nước này cũng như trên khắp thế giới ngày càng phổ biến hơn. Ngoài Trung Quốc, nắng nóng ở Việt Nam, Mỹ, Châu Âu và Ấn Độ đều đang rất gay gắt.

Lũ lụt ở Trung Quốc tồi tệ thế nào?

Lũ lụt mùa hè thường xảy ra ở Trung Quốc, đặc biệt là ở khu vực đồng bằng sông Châu Giang trũng thấp ở phía nam.

Tuy nhiên, năm nay, Trung tâm Khí hậu Quốc gia dự báo rằng lũ lụt Trung Quốc sẽ "tương đối tồi tệ hơn" và "khắc nghiệt hơn" so với trước đây - AFP đưa tin.

Mực nước tại một địa điểm ở tỉnh Quảng Đông đã "vượt kỷ lục lịch sử" trong tuần này, theo Bộ Thuỷ lợi Trung Quốc, trong khi các khu vực của tỉnh Phúc Kiến lân cận và khu vực Quảng Tây cũng báo cáo lượng mưa kỷ lục.

Hơn nửa triệu người đã phải sơ tán trong tháng này vì mối đe dọa từ lũ lụt.

Các nhà chức trách trong tỉnh ước tính thiệt hại kinh tế do lũ lụt gây ra là hơn 250.000 USD.

Lũ lụt ở miền nam Trung Quốc . Ảnh: AFP

Nắng nóng ở Trung Quốc

Bảy tỉnh ở miền Bắc và miền Trung Trung Quốc trong tuần qua đã cảnh báo hàng triệu cư dân không nên ra ngoài trời khi nhiệt độ lên tới 40 độ C.

Đài truyền hình nhà nước CCTV phát cảnh những con đường xi măng bị nứt nẻ dưới cái nóng khắc nghiệt ở tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc.

Trong khi đó, nhu cầu điện tăng lên mức kỷ lục ở một số thành phố ở miền Bắc trong tuần này do người dân sử dụng điều hòa nhiệt độ để giảm bớt cái nóng.

Tại tỉnh Sơn Đông - đông dân thứ hai của Trung Quốc, nơi sinh sống của hơn 100 triệu người - lượng điện sử dụng đã đạt mức 93 triệu kilowatt vào ngày 21.6, vượt qua mức cao nhất năm 2020 là 90 triệu kilowatt, CCTV cho biết.

Nắng nóng trên thế giới

Theo dự báo thời tiết, ngày 27-28.6, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ của Việt Nam nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ C.

Ở Mỹ, ít nhất 15 bang đã chạm mức 37,8 độ C và ít nhất 21 mốc nhiệt độ cao đã được thiết lập hoặc bị phá vỡ, theo Dịch vụ Thời tiết Quốc gia (NWS).

Hồ Medina gần San Antonio, Texas, Mỹ, cạn kiệt nước trong tháng này. Ảnh: Reuters

Thành phố Norilsk của Nga, dù nằm trên vòng Bắc Cực nhưng nhiệt độ đã chạm mức 32 độ C hôm 23.6 - ngày nóng nhất trong tháng 6 và được xếp vào ngày nóng nhất trong bất kỳ tháng nào được ghi nhận, theo tờ Herrera. Thành phố Saragt ở Turkmenistan có mức nhiệt 45,9 độ C, nhưng dự báo thời tiết cho thấy trong những ngày tới, nhiệt độ có thể còn tồi tệ hơn.

Thiệt hại kinh tế ở Trung Quốc

Giới chức Trung Quốc ước tính, thời tiết khắc nghiệt sẽ làm mất đi 1-3% GDP của nước này mỗi năm.

Trận lũ lụt ở Trung Quốc năm ngoái gây thiệt hại 25 tỉ USD - thiệt hại nặng thứ hai trên thế giới do lũ lụt gây ra sau Châu Âu - một nghiên cứu được công bố vào tháng 4 của công ty tái bảo hiểm Swiss Re cho thấy.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cảnh báo, lũ lụt và sóng nhiệt sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất ngũ cốc, rau và thịt lợn, đồng thời đẩy lạm phát lên cao.

Tại sao nắng nóng kéo dài thường xuyên?

"Các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan trong nước ngày càng trở nên thường xuyên, nghiêm trọng và lan rộng", Cục Khí tượng Trung Quốc cho biết.

Trước đó, hồi tháng 3, Phó giám đốc Trung tâm Khí hậu Quốc gia Xiao Chan cảnh báo: "Sự nóng lên toàn cầu và hiện tượng La Nina đang góp phần vào nhiệt độ cao bất thường và mưa cực đoan ở Trung Quốc”.

Khi bầu khí quyển của Trái đất nóng lên, giữ nhiều độ ẩm hơn, khiến những trận mưa như trút nước trở nên dữ dội hơn.

La Nina liên quan đến sự lạnh đi quy mô lớn của nhiệt độ bề mặt ở trung tâm và phía đông xích đạo Thái Bình Dương, gây ra lũ lụt tàn phá ở Nam Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh.

Tờ New York Times dẫn lời nhà khoa học khí hậu Daniel E. Horton tại Đại học Northwestern (Mỹ) cho biết: “Để có một đợt nắng nóng, chúng ta cần nhiệt, và chúng ta cần mô hình hoàn lưu khí quyển cho phép nhiệt tích tụ. Với sự nóng lên toàn cầu, chúng ta chắc chắn đang nhận được nhiều nhiệt hơn. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu cũng có thể ảnh hưởng đến cách thức phân bổ nhiệt này trên khắp thế giới bởi các dòng không khí quay quanh địa cầu”.

Cháy rừng hoành hành ở Sierra de la Culebra, tỉnh Zamora, Tây Ban Nha, tháng 6.2022. Ảnh: Europa Press

Biện pháp đối phó với lũ lụt và nắng nóng

Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới các đập khổng lồ và các "thành phố bọt biển" với mặt đường thấm để hạn chế sự tàn phá trong mùa lũ hàng năm.

Scott Moore, nhà nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania chuyên về chính sách môi trường của Trung Quốc cho biết, những trận lũ lụt gây thiệt hại gần đây nhất đã xảy ra ở những khu vực ít rủi ro hơn trong lịch sử. Đây là một hiệu ứng biến đổi khí hậu cổ điển: Thời tiết khắc nghiệt gia tăng ở các vùng khác nhau và vào các thời điểm khác nhau trong năm so với mức trung bình trong lịch sử.

Một lộ trình mới về thích ứng với biến đổi khí hậu được chính phủ Trung Quốc công bố vào tuần trước cho biết trọng tâm bây giờ nên chuyển sang dự đoán thời tiết khắc nghiệt chính xác hơn bằng cách sử dụng các cảm biến và vệ tinh.

Tính hữu ích của dự báo thời tiết sẽ hết khoảng 10 ngày, sau đó độ chính xác của chúng nhanh chóng giảm xuống. Tuy nhiên, theo dõi và dự báo khí hậu là việc hoàn toàn khác, giúp dự đoán lũ lụt và hạn hán nghiêm trọng trước ít nhất một tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn