MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mảnh tên lửa Falcon 9 của SpaceX sẽ va chạm với Mặt trăng vào ngày 4.3 tới. Ảnh minh họa: "A Trip to the Moon" movie

Điều gì sẽ xảy ra nếu tên lửa Space X lao vào Mặt trăng?

Phương Linh LDO | 14/02/2022 20:00
Vụ va chạm giữa một tên lửa trôi nổi của SpaceX vào bề mặt Mặt trăng dự kiến sẽ xảy ra vào ngày 4.3 tới. Vậy điều gì sẽ diễn ra sau đó?

Theo Live Science, tên lửa của SpaceX được phóng lên vào năm 2015 trong sứ mệnh đưa tàu thăm dò Đài quan sát Khí hậu Không gian Sâu (DSCOVR) của NASA tới vị trí cách Trái đất 1,5 triệu km, đối diện với Mặt trời. 

Tuy nhiên, trong quá trình vận hành ở quỹ đạo chuyển tiếp, tầng trên của tên lửa đẩy không đủ tốc độ để thoát ra khỏi quỹ đạo độc lập quanh Mặt trời nhưng cũng quá xa không thể quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất. Vì thế nó trở nên trôi nổi cùng với các mảnh rác vũ trụ khác trong không gian gần Trái đất.

Trạng thái này bắt đầu kể từ tháng 2.2015. Các nhà khoa học không thể dự đoán được chuyển động chính xác của tầng trên tên lửa đẩy dài 14 mét và nặng gần 4 tấn này vì nó chịu ảnh hưởng của cả lực hấp dẫn Mặt trăng và Mặt trời cũng như Trái đất.

Nhưng có một điều có thể cảnh báo trước, đó là mảnh tên lửa SpaceX sẽ va vào Mặt trăng vào ngày 4.3 với tốc độ khoảng 2,6km/s. Hậu quả có thể làm biến dạng bề mặt Mặt trăng, tạo ra một miệng núi lửa có đường kính khoảng 19m.

Mối quan ngại

Các tác động tự nhiên trên bề mặt Mặt trăng hình thành sau các vụ va chạm. Ảnh: NASA

Tuy nhiên, việc một tên lửa đáp xuống Mặt trăng chắc chắn thân thiện với môi trường hơn là bị đốt cháy và phân tán trong thượng tầng khí quyển của Trái đất dưới dạng các hạt ôxít kim loại. Vì Mặt trăng không có bầu khí quyển để che chắn nên nó thường xuyên bị các mảnh rác vũ trụ va phải, để lại vô số miệng hố va chạm trên bề mặt.

Tàu quỹ đạo do thám Mặt trăng đã ghi lại hình ảnh một miệng núi lửa rộng 19m được hình thành khi một khối đá nặng nửa tấn bay nhanh gấp khoảng 10 lần so với tên lửa Falcon 9, va vào bề mặt vào tháng 3.2013. Trong thập kỷ qua đã xảy ra hàng trăm vụ va chạm nhỏ hơn do các viên đá nặng khoảng 0,5kg gây ra, theo dữ liệu từ dự án giám sát tác động trên Mặt trăng của NASA .

Tác động sắp tới sẽ xảy ra ở mặt bên kia của Mặt trăng, phía chúng ta sẽ không thể quan sát được từ Trái đất. Nhưng tàu vũ trụ quay quanh Mặt trăng sau đó có thể chụp được ảnh miệng hố va chạm. Ngoài ra chúng ta có thể biết thêm được gì khi sự việc xảy ra? Trước đây, các nhà khoa học đã từng thử nghiệm va chạm có chủ ý trên Mặt trăng, vì thế, lần này cũng có thể đoán được phần nào kết quả.

Ví dụ, phần tầng trên có kích thước lớn đáng kể của tên lửa được sử dụng trong sứ mệnh hạ cánh tàu Apollo đã từng được cho rơi để đo các rung động thông qua máy đo địa chấn được lắp đặt trên bề mặt Mặt trăng. Các máy đo địa chấn Apollo đã dừng hoạt động từ lâu và không rõ liệu máy đo địa chấn trên tàu Thường Nga 4 Trung Quốc, đổ bộ ở phía xa của Mặt trăng, liệu có thể cung cấp bất kỳ dữ liệu hữu ích nào trong ngày 4.3 tới hay không.

Một vụ va chạm có chủ đích khác, được nhắm mục tiêu chính xác cũng đã đạt được vào năm 2009. Sứ mệnh LCROSS của NASA bắn tên lửa vào vào một miệng núi lửa ở vùng cực bị che khuất vĩnh viễn của Mặt trăng để tạo ra một miệng núi lửa nhỏ hơn trên bề mặt băng giá của nó và tìm kiếm dấu hiệu của nước trong đám bụi văng ra từ vụ nổ.

Ô nhiễm sinh học

Thêm một miệng núi lửa nữa được hình thành trên Mặt trăng không phải là vấn đề lớn khi nó đã sở hữu tới hơn nửa tỉ miệng hố có đường kính từ 10m trở lên. Điều chúng ta nên lo lắng là có thể làm ô nhiễm Mặt trăng bằng các vi sinh vật sống, hoặc các phân tử mà trong tương lai có thể bị nhầm là bằng chứng về sự sống trước đây trên Mặt trăng.

Hầu hết các quốc gia đều đã ký vào giao thức bảo vệ hành tinh nhằm tìm cách giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm sinh học từ Trái đất sang một hành tinh khác (hoặc từ một hành tinh khác trở lại Trái đất). Các giao thức được đưa ra cả vì lý do đạo đức và khoa học. Theo lập luận về mặt đạo đức, sẽ không đúng nếu mang lại rủi ro cho bất kỳ hệ sinh thái nào bằng cách đưa các sinh vật từ Trái đất tới và có thể phát triển ở đó. Về mặt khoa học, chúng ta muốn nghiên cứu và tìm hiểu các điều kiện tự nhiên trên các hành tinh thì không nên mạo hiểm làm tổn hại hoặc phá hủy chúng bằng cách tùy tiện gây ô nhiễm.

Lần vi phạm giao thức lớn nhất và gần đây nhất xảy ra vào năm 2019 khi tàu đổ bộ mặt trăng Beresheet của Israel do tư nhân tài trợ đã bị rơi trên Mặt trăng. Tàu này mang theo các mẫu ADN cùng hàng nghìn con gấu nước. Đó là những sinh vật dài nửa milimet có khả năng chịu đựng điều kiện khắc nghiệt tốt, mặc dù không hoạt động trong môi trường không gian. Những vi khuẩn này hiện có thể nằm rải rác khắp địa điểm xảy ra sự cố Beresheet.

Rất có thể sẽ không có con gấu nước nào trong số này có khả năng may mắn rơi vào nơi có đủ nước để hồi sinh và tồn tại, nhưng đó không phải là rủi ro mà chúng ta nên chấp nhận. Tầng trên của tên lửa đẩy Falcon 9 không vô trùng khi phóng, nhưng cũng không mang theo hàng hóa sinh học. Và cũng đã trải qua 7 năm trong không gian, vì vậy nguy cơ ô nhiễm sinh học giờ đây gần như là không còn. Tuy nhiên, khi con người càng mang nhiều thứ lên Mặt trăng thì càng phải thận trọng hơn và tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc đặt ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn