MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tỉ trọng đồng USD có xu hướng giảm trong dự trữ toàn cầu. Ảnh: Song Minh

Đối thủ của đồng USD trong dự trữ toàn cầu

Ngọc Vân LDO | 31/05/2023 17:54
Thay vì đồng USD, hiện phần lớn các ngân hàng trung ương toàn cầu kỳ vọng vàng là tài sản dự trữ chính.

Tờ Business Insider cho hay, phần lớn ngân hàng trung ương trên thế giới hiện nay coi vàng là tài sản dự trữ nổi bật hơn, cho thấy xu hướng phi USD hóa sẽ tiếp tục trong những năm tới.

Theo một cuộc khảo sát của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), 62% ngân hàng được hỏi kỳ vọng vàng sẽ chiếm tỉ trọng lớn hơn trong tổng dự trữ trong 5 năm tới, so với mức 46% của năm ngoái.

Trong khi đó, cuộc khảo sát cho thấy một nửa số ngân hàng được hỏi kỳ vọng đồng USD sẽ chiếm 40%-50% dự trữ trong 5 năm tới.

Con số này đánh dấu sự sụt giảm so với quý 3, khi đồng USD được kỳ vọng chiếm 51% dự trữ, còn vàng chiếm 15%.

"Lý do để tăng dự trữ vàng không có gì ngạc nhiên, bởi lãi suất, mối lo ngại về lạm phát và rủi ro địa chính trị tiếp tục là những yếu tố hàng đầu trong các quyết định quản lý dự trữ của các ngân hàng trung ương" - WGC cho hay.

Các ngân hàng trung ương đã ráo riết mua vàng, đặc biệt là sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina vào năm ngoái, dẫn đến việc phương Tây đóng băng ngoại tệ của Nga.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến nhiều quốc gia có kế hoạch giảm bớt nắm giữ đồng USD trong nền kinh tế và vàng nổi lên như một giải pháp thay thế hàng đầu.

Xu hướng này vẫn tiếp tục trong năm nay, khi quý I chứng kiến lượng mua vàng của ngân hàng trung ương tăng 176% so với một năm trước.

Trong quý I năm 2023, các ngân hàng trung ương mua vàng tăng 176% so với một năm trước. Ảnh: Xinhua

Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa triển vọng của các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế tiên tiến và của các quốc gia đang phát triển, trong đó các quốc gia mới nổi lạc quan hơn về vai trò tương lai của vàng.

Chẳng hạn, các ngân hàng này đưa ra kỳ vọng về dự trữ đồng USD giảm, trong khi nhiều nền kinh tế tiên tiến dự báo mức dự trữ của đồng bạc xanh không thay đổi.

Các thị trường mới nổi, đặc biệt là các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế đang phát triển, đã bày tỏ lo ngại liên tục về tác động của địa chính trị đối với những quyết định quản lý dự trữ, nhiều người định giá vàng như một cách để quản lý những rủi ro này - WGC viết.

Một cuộc tranh luận về phi USD hóa đã nổ ra trong năm qua, do lo ngại rằng Washington đang vũ khí hóa hệ thống tài chính toàn cầu bằng USD để chống lại Nga trong cuộc chiến Ukraina.

Ngay cả các nhà đầu tư nổi tiếng cũng đã cân nhắc. Vào tháng 4, nhà đầu tư tỉ phú Mỹ Ray Dalio đã cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt siết chặt dự trữ tiền tệ bằng USD đối với Nga "làm tăng rủi ro về việc các tài sản nợ đó có thể bị đóng băng theo cách mà chúng đã bị đóng băng đối với Nga".

Do đó, nhiều quốc gia bắt đầu đa dạng hóa các loại tiền tệ không phải USD và các tài sản thay thế để sử dụng trong thương mại và dự trữ.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang có thời điểm tỏa sáng như một thách thức tiềm năng đối với hệ thống thanh toán toàn cầu do đồng USD thống trị.

Khi muốn mở rộng việc sử dụng đồng nhân dân tệ trên phạm vi quốc tế, Trung Quốc đã thực hiện các thỏa thuận với các quốc gia bao gồm cả Nga. Và mặc dù nhân dân tệ không phải là đối thủ duy nhất của đồng bạc xanh, nhưng nó là đối thủ nổi bật nhất, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung và sự hợp tác chặt chẽ của Bắc Kinh với Mátxcơva trong bối cảnh chiến sự Ukraina.

Tuy nhiên, sẽ rất khó để bất kỳ tài sản hoặc tiền tệ nào vượt qua được đồng USD. Như hiện tại, ngay cả việc sử dụng đồng euro cũng kém xa so với đồng bạc xanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn