MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Em bé mặc trang phục hình gấu ở Comanesti, Romania. Ảnh: AFP

Đón năm mới may mắn khắp thế giới: Mặc đồ hình gấu nhảy múa, ăn 12 bữa

Thanh Hà LDO | 01/01/2023 11:00
Khoảng 8 tỉ người đón năm mới 2023 với tâm trạng vui tươi, trong đó có nhiều phong tục độc đáo để có một năm mới nhiều may mắn như ăn 12 bữa, mặc đồ hình gấu và nhảy múa...

Ném đồ đạc ra ngoài cửa sổ

Lễ đón năm mới ở Italia có một truyền thống được cho là sẽ giúp một năm tốt lành: Ném đồ cũ ra ngoài cửa sổ lúc nửa đêm. Trang web thepioneerwoman.com giải thích, hành động này có nghĩa là rũ bỏ quá khứ và nhường chỗ cho những điều may mắn trong năm mới.

Như italyperferct.com nhấn mạnh, phong tục này phổ biến nhất ở miền nam Italia và vẫn còn tồn tại ở một số vùng với niềm tin rằng đây là cách để “xua đuổi tà ác” tích tụ trong suốt cả năm.

Ăn đồ ăn hình khuyên và tìm đồng xu

Ăn các món hình khuyên và hình tròn trong ngày tết là phong tục được nhiều người trên thế giới tin rằng sẽ mang lại may mắn trọn vẹn, trong đó có Hy Lạp. 

Trang web thepioneerwoman.com cho biết, loại bánh mì đặc biệt "vasilotopia" thường được ăn trong đêm giao thừa ở Hy Lạp. “Một đồng xu được đặt bên trong và bất cứ ai tìm thấy đồng xu đó trong phần thức ăn của mình sẽ có thêm may mắn" - trang tin này nêu rõ. Xa xưa, đồng xu trong bánh thường có giá trị, chẳng hạn như đồng vàng.

Bước bằng chân phải

Trang mid-day.com cho biết, người dân Argentina bước chân phải khi chào đón năm mới. Tiến về phía trước bằng chân phải lúc giao thừa được cho là giúp mọi việc suôn sẻ trong suốt cả năm. Phong tục năm mới này cũng được thực hiện theo nhiều cách ở các quốc gia khác nhau, bao gồm cả Hy Lạp.

Ăn rau collard green, thịt lợn và đậu mắt đen

Lễ mừng năm mới ở miền nam nước Mỹ rất đặc trưng bởi bữa tối có rau collard green, thịt lợn và đậu mắt đen. Theo Encyclopedia Britannica, đậu mắt đen là loại đậu nhỏ, nhạt màu, có một đốm đen trên đó. Theo giải thích của thepioneerwoman.com, hạt đậu mắt đen tượng trưng cho đồng tiền xu trong khi rau collard green là tiền mặt.

Ăn 12 quả nho

Atlas Obscura chỉ ra, ở Tây Ban Nha, thời khắc giao thừa mọi người thường ăn 12 quả nho xanh. Người ta tin rằng ăn 12 quả nho, đặc biệt là ở Barcelona, Bilbao và Cadiz, sẽ mang lại may mắn.

Phong tục này có nguồn gốc từ truyền thống uvas de la swerte (nho may mắn) của những người nông dân trồng nho ở Alicante, Tây Ban Nha sau một vụ mùa bội thu năm 1900. 

“Mỗi quả nho tượng trưng cho sự may mắn trong mỗi tháng tới nhưng tất cả các quả phải ăn xong trong thời gian đồng hồ điểm 12 lần, vì vậy bạn chỉ có 12 giây" - Atlas Obscura nhấn mạnh. 

Cá trích ngâm là một món ăn đêm giao thừa được cho là mang lại thịnh vượng cho cả năm mới. Ảnh: AFP

Ăn cá trích ngâm

Người dân Ba Lan, Scandinavia, Đức và Thụy Điển ăn cá trích ngâm vào đêm giao thừa với niềm tin rằng nó sẽ mang lại thịnh vượng cho cả năm tới. Trang web Seriouseats.com giải thích, con cá trích vảy bạc dường như trông giống tiền (hoặc đồng xu) hơn. 

Trong lịch sử, việc đánh bắt cá trích rất quan trọng với thịnh vượng của các thương nhân khi đó, Seriouseats.com chỉ ra.

Tạp chí Smithsonian thừa nhận, việc tiêu thụ cá trích ngâm vào đêm giao thừa ở Đức, Ba Lan và Scandinavia “có liên quan đến một vụ đánh bắt bội thu”.

Ăn mì soba

Mì là điểm nhấn trong mâm cơm của nhiều gia đình Nhật Bản vào ngày đầu năm mới. Theo giải thích của trang web thepioneerwoman.com, người Nhật “ăn mì soba làm từ kiều mạch, tượng trưng cho trường thọ và thịnh vượng”.

Trang livejapan.com cho biết, phong tục này có từ khoảng 800 năm trước, vào thời Kamakura, và bắt đầu từ việc một ngôi chùa Phật giáo phát mì soba cho người nghèo vào dịp năm mới. Vào thời Edo, món mì năm mới này, được gọi là "toshikoshi soba" trở thành một phong tục cố định và được người dân Nhật Bản duy trì đến ngày nay.

Người đầu tiên đến nhà phải mang quà

Ở Scotland, người ta tin rằng người đầu tiên bước vào nhà trong ngày đầu năm mới phải mang theo một món quà tặng, theo trang psychfloss.com. Những món quà tượng trưng này bao gồm tiền xu, muối, bánh mì, than đá và rượu whisky.

Theo cntraveler.com, người đầu tiên bước vào nhà vào ngày đầu tiên của năm mới sẽ “thiết lập giai điệu” cho phần còn lại của năm.

Gà trống dự báo tình duyên 

Ở Belarus, người dân thả một con gà trống vào ngày đầu năm mới để xác định người phụ nữ tiếp theo sẽ kết hôn. Theo truyền thống này, tất cả phụ nữ ngồi thành một vòng tròn, mỗi người có một đống ngô trước mặt và một con gà trống được đặt ở giữa. Sau đó, gà trống ăn ngô ở chỗ người phụ nữ nào trước thì đó là người kết hôn đầu tiên.

Ăn từ 7 đến 12 bữa

Theo bài đăng trên trang heart.co.uk được Đại sứ quán Estonia ở London chia sẻ, người dân Estonia ăn từ 7 đến 12 bữa vào đêm giao thừa. Đây là những con số may mắn ở Estonia; người ta tin rằng với mỗi bữa ăn, người đó sẽ có được sức mạnh của nhiều nam giới trong năm mới. Tuy nhiên, không nên ăn hết thức ăn mà nên để lại một ít thức ăn cho tổ tiên và các linh hồn đến thăm nhà vào đêm giao thừa.

Đọc củ hành để biết thời tiết năm sau

Một số người dân ở Romania bóc hành vào ngày cuối cùng của năm, ướp muối rồi "đọc" vỏ hành để biết thời tiết cho năm sau.

Trang uncover-romania.com giải thích, mỗi gia đình cắt một củ hành tây thành 12 lát bằng nhau - mỗi lát cho mỗi tháng - thêm cùng một lượng muối vào mỗi lát. Lượng nước ở mỗi lát vào sáng đầu tiên trong năm mới sẽ là lượng mưa dự kiến của các tháng trong năm.

Nói chuyện với gia súc trong nhà

Gửi lời chúc mừng năm mới đến gia súc, đặc biệt là bò, là một truyền thống lâu đời ở Bỉ. EU Business School cho hay, “những người nông dân âu yếm thì thầm những điều ngọt ngào vào tai con bò yêu thích của họ vào ngày đầu năm mới để có được một năm may mắn". Tương tự, nói chuyện với gia súc được cho là sẽ mang lại sức khỏe tốt cho năm tới. 

Đập ổ bánh mì vào tường

Trang tasteofhome.com cho biết, người Ireland có truyền thống đập bánh mì vào tường nhà vào đêm giao thừa để điều xui xẻo và tà ma bị xua đuổi và mời những điều may mắn đến. Hành động này cũng nhằm đảm bảo rằng năm tới sẽ đầy bánh mì và thực phẩm khác.

Mặc đồ hình gấu và nhảy múa

“Vũ điệu của gấu” hàng năm diễn ra tại một số ngôi làng ở Romania. Người dân địa phương mặc trang phục gấu đẹp nhất của họ và nhảy múa xung quanh để xua đuổi tà ma. Vũ điệu của gấu, theculturetrip.com nhấn mạnh, biểu thị cái chết và sự tái sinh của thời gian. “Được thực hiện giữa Giáng sinh và đêm giao thừa, nghi lễ cổ xưa này tập hợp cả cộng đồng lại với nhau để xem buổi biểu diễn" - trang tin này cho hay. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn