MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người cao tuổi tại một trung tâm chăm sóc sức khỏe ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Đông Á vật lộn với già hóa dân số

Duy Phương LDO | 16/03/2023 08:00

Đông Á hiện có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới trong khi dân số già đang ngày một tăng lên, làm dấy lên lo ngại về những vấn đề kinh tế và xã hội.

Tỉ lệ sinh ngày một giảm

"Tôi sợ có con. Tôi đã chứng kiến ​​nhiều phụ nữ đã lập gia đình bỏ việc để chăm sóc con cái” - Seha, một cư dân ở Seoul (Hàn Quốc), chia sẻ với DW.

Cô cho biết, các đồng nghiệp cũng có chung mối lo ngại.

Tỉ lệ sinh ở Hàn Quốc giảm đều kể từ năm 2015. Năm ngoái là năm thứ 3 liên tiếp nước này có ​​số ca tử vong nhiều hơn số ca sinh.

Mới đây, Hàn Quốc đã phá vỡ kỷ lục của chính nước này về tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới. Năm 2021, trung bình một phụ nữ ở Hàn Quốc có 0,81 con. Con số này dự kiến giảm xuống còn 0,78 vào năm 2022, trong khi tỉ lệ để có thể duy trì tốc độ tăng dân số tự nhiên là 2,1.

Nhật Bản, nước láng giềng của Hàn Quốc, từ lâu đã gặp khó khăn tương tự. Vấn đề dân số già có tác động mạnh đến mức Thủ tướng Fumio Kishida nói rằng, Nhật Bản đang bên bờ vực không thể duy trì các chức năng xã hội.

Tỉ lệ sinh ở Trung Quốc cũng ít hơn. Người dân trì hoãn sinh con hoặc thậm chí không có con. Năm ngoái, dân số Trung Quốc lần đầu giảm sau 6 thập kỷ.

Theo Văn phòng Tham khảo Dân số (PRB), Đông Á hiện có tỉ lệ sinh thấp nhất trên thế giới, ở mức 1,2 con/phụ nữ, so với mức 2,3 con/phụ nữ trên toàn thế giới.

Theo DW, những lý do khiến phụ nữ ở Đông Á không muốn có con đều giống nhau: Chi phí nhà ở cao, vấn đề tài chính khi nuôi dạy con cái và phụ nữ ngày càng ưu tiên cho sự nghiệp của mình.

"Cần ít nhất 800.000 USD để mua một căn hộ quanh khu vực Seoul. Hiện nay, chúng tôi quyết định thuê nhà" - Heedoh Roh, một công chức ở Seoul sắp kết hôn, chia sẻ. 

Dữ liệu từ Khảo sát nhà ở Hàn Quốc năm 2021 nhận thấy, một người lao động trung bình chỉ có thể mua bất động sản ở thủ đô nếu tiết kiệm toàn bộ thu nhập hơn 14 năm.

Những khó khăn

Tỉ lệ sinh giảm không phải là khó khăn duy nhất liên quan đến nhân khẩu học mà Đông Á đang phải đối mặt. Nhật Bản là một trong những quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới. Tại Nhật Bản, gần 1/3 dân số là những người từ 65 tuổi trở lên.

Một gia đình ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Bà Thang Leng - phó giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Nhật Bản, Đại học Quốc gia Singapore - cho hay, số lượng người trẻ giảm đồng nghĩa với việc đất nước có ít lực lượng lao động hơn và sẽ không thể thu được nhiều tiền thuế, tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Theo báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới của Liên Hợp Quốc, đến năm 2050, cứ 3 người ở Đông Á thì có 1 người trên 65 tuổi.

Trung Quốc đang đối mặt với thách thức thậm chí còn khó khăn hơn. Theo bà Sabrina Luk - trợ lý giáo sư về chính sách công và các vấn đề toàn cầu tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, với hơn 1,4 tỉ người, dân số của Trung Quốc đang "già đi ở quy mô chưa từng thấy".

Dân số ngày càng già đi cùng với mô hình “4-2-1” (4 ông bà, 2 cha mẹ và 1 con) do chính sách "1 con" gây ra đồng nghĩa với gánh nặng “tài chính và chăm sóc gia đình” đè nặng lên vai thế hệ trẻ.

Trong khi nhiều quốc gia ở các khu vực khác đã chuyển sang sử dụng lao động nước ngoài để bổ sung cho lực lượng lao động, các quốc gia Đông Á vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận ý tưởng này.

Tại Nhật Bản, người nước ngoài chỉ chiếm 1,5% dân số đã đăng ký hộ tịch, con số thấp hơn nhiều so với các nước công nghiệp khác. Ví dụ, tỉ lệ này ở Đức là khoảng 15,8%.

Hàn Quốc áp dụng các chính sách thân thiện với người di cư, với các kế hoạch đang được tiến hành để thành lập cơ quan nhập cư.

Trong khi đó, Trung Quốc không phải là "điểm đến yêu thích của người nhập cư", bà Luk chia sẻ. Năm 2020, tổng số cư dân nước ngoài của Hong Kong và Macao chỉ chiếm 0,1% tổng lực lượng lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn