MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một mẫu xe điện trong triển lãm ô tô quốc tế Trung Quốc ở tỉnh Cát Lâm của Trung Quốc tháng 7.2022. Ảnh: Xinhua

Đông Nam Á đang tụt hậu về xe điện

Thanh Hà LDO | 25/02/2023 10:37

Farhan Abdul Rahim, một người đam mê công nghệ, trở thành một trong những người Malaysia đầu tiên sở hữu xe điện vào năm 2020. 

Thực trạng ở Malaysia

Tháng 6.2022, Farhan bắt đầu hành trình 3 ngày vòng quanh bán đảo Mã Lai trên chiếc xe Tesla của mình — đi quãng đường khoảng 1.700 km — nhằm chứng minh rằng xe điện có thể hoạt động bên ngoài các thành phố và vùng nông thôn của quốc gia Đông Nam Á này.

Tuy nhiên, với tư cách là nhà quản lý tại công ty dầu mỏ nhà nước Petronas và giúp công ty bắt đầu xem xét việc thành lập các trạm sạc xe điện trong thời gian phong tỏa ngừa COVID-19 năm 2021, Farhan nhận thức sâu sắc về những thách thức phải đối mặt trong hành trình này.

Người đàn ông 46 tuổi cho biết đã dành nhiều tuần lên kế hoạch về phương án sạc xe điện trước khi bắt đầu hành trình.

"Chuyến đi nhằm bác bỏ những lời đồn đại và giúp cộng đồng xe điện - những người thường nói với bạn rằng không thể đi tới phần phía đông của Malaysia bằng xe điện" - Farhan nói. 

Thiếu cơ sở hạ tầng sạc điện thường được xem là một trong những trở ngại cho sự tăng trưởng của ngành này ở Malaysia.

Với Farhan, làm việc tại tháp đôi Petronas ở Kuala Lumpur giúp ông tiếp cận bãi đậu xe ngầm và khoảng 50 điểm sạc — nơi tập trung nhiều trạm sạc xe điện nhất trong khu vực.

Tuy nhiên, việc chuyển sang xe điện khó khăn hơn đối với công chúng, đặc biệt là khi nhiều chung cư từ chối lắp đặt các điểm sạc hoặc thậm chí từ chối cho phép chủ sở hữu nhà tự lắp đặt điểm sạc xe điện.

Ngoài ra, nhiều đại lý ôtô cũng chưa đào tạo đủ tốt để quảng bá xe điện và có những tư vấn cơ bản cho những người có ý định mua xe điện. 

Tuy nhiên, Farhan tin rằng, các ưu đãi thuế lớn hơn từ chính phủ đang giúp ích. Malaysia miễn thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện và chính phủ mới dự kiến công bố nhiều ưu đãi tài chính hơn trong ngân sách năm 2023 được công bố trong tuần này. 

Hiện có khoảng 2.400 xe điện đã đăng ký ở Malaysia, tăng từ khoảng 240 xe vào đầu năm 2021.

Phương tiện xa xỉ

Sản xuất và bán xe điện đang tăng mạnh trên toàn cầu. Lĩnh vực này được coi là chìa khoá trong nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua giảm lượng khí thải từ xăng và dầu diesel, giảm nhập khẩu dầu và trợ cấp nhiên liệu đồng thời hỗ trợ đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo. 

Theo chuyên gia Rahul Gupta của McKinsey & Company ở Singapore, nhiều tài xế có ý thức về khí hậu trên khắp thế giới đang hướng tới môi trường xanh, với xe điện và xe lai điện chiếm 18% doanh số bán xe 4 bánh toàn cầu trong năm ngoái.

Tuy nhiên, doanh số này chủ yếu ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Trong đó, thị trường châu Âu và Trung Quốc lần lượt chiếm 20% và 25% doanh số. Ở khu vực Nam Á, xe điện chiếm chưa đến 2% doanh số bán hàng của năm 2022.

Các nhà phân tích nhận định, việc thiếu cơ sở hạ tầng sạc điện bên ngoài các đô thị, ít ưu đãi và trợ cấp về thuế cho cả nhà sản xuất ôtô và người mua, cũng như tiến độ chậm trong phát triển xe điện giá cả phải chăng của các nhà sản xuất chính ở Đông Nam Á đã kìm hãm khu vực này.

Tuy nhiên, dường như các chính phủ ở đây đang muốn đẩy nhanh tốc độ, cung cấp ngày càng nhiều ưu đãi cho các nhà sản xuất ôtô, pin, giảm thuế cho khách hàng và đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng khi tìm cách định vị như là trung tâm sản xuất xe điện khu vực. 

Theo ông Benedict Eijbergen - Giám đốc vận tải khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tại Ngân hàng Thế giới, xe 2 và 3 bánh — từ xe máy đến xe tuk-tuk — chiếm khoảng 80% phương tiện đang hoạt động ở Đông Nam Á.

Điều này có nghĩa là quá trình chuyển đổi sang ôtô điện trong khu vực sẽ khác rất nhiều so với Trung Quốc, châu Âu và Mỹ - những nơi tăng trưởng xe điện được thúc đẩy bởi quá trình điện khí hoá ô tô. 

Ông Eijbergen thông tin thêm, mức độ bán xe điện 2 bánh trong khu vực cao hơn ôtô điện, chiếm khoảng 8% tổng doanh số bán xe tại thị trường Việt Nam năm 2020.

Tuy nhiên, chuyên gia Gupta của McKinsey & Company lưu ý, chi phí mua xe điện cao hơn so với xe động cơ đốt trong (ICE) là rào cản cho nhiều tài xế muốn chuyển sang xe điện. 

Để giải quyết vấn đề này, các chính phủ cần có trợ cấp tại điểm mua hàng để giúp người tiêu dùng cũng như cung cấp các ưu đãi hoặc giảm thuế để các nhà sản xuất ôtô giảm chi phí sản xuất. 

Năm ngoái, Thái Lan phê duyệt một gói ưu đãi gồm cắt giảm thuế và trợ cấp để thúc đẩy xe điện. Đầu tháng 2.2023, Indonesia cho biết đang xem xét cắt giảm thuế giá trị gia tăng với doanh số bán ô tô điện từ 11% xuống 1%.

Cơ sở hạ tầng sạc điện nhiều hơn, mức độ sẵn có và nhiều lựa chọn hơn về xe điện cũng sẽ góp phần khiến nhu cầu xe điện ở khu vực tăng lên. Bên cạnh đó, chính phủ các nước thiết lập lộ trình để cấm xe chạy bằng xăng và dầu diesel cũng sẽ có hiệu quả trong thúc đẩy xe điện ở khu vực, ông Gupta chỉ ra. 

Gregory Poling - Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Mỹ -  lưu ý, nhiều nước Đông Nam Á có mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 đầy tham vọng, trong đó có nội dung hỗ trợ mua xe điện, cơ sở hạ tầng sạc điện... nhưng việc này không được thực hiện đồng đều. 

Cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, việc thiếu các trạm sạc điện bên ngoài thành phố cũng là vấn đề lớn. Việc mở rộng hệ thống trạm sạc cho xe điện ở các quốc gia như Indonesia - quốc gia gồm hàng nghìn hòn đảo - có thể là một thách thức, ông nói thêm. 

“Xe điện vẫn là một mặt hàng xa xỉ ở hầu khắp  Đông Nam Á cũng như trên toàn cầu" - ông Poling nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn