MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồng phục cho nữ sinh trường trung học cơ sở Mizue Daini của Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Mizue Daini

Đồng phục phi giới tính được quan tâm khắp Nhật Bản

Thanh Hà LDO | 21/05/2023 10:24

Chính sách “đồng phục phi giới tính” đang thu hút sự chú ý trên khắp Nhật Bản

Về bản chất, các trường có chính sách như vậy cho phép nam sinh mặc váy đồng phục - dù nam sinh mặc váy vẫn còn rất hiếm trên toàn quốc - và nữ sinh mặc quần dài. Học sinh cũng được phép chọn kết hợp trang phục của mình với cà vạt hoặc nơ. 

Khi còn học trung học Kate ở Akiota, Hiroshima, nam sinh Hinata Kubo mặc váy 1 hoặc 2 lần mỗi tuần. Hiện là sinh viên năm thứ nhất ngành khoa học xã hội tại Đại học Ryukyus ở Okinawa, Kubo cho biết đã chớp lấy cơ hội để thử một điều gì đó khác biệt. Kubo cho biết, mặc váy sẽ mát hơn, đặc biệt là trong mùa hè oi ả ở Nhật Bản.

Chàng trai 18 tuổi chia sẻ: “Thay vì nhìn nhận giới tính thông qua khuôn mẫu, xã hội lý tưởng là xã hội mà mọi người có thể chọn cách họ muốn thể hiện bản thân". 

Kubo cho hay, giống như mỹ phẩm, dù trong lịch sử là lĩnh vực của phụ nữ, đã trở nên phổ biến với nam giới, quần áo cũng không nên có sự phân biệt giới tính.

Kubo hi vọng một ngày nào đó Nhật Bản có thể trở thành một xã hội khoan dung với sự khác biệt, một xã hội nuôi dưỡng và tôn trọng cá tính cũng như quyền tự do cá nhân.

Hiện Kubo không còn mặc váy nữa vì “không còn cảm thấy thích nó”. Kubo thừa nhận đã bị những người qua đường nhìn theo đầy tò mò trên đường đến trường cũng như chịu những lời chỉ trích trực tuyến sau khi đài truyền hình Nhật Bản NHK thực hiện một phóng sự về mình. 

Theo Straits Times, chính sách “đồng phục không phân biệt giới tính” ở nhiều trường học ra đời bởi thừa nhận rằng một số học sinh có thể đang phải vật lộn với bản sắc giới tính của mình. 

Hiệu trưởng Seigo Takizawa của trường trung học cơ sở Mizue Daini ở Edogawa, Tokyo chia sẻ: “Mặc dù đó là điểm khởi đầu, nhưng chúng tôi nhận ra rằng có những cô gái thích mặc quần dài hơn và thật tốt khi cho họ lựa chọn". 

Nữ sinh 14 tuổi Saya Koseki mặc quần đến trường hàng ngày và cô cảm thấy mặc quần rất thoải mái.

Ông Takizawa cho biết, chính sách bắt đầu từ 3 năm trước đã được phụ huynh đánh giá cao. Để xua tan định kiến ​​giới tính dựa trên màu sắc, trường sử dụng biển tên màu đen chung cho cả nam và nữ thay vì màu xanh và đỏ.

Edogawa cuối cùng đã ban hành hướng dẫn “đồng phục phi giới tính” cho tất cả 32 trường trung học cơ sở công lập dưới sự giám sát của địa phương. Ông Naoya Seki thuộc hội đồng giáo dục của Edogawa chia sẻ: “Chúng tôi thấy cần phải xem xét lại quan điểm chung lâu nay trong xã hội và tôn trọng từng học sinh với tư cách cá nhân". 

Dù lớn hay nhỏ, các trường học Nhật Bản đang ở giao lộ khi sự đa dạng ngày càng tăng trong thành phần học sinh buộc họ phải vật lộn với truyền thống tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc, với một số quy tắc đã lỗi thời.

Tất cả những điều này liên quan đến việc thúc đẩy Nhật Bản trở thành một xã hội đa dạng hơn, tôn trọng sự khác biệt của từng cá nhân. Bài xã luận trên tờ báo Yomiuri vào tháng 10.2022 cũng đã kêu gọi bãi bỏ “các quy tắc lỗi thời”.

Có ít nhất một trường hợp đã bị kiện ra tòa án. Một phụ nữ Osaka, hiện 22 tuổi, đã kiện trường trung học cũ vì tội làm tổn thương tinh thần sau khi cô buộc phải nhuộm đen mái tóc nâu tự nhiên của mình.

Cuối cùng, các trường học đóng vai trò quan trọng trong việc gieo mầm cho sự công nhận rằng không có một “vẻ ngoài” duy nhất nào định nghĩa một người Nhật Bản.

Ca sĩ kiêm nhạc sĩ đa chủng tộc Nhật Bản Ai, 41 tuổi, tin rằng điều quan trọng là phải bắt đầu từ khi còn trẻ. "Xã hội trong mơ của tôi là nơi giàu lòng trắc ẩn, nơi mọi người giao tiếp với nhau, mọi người trò chuyện và lắng nghe về sự khác biệt của họ. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể hiểu, tôn trọng và chấp nhận nhau hơn” - cô nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn