MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đồng rúp Nga lội ngược dòng, lấy lại đà tăng giá

Khánh Minh LDO | 31/05/2022 15:52
Đồng rúp Nga đảo chiều trong phiên giao dịch đầu tuần, lấy lại đà tăng giá sau khi giảm mạnh vào tuần trước.

Theo Reuters, đồng rúp tăng mạnh trên Sàn giao dịch Mátxcơva hôm 30.5, đảo ngược tình trạng giảm mạnh của tuần trước do vẫn được hỗ trợ từ các biện pháp kiểm soát vốn và tài khoản thương mại mạnh của Nga.

Đồng rúp giảm trong tuần trước khi ngân hàng trung ương giảm lãi suất cơ bản. Ngày 26.5, ngân hàng trung ương Nga giảm lãi suất lần thứ hai trong hai tháng, từ 20% hồi tháng 2 xuống 14% và 11%. Điều này dẫn đến việc đồng rúp giảm giá so với đồng USD

Vào lúc 11h20 GMT ngày 30.5, đồng rúp tăng khoảng 7% lên 61,92 rúp đổi 1 USD. Hôm 25.5, đồng rúp chạm mức mạnh nhất kể từ tháng 2.2018 ở mức 55,80 rúp đổi 1 USD, trước khi giảm xuống 66,70 rúp/USD vào cuối tuần.

So với đồng euro, đồng rúp tăng gần 9%, ở mức 63,46 rúp đổi 1 euro, sau khi đạt mức cao nhất trong 7 năm vào ngày 25.5 là 57,10 rúp đổi 1 euro. Đây là giai đoạn cao điểm của các khoản nộp thuế cuối tháng, khi các công ty xuất khẩu chuyển đổi ngoại tệ để hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Dmitry Polevoy, người đứng đầu bộ phận đầu tư của công ty LockoInvest cho biết: “Bức tranh cơ bản tổng thể đối với đồng rúp không có nhiều thay đổi… Chúng tôi không loại trừ khả năng quay trở lại tỷ giá rúp/USD là 60-63 rúp/USD.

Bất chấp các lệnh trừng phạt chưa từng có đối với Nga, xuất khẩu gia tăng và việc kiểm soát vốn nghiêm ngặt đã làm giảm nhu cầu ngoại tệ và khiến đồng rúp tăng vọt lên mức mạnh nhất trong nhiều năm. Theo Bloomberg, đồng rúp đã trở thành đồng tiền hoạt động tốt nhất thế giới cho đến nay trong năm nay, trước khi trượt giá vào tuần trước. 

Nguyên nhân chính giúp đồng rúp phục hồi là do giá nhiên liệu tăng vọt. Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina vào ngày 24.2, giá dầu và giá khí đốt vốn đã cao lại tiếp tục tăng. Nga đang thu về gần 20 tỉ USD mỗi tháng từ xuất khẩu năng lượng.

Kể từ cuối tháng 3, nhiều người mua nước ngoài đã tuân theo yêu cầu thanh toán năng lượng bằng đồng rúp, đẩy giá trị của đồng tiền này lên cao. Đồng thời, các lệnh trừng phạt của phương Tây và làn sóng doanh nghiệp rời khỏi Nga đã khiến nhập khẩu giảm. Vào tháng 4, thặng dư tài khoản của Nga - chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu - đã tăng lên mức kỷ lục 37 tỉ USD.

Tuy nhiên, đồng rúp tăng giá nhanh chóng là một vấn đề đối với cả các nhà xuất khẩu và ngân sách chính phủ. Để ngăn chặn đà tăng giá của đồng rúp, ngân hàng trung ương Nga hôm 26.5 đã giảm lãi suất cơ bản 3 điểm phần trăm xuống 11%, báo hiệu sẽ có thêm nhiều đợt giảm lãi suất nữa khi rủi ro lạm phát giảm xuống.

Trên thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu kho bạc OFZ kỳ hạn 10 năm của chính phủ, biến động nghịch với giá của chúng, trong thời gian ngắn đã giảm xuống còn 9,23%, mức thấp nhất kể từ ngày 19.1, trước khi tăng lên ở mức 9,48%, khi thị trường phản ứng trước việc cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương và kỳ vọng nới lỏng tiền tệ nhiều hơn.

Thị trường đang tập trung vào khả năng trả nợ nước ngoài của Nga sau khi Mỹ đẩy nước này đến bờ vực vỡ nợ lịch sử bằng cách không gia hạn giấy phép thanh toán cho các trái chủ bằng ngoại tệ.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov giải thích với nhật báo kinh doanh Vedomosti của Nga, một kế hoạch tương tự như cơ chế mà Nga sử dụng để nhận các khoản thanh toán khí đốt bằng đồng rúp sẽ được sử dụng để trả nợ có chủ quyền. Các trái chủ sẽ cần phải mở hai tài khoản tại một ngân hàng Nga được chỉ định để nhận những khoản tiền đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn