MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cơ sở của đường ống Nord Stream 1 ở Lubmin, Đức, ngày 14.9.2022. Ảnh: Xinhua

Động thái quyết định của Nga về Nord Stream

Ngọc Vân LDO | 05/03/2023 07:00

Các đường ống dẫn khí Nord Stream bị vỡ dưới biển Baltic sẽ được Nga niêm phong để đấy vì không có kế hoạch sửa chữa ngay lập tức hoặc kích hoạt lại.

Nord Stream 1 và Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2), mỗi đường ống gồm hai nhánh, được tập đoàn dầu khí Nga Gazprom xây dựng dưới Biển Baltic để bơm 110 tỉ mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm tới Đức.

Ba trong số các nhánh đường ống bị vỡ do các vụ nổ không rõ nguyên nhân vào tháng 9 năm 2022, chỉ còn một nhánh của Nord Stream 2 vẫn còn nguyên vẹn.

Nhưng căng thẳng gia tăng giữa Nga và phương Tây về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina đã khiến Nord Stream 1 rơi vào bế tắc và ngăn cản người anh em song sinh - Nord Stream 2 - đi vào hoạt động. Nord Stream 2 đã xây dựng xong nhưng không được Đức cấp phép, đồng thời bị Ukraina và Mỹ chỉ trích vì làm tăng sự phụ thuộc của Đức vào Nga.

Gazprom cho biết về mặt kỹ thuật có thể sửa chữa các đường ống bị vỡ, nhưng theo Reuters, hai nguồn tin quen thuộc với các kế hoạch nói rằng Mátxcơva thấy rất ít triển vọng cải thiện quan hệ với phương Tây trong tương lai gần để các đường ống này trở nên cần thiết.

Châu Âu đã cắt giảm đáng kể năng lượng nhập khẩu từ Nga trong năm qua, trong khi xuất khẩu của Gazprom ra bên ngoài Liên Xô cũ gần như giảm một nửa vào năm 2022, đạt mức thấp nhất thời hậu Xô Viết là 101 tỉ mét khối.

Rò rỉ khí đốt từ đường ống Nord Stream ngày 27.9.2022. Ảnh: Xinhua/Cảnh sát biển Thụy Điển

Một nguồn tin từ Nga cho hay Mátxcơva coi dự án này đã "bị chôn vùi". Hai người khác nói, mặc dù không có kế hoạch sửa chữa các đường ống bị vỡ, nhưng ít nhất chúng sẽ được bảo tồn để có thể hoạt động trở lại trong tương lai.

Một nguồn khác quen thuộc với các kế hoạch xác nhận, các bên liên quan đang xem xét bảo tồn. Điều này rất có thể có nghĩa là bịt kín các đầu đường ống bị đứt và bơm một lớp phủ vào đường ống để ngăn nước biển ăn mòn thêm.

Một trong những nguồn tin của Nga cho hay, nếu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vận chuyển bằng đường biển từ Mỹ mà châu Âu đang sử dụng để bù đắp cho nguồn cung bị thiếu hụt từ Nga trở nên đắt hơn nhiều, thì châu Âu có thể lại sẵn sàng mua thêm từ Nga.

Bộ Năng lượng Nga đã chuyển câu hỏi tới các nhà điều hành đường ống, nhưng cả họ và Gazprom đều không trả lời yêu cầu bình luận.

Engie, Gasunie và Wintershall DEA - các bên liên quan trong công ty Nord Stream AG, nhà điều hành đường ống Nord Stream 1 - từ chối bình luận.

Người phát ngôn của E.ON của Đức, công ty cũng sở hữu cổ phần của Nord Stream AG, cho biết: "Theo hiểu biết của chúng tôi với tư cách là một cổ đông thiểu số, chưa có quyết định nào được đưa ra, dù ủng hộ hay phản đối việc khôi phục đường ống".

Nga cáo buộc phương Tây đứng sau các vụ nổ. Tháng trước, Nhà Trắng đã bác bỏ một bài đăng trên blog của nhà báo điều tra đoạt giải Pulitzer của tờ New York Times - Seymour Hersh - cáo buộc rằng Washington phải chịu trách nhiệm.

Các cuộc điều tra của Đan Mạch, Đức và Thụy Điển vẫn chưa kết thúc.

Nord Stream 1 đã không hoạt động kể từ cuối tháng 8 khi tạm dừng để bảo trì, nhưng chưa bao giờ khởi động lại khi Nga và phương Tây tranh cãi về việc bảo dưỡng tuabin trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Nord Stream 2 có quy mô tương tự đã được hoàn thành vào tháng 9.2021 khi căng thẳng với Nga ngày càng gia tăng, nhưng gặp rắc rối khi các cơ quan quản lý của Đức từ chối chứng nhận. Berlin sau đó đã đóng băng dự án vài ngày trước khi Mátxcơva đưa lực lượng vũ trang vào Ukraina ngày 24.22022.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất sử dụng nhánh không bị hư hại của Nord Stream 2 để vận chuyển khí đốt nhưng Đức - nước đang muốn chấm dứt sự phụ thuộc vào Nga - đã bác bỏ ý tưởng này. Ba Lan cũng ngừng mua khí đốt của Nga.

Nga hiện chỉ xuất khẩu khoảng 40 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày sang châu Âu, qua trạm Sudzha trên biên giới giữa Ukraina và Slovakia.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 3.3 cho biết Nga sẽ không còn dựa vào phương Tây như một đối tác năng lượng. Nga hy vọng thiết lập một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ để thay thế tuyến đường Baltic.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn