MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nhà nghiên cứu dự báo siêu lục địa Á-Mỹ (Amasia) có thể hình thành trong khoảng 280 triệu năm tới. Ảnh: Đại học Curtin

Dự báo sửng sốt về siêu lục địa mới của thế giới

Ngọc Vân LDO | 10/10/2022 15:52
Siêu lục địa tiếp theo của thế giới có thể hình thành khi Thái Bình Dương biến mất.

Thế giới có thể có một siêu lục địa mới trong vòng 200 triệu đến 300 triệu năm khi Thái Bình Dương thu hẹp và biến mất, theo nghiên cứu của Đại học Curtin ở Australia và Đại học Bắc Kinh ở Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu tại hai đại học nói trên đã sử dụng một siêu máy tính để mô hình hóa sự tiến hóa của các mảng kiến ​​tạo Trái đất và sự hình thành của một siêu lục địa trong tương lai. Nghiên cứu đã được đăng tải trên Tạp chí National Science Review.

“Trong 2 tỉ năm qua, các lục địa trên Trái đất đã va chạm với nhau để tạo thành một siêu lục địa cứ sau 600 triệu năm, được gọi là chu kỳ siêu lục địa. Điều này có nghĩa là các lục địa hiện tại sẽ tiến lại gần nhau trong vài trăm triệu năm nữa” - tác giả chính, Tiến sĩ Chuan Huang, nhà nghiên cứu thuộc Nhóm Nghiên cứu Động lực học Trái đất của Đại học Curtin và Trường Khoa học Trái đất và Hành tinh, cho biết.

Các nhà khoa học tin rằng sự hình thành các siêu lục địa đã xảy ra theo nhiều cách khác nhau.

Mô phỏng của nhóm cho thấy, do Trái đất đã nguội đi hàng tỉ năm kể từ khi hình thành, độ dày và sức mạnh của các mảng kiến ​​tạo bên dưới các đại dương đã giảm theo thời gian.

Quá trình tự nhiên này sẽ cản trở siêu lục địa tiếp theo hình thành do sự thu hẹp của Đại Tây Dương hoặc Ấn Độ Dương, mà các nhà khoa học coi là những đại dương tương đối trẻ. Những đại dương này có thể được hình thành khi siêu lục địa gần đây nhất trên Trái đất bị vỡ ra và các mảnh khác nhau từ từ trôi dạt.

Theo các tác giả nghiên cứu, Toàn Lục Địa (Pangea) là siêu lục địa từng hình thành cách đây khoảng 320 triệu năm, trước khi quá trình trôi dạt lục địa tác nó ra thành các lục địa từ 170 triệu đến 180 triệu năm trước.

Ngược lại, Thái Bình Dương là đại dương lâu đời nhất trên Trái đất. Vùng nước khổng lồ này thực sự là tàn tích của siêu đại dương Panthalassa (còn gọi là Toàn Đại Dương) - hình thành cách đây 700 triệu năm như một siêu lục địa thậm chí còn cổ xưa hơn cả Pangea - bắt đầu tan rã.

Thái Bình Dương được cho là bị thu hẹp vài cm mỗi năm và sẽ biến mất sau chưa đầy 300 triệu năm nữa. Ảnh: Map Data

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng khi các mảng kiến ​​tạo giảm sức mạnh và độ dày, thì việc hình thành một siêu lục địa mới có nhiều khả năng xảy ra. Giảm vài cm mỗi năm, Thái Bình Dương bắt đầu thu hẹp trong thời đại khủng long. Dựa trên mô phỏng mới, phạm vi hiện tại của Thái Bình Dương là 10.000 km sẽ biến mất sau chưa đầy 300 triệu năm.

“Kết quả là siêu lục địa mới đã được đặt tên là Á-Mỹ (Amasia) vì một số người tin rằng Thái Bình Dương sẽ đóng lại (trái ngược với Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương) khi Mỹ va chạm với Châu Á. Australia cũng được cho là sẽ đóng một vai trò trong sự kiện Trái đất quan trọng này, đầu tiên là va chạm với Châu Á và sau đó kết nối Mỹ và Châu Á khi Thái Bình Dương khép lại” - Huang nói.

Đồng tác giả nghiên cứu Zheng-Xiang Li, giáo sư nổi tiếng tại Trường Trái đất Curtin, cho biết Australia đang trôi dạt về phía Châu Á với tốc độ khoảng 7 cm mỗi năm, trong khi Âu-Á và Châu Mỹ di chuyển với tốc độ chậm hơn về phía Thái Bình Dương.

Thế giới sẽ thế nào?

Những thay đổi trong sự phân bố lục địa và đại dương sẽ gây ra những thay đổi về khí hậu, đặc biệt là khi các dòng hải lưu bị chặn lại do va chạm lục địa, hoặc các dòng hải lưu mới được hình thành khi các lục địa tách rời nhau, theo ông Li.

Một ví dụ của hiện tượng này là khi Australia tách khỏi Nam Cực cách đây 45 triệu năm đã kích hoạt sự hình thành của chỏm băng ở Nam Cực.

Australia ngày nay. Ảnh: Encyclopedia Britannica

Các nhà nghiên cứu cũng dự báo nhiều trận động đất hơn khi các mảng lục địa va chạm. Hoạt động địa chấn đã xảy ra định kỳ tại nơi các mảng của Ấn Độ và Âu-Á va chạm trong 55 triệu năm qua. Tác động ban đầu đã hình thành cao nguyên Tây Tạng và dãy Himalaya.

Được bao quanh bởi một siêu đại dương mới, siêu lục địa mới hình thành cũng sẽ bị giảm đa dạng sinh học.

“Trái đất như chúng ta biết sẽ khác biệt đáng kể khi lục địa Á-Mỹ hình thành. Dự kiến ​​mực nước biển sẽ thấp hơn, và phần bên trong rộng lớn của siêu lục địa sẽ rất khô cằn với biên độ nhiệt hàng ngày cao” - Li nói. “Hiện tại, Trái đất bao gồm 7 lục địa với nhiều hệ sinh thái và nền văn hóa con người khác nhau, vì vậy sẽ thật thú vị khi nghĩ thế giới sẽ thế nào trong khoảng thời gian 200 triệu đến 300 triệu năm”.

Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm hiểu chu kỳ siêu lục địa của Trái đất, được thúc đẩy bởi nhiệt và lực hấp dẫn. Nhóm nghiên cứu muốn xác định quá trình kiến ​​tạo mảng của Trái đất bắt đầu như thế nào và khi nào các lục địa đầu tiên hình thành, cũng như điều gì đã khởi động chu kỳ siêu lục địa.

Li nói: “Chúng tôi chỉ mới bắt đầu xem xét toàn bộ hệ thống Trái đất, từ lõi đến bầu khí quyển, như một hệ thống liên kết chặt chẽ cùng nhau phát triển”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn