MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rò rỉ từ đường ống dẫn khí Nord Stream 2 ngoài khơi miền nam Thụy Điển vào tháng 9. Ảnh: Lực lượng bảo vệ bờ biển Thụy Điển

Đức công bố kết quả điều tra vụ nổ Nord Stream

Ngọc Vân LDO | 18/10/2022 07:45
Ngày 17.10, Đức công bố kết quả điều tra vụ nổ các đường ống Nord Stream, tương tự kết quả sơ bộ của Thụy Điển.

Vụ nổ nghi do phá hoại

Tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin, các nhà điều tra Đức xác định rằng loạt vụ nổ dọc theo các đường ống dẫn khí đốt quan trọng Nord Stream 1 và Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 1, 2) chạy từ Nga đến Châu Âu có khả năng là do phá hoại. Kết quả này tương tự những phát hiện sơ bộ của các quan chức Thụy Điển.

Các nhà điều tra Đức chưa thể xác định chắc chắn mối liên hệ giữa nghi can phá hoại với bất kỳ tác nhân nào, nhưng một số quan chức Đức nói rằng họ đang làm việc với giả định Nga đứng sau các vụ nổ. Các vụ nổ tạo ra rò rỉ ảnh hưởng đến ba trong số bốn nhánh của Nord Stream 1 và Nord Stream 2 dưới biển Baltic.

Mátxcơva phủ nhận trách nhiệm và nói rằng các vụ nổ là một cuộc tấn công khủng bố nhằm chống lại lợi ích của Nga. 

Một cuộc điều tra sơ bộ của Thụy Điển vào đầu tháng này đã kết luận, các vụ nổ diễn ra vào cuối tháng 9 có khả năng là do phá hoại, nhưng cũng không nêu tên thủ phạm. 

NATO cho biết ngay sau các cuộc tấn công rằng các rò rỉ là kết quả của sự phá hoại nhưng cũng không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào hoặc nêu tên thủ phạm.

Theo một số quan chức Đức, không có khả năng một tàu ngầm quân sự thực hiện hành động phá hoại, vì nước ở khu vực này tương đối nông và hải quân NATO thường xuyên giám sát tàu ngầm ở đây. 

Một giả thuyết khác về vụ tấn công là các thiết bị nổ đã được hạ xuống từ một con tàu và sau đó được kích nổ từ xa, theo các quan chức Đức.

Nord Stream 1 là đường ống chính xuất khẩu khí đốt của tập đoàn năng lượng do nhà nước Nga Gazprom kiểm soát sang Tây Âu cho đến khi công ty bắt đầu giảm lưu lượng vào mùa hè này. Gazprom đã cắt tất cả nguồn cung vào tháng 8, với lý do các vấn đề kỹ thuật và các lệnh trừng phạt của phương Tây. Mátxcơva sau đó cho biết sẽ đóng Nord Stream 1 vô thời hạn.

Các quan chức ở một số thủ đô phương Tây nói rằng việc Mátxcơva dừng cung cấp khí đốt là một động thái chính trị nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt do Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina. Nord Stream 2, đường ống mới hơn được xây dựng bên cạnh Nord Stream 1, đã hoàn thành vào năm ngoái nhưng chưa bao giờ được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, cả hai đường ống đều chứa đầy khí tại thời điểm xảy ra sự cố. Khí đó rò rỉ ra ngoài trong nhiều ngày, tạo ra những vũng nước sủi bọt lớn khiến các con tàu không thể đến gần.

Phần đường ống duy nhất không bị hư hại bởi các vụ nổ là một trong hai nhánh của Nord Stream 2. Đức từ chối chứng nhận Nord Stream 2 sau khi Nga tấn công Ukraina. Tổng thống Vladimir Putin tuần trước cho biết có thể tiếp tục cung cấp khí đốt cho Đức qua đường ống không bị hư hại, được gọi là Nord Stream 2B.

Đức đã chứng kiến ​​các cuộc biểu tình thường xuyên hơn phản đối các lệnh trừng phạt Nga trong bối cảnh hóa đơn tiền điện và sưởi ấm tăng vọt. Một phát ngôn viên của chính phủ Đức cho biết nước này không có kế hoạch đưa đường ống Nord Stream 2 vào hoạt động.

Các đường ống của Nord Stream 2 ở Mukran, Đức. Berlin từ chối chứng nhận Nord Stream 2 sau khi Nga tấn công Ukraina. Ảnh: Reuters

Các cuộc điều tra riêng

Đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 đi qua vùng biển của Đức, Thụy Điển và Đan Mạch. Cả ba quốc gia đã và đang điều tra vụ việc. Các nhà chức trách Thụy Điển và Đan Mạch vẫn chưa công bố nhiều chi tiết về các cuộc điều tra riêng. Công tố viên liên bang của Đức đã mở cuộc điều tra hình sự về các vụ tấn công, nghi ngờ có hành vi phá hoại.

Tại Thụy Điển, cuộc điều tra đang được dẫn đầu bởi cơ quan phản gián của nước này. Ở Đan Mạch và Đức, cảnh sát và hải quân tham gia vào các cuộc điều tra. Vì lý do hành chính quy định việc chia sẻ thông tin tình báo liên ngành, Thụy Điển sẽ không tiến hành một cuộc điều tra chung với hai nước láng giềng, nhưng các quan chức cho biết ba nước đang hợp tác chặt chẽ với nhau, cũng như với các đối tác NATO.

Vụ nổ xảy ra ở độ sâu khoảng 70 mét. Do độ sâu và điều kiện thời tiết, bao gồm cả dòng chảy dưới nước, các nhà điều tra Đức không thể sử dụng thợ lặn. Thay vào đó, họ dùng thiết bị không người lái dưới nước của hải quân và tàu trên mặt nước, bao gồm cả tàu săn mìn. Các hình ảnh từ các địa điểm vụ nổ cho thấy chất nổ có sức công phá khoảng 500 kg TNT.

Cuộc điều tra đòi hỏi phải kiểm tra video dưới đáy biển, bằng chứng sonar, cũng như hình ảnh vệ tinh. Các quan chức cho biết họ đã xem xét thông tin liên lạc điện tử và nhật ký vận chuyển của các tàu đã ở trong khu vực vào khoảng thời gian ở sự cố.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn