MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe tăng phòng không Gepard. Ảnh: AFP

Đức đảo chiều chính sách, cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraina

Thanh Hà LDO | 27/04/2022 11:42
Bộ Quốc phòng Đức thông báo ngày 26.4 về việc đồng ý giao xe tăng có trang bị pháo phòng không cho Ukraina, động thái nêu bật sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận của Đức trong việc cung cấp trợ giúp quân sự cho Ukraina. 

Lần đầu Đức cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraina

Cam kết chuyển cho Ukraina hệ thống xe tăng có trang bị pháo phòng không Gepard đã được Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht công bố trong cuộc họp của các quan chức quốc phòng quốc tế tại căn cứ không quân Mỹ Ramstein ở Đức ngày 26.4, CNN đưa tin. 

"Chúng tôi đã quyết định vào ngày hôm qua rằng sẽ hỗ trợ Ukraina với các hệ thống phòng không. Đó chính xác là những gì Ukraina cần vào lúc này để bảo vệ không phận từ mặt đất" - Bộ trưởng Lambrecht nói.

CNN lưu ý, động thái của Đức có ý nghĩa quan trọng bởi đây là lần đầu tiên quốc gia Châu Âu này đồng ý cung cấp loại vũ khí hạng nặng này cho Ukraina. Các hệ thống Gepard đã bị loại bỏ dần khỏi hoạt động ở Đức trong năm 2010.

Ban đầu, Đức phản đối những lời kêu gọi cung cấp vũ khí cho Kiev, chỉ đồng ý cung cấp hỗ trợ nhân đạo và thiết bị y tế. Cách tiếp cận này phù hợp với chính sách kéo dài hàng thập kỷ của Đức là không cung cấp vũ khí sát thương cho vùng khủng hoảng.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht. Ảnh: AFP

Chỉ vài tháng trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraina, chính phủ mới của Đức khi đó đã nhất trí đưa chính sách hạn chế xuất khẩu vũ khí vào thỏa thuận liên minh. 

Tuy nhiên, đối mặt với sức ép từ các đồng minh và công chúng Đức, chính phủ buộc phải điều chỉnh quy tắc. Vào cuối tháng Hai, Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố Đức sẽ bắt đầu chuyển giao một số vũ khí cho Ukraina. Ông cũng tuyên bố Đức sẽ bắt đầu bơm thêm tiền cho các lực lượng vũ trang của đất nước. 

Khoản đầu tư đầu tiên như vậy đã được xác nhận công khai vào tháng trước khi Đức tuyên bố sẽ mua 35 máy bay chiến đấu F-35A do Mỹ sản xuất.

Tuần trước, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói rằng trong khi "các đối tác khác hiện đang cung cấp pháo" cho Ukraina thì Đức sẽ "giúp đào tạo và bảo trì".

Ngoại trưởng Baerbock nói, Đức không thể cung cấp thêm vũ khí vì nước này không có vũ khí nào có thể giao nhanh vào thời điểm hiện tại. Bà nói thêm rằng Đức chọn không công khai tất cả các loại vũ khí nước này đã gửi tới Ukraina trước đây. "Chúng tôi đã cung cấp vũ khí chống tăng, (hệ thống phòng không) Stingers và nhiều loại vũ khí khác mà chúng tôi chưa đề cập công khai” - Bộ trưởng nói.

Washington Post cho hay, theo một cuộc thăm dò gần đây do đài truyền hình Đức ARD thực hiện, khoảng 55% người Đức hiện ủng hộ việc gửi vũ khí hạng nặng - bao gồm cả xe tăng và máy bay chiến đấu - tới Ukraina. Trước khi chiến sự Nga - Ukraina bùng phát hồi tháng 2, các cuộc thăm dò cho thấy hơn 2/3 người Đức chống lại việc gửi vũ khí phòng thủ.

Hoan nghênh và trở ngại

Reuters đưa tin, ngày 26.4, Mỹ hoan nghênh quyết định của Đức lần đầu tiên gửi vũ khí hạng nặng tới Ukraina. "Tôi nghĩ việc Đức tuyên bố sẽ cung cấp 50 hệ thống Cheetah (hay Gepard - PV) là rất quan trọng" - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết sau cuộc hội đàm với hàng chục người đồng cấp tại Ramstein, Đức.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc nhận định: "Tôi nghĩ rằng những hệ thống đó sẽ cung cấp khả năng thực sự cho Ukraina".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng lưu ý, về những gì Đức sẽ làm trong tương lai, đây là quyết định do lãnh đạo Đức đưa ra và cá nhân ông không muốn suy đoán. 

Trong diễn biến khác, Thụy Sĩ trung lập đã phủ quyết việc tái xuất khẩu đạn dược do Thụy Sỹ sản xuất được sử dụng trong các xe tăng Gepard mà Đức đang gửi đến Ukraina. 

Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) ngày 26.4 xác nhận bản tin của đài truyền hình SRF rằng nước này đã chặn Đức gửi đạn dược cho xe tăng Gepard tới Ukraina. SECO đã nhận được 2 yêu cầu từ Đức về chuyển cho Ukraina số đạn mà nước này đã nhận từ Thụy Sỹ trước đó. Một yêu cầu liên quan đến loại đạn 35mm cho xe tăng Gepard và loại đạn 12,7mm khác. 

“Cả 2 yêu cầu của Đức về việc liệu đạn dược nhận từ Thụy Sỹ có thể được chuyển đến Ukraina không đều được đáp là không vì liên quan đến sự trung lập của Thụy Sỹ và các tiêu chí từ chối bắt buộc của luật vật liệu chiến tranh của Thụy Sỹ” -SECO cho hay.

SRF hiện chưa rõ loại đạn dược nào mà Đức đang gửi tới Ukraina cùng với các xe tăng Gepard sau khi Thụy Sỹ phủ quyết.

Thụy Sĩ đã từ bỏ thông lệ trước đây và áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga của Liên minh Châu Âu nhưng nhấn mạnh tình trạng trung lập của nước này không cho phép cung cấp vũ khí để sử dụng trong các khu vực xung đột.

Tháng trước, Thụy Sĩ đã từ chối yêu cầu của Ba Lan về vũ khí giúp nước láng giềng Ukraina. Thụy Sĩ thường yêu cầu các nước nhận viện trợ tuyên bố sẽ không tái xuất vật tư chiến tranh mà không được phép.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn