MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm tiếp nhận khí đốt dọc theo dự án đường ống Nord Stream 2 ở Lubmin, Đức. Ảnh: Krisztian Bocsi

Đức sốt sắng thúc giục Canada trả thiết bị khí đốt cho Nga

Thanh Hà LDO | 08/07/2022 08:02

Đức công khai yêu cầu Canada trả một turbine khí đốt bị mắc kẹt theo lệnh trừng phạt Nga và là thiết bị quan trọng với dòng khí đốt từ Nga đến Châu Âu.

Thời hạn 11.7

Turbine cho đường ống khí đốt Nord Stream 1 cần được trả lại trước khi hoạt động bảo trì đường ống quan trọng này bắt đầu ngày 11.7. Việc trả lại turbine là động thái quan trọng tránh nguy cơ Nga đóng hoàn toàn đường ống dẫn khí đốt quan trọng cho Châu Âu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói với Bloomberg. 

Bộ trưởng Habeck khẳng định sẽ là người đầu tiên đấu tranh cho một gói trừng phạt mạnh mẽ hơn nữa của EU, nhưng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ phải gây tổn hại cho Nga nhiều hơn là ảnh hưởng đến nền kinh tế của Đức và Châu Âu - ông Habeck nói ngày 6.7. 

Đức đang đối mặt với viễn cảnh phải phân bổ năng lượng trong những tháng tới. Điều này có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng như kéo nền kinh tế lớn nhất Châu Âu vào suy thoái. 

Các quan chức cảnh báo, Nga có thể đóng đường ống khí đốt Nord Stream lâu dài sau thời gian bảo trì khoảng 2 tuần. Đường dẫn khí đốt lớn nhất của Nga với Châu Âu đã giảm 60% khối lượng khí đốt vận chuyển trong tháng 6 do vấn đề turbine, ảnh hưởng tới nỗ lực dự trữ đủ khí đốt cho mùa đông của Đức. 

“Chúng tôi cần lượng khí đốt qua Nord Stream 1 để lấp đầy kho dự trữ. Điều này không chỉ quan trọng với thị trường Đức, mà còn quan trọng với thị trường Châu Âu và sự an toàn của nguồn cung ở Châu Âu" - Bộ trưởng Habeck lưu ý. 

Nguồn cung từ Nga bị siết chặt khiến thị trường khí đốt bất ổn. Hợp đồng khi đốt tương lai của Châu Âu, đã tăng gấp đôi giá trị trong tháng qua và tới 7.7 đã hướng tới mức tăng hàng ngày xa nhất trong hơn 9 tháng. 

Giá khí đốt cao hơn cùng với sự thiếu hụt nguồn cung đang khiến các công ty khí đốt như Uniper SE gặp rủi ro. Khách hàng Đức lớn nhất mua khí đốt của Nga đang đàm phán với chính phủ về một gói cứu trợ trong nỗ lực hoàn thành các hợp đồng giao hàng khi giá khí đốt tăng. Bộ trưởng Habeck chỉ ra, tình huống này có nguy cơ tạo ra "hiệu ứng tầng" cho hệ thống năng lượng của Đức.

Tỉ trọng nhập khẩu khí đốt từ Nga năm 2020. Ảnh chụp màn hình

Turbine đường ống Nord Stream 1, do Siemens Energy AG chế tạo tại Canada, đã được gửi đến Montreal để sửa chữa nhưng bị mắc kẹt do lệnh trừng phạt ngành dầu khí Nga do chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau công bố vào tháng trước. Thừa nhận có ràng buộc pháp lý do các lệnh trừng phạt Nga mà Canada đưa ra, phó thủ tướng đã Đức đã đề xuất một giải pháp thay thế.

“Nếu đó là một câu hỏi pháp lý với Canada, tôi muốn nói rõ rằng tôi không yêu cầu họ giao nó cho Nga mà đưa nó đến Đức. Chúng tôi cũng rất lấy làm tiếc khi đưa ra yêu cầu này"  - ông Habeck nói. 

Phản ứng của Canada

Yêu cầu công khai bất thường này của Đức với Canada được đưa ra 2 ngày sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz có cuộc điện đàm với ông Trudeau về an ninh năng lượng Châu Âu, và một tuần sau khi thủ tướng ở Đức tham dự hội nghị thượng đỉnh G7. 

Các quan chức Canada không đưa ra câu trả lời rõ ràng về đề nghị của Đức với turbine khí đốt Nga. Ian Cameron, phát ngôn viên của Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Jonathan Wilkinson, nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ bạn bè và đồng minh Châu Âu thông qua nỗ lực giúp ổn định thị trường năng lượng và phát triển các giải pháp lâu dài và bền vững về cung cấp năng lượng”.

Ông Habeck cho biết, Nga có thể khai thác vấn đề turbine để đe dọa nguồn cung khí đốt Đức dù thực tế đường ống này vẫn có thể hoạt động. Ông tin rằng, tập đoàn Gazprom của Nga, công ty vận hành đường ống khí đốt, có một turbine đang hoạt động khác có thể sử dụng được trong thời gian chờ đợi.

Quan chức Đức nhấn mạnh, trả lại thiết bị trước khi đường ống dự kiến đóng cửa để bảo trì có thể không giải quyết được vấn đề, nhưng nó sẽ làm suy yếu một trong những lập luận tiềm tàng về việc tiếp tục đóng đường ống sau đó. "Tôi kêu gọi chính phủ Canada không chờ đợi quá lâu và đưa ra quyết định trước khi thời gian bảo trì bắt đầu” - ông Habeck nói thêm. 

Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất trong nhiều thập kỷ, khi nhà cung cấp chính là Nga giảm lượng khí đốt cho châu lục để đáp trả các lệnh trừng phạt Nga cũng như sự hỗ trợ của phương Tây cho Ukraina.

Đức đang gấp rút thông qua đạo luật trong tuần này cho phép giải cứu các công ty đang gặp khó khăn trong nỗ lực hạn chế ảnh hưởng của tình trạng khan hiếm nguồn cung và chi phí năng lượng tăng cao cho người tiêu dùng.

Ngay sau khi turbine Siemens bị mắc kẹt ở Canada, Gazprom đã cắt lượng khí đốt qua Nord Stream. Mùa hè là thời điểm quan trọng để bổ sung dự trữ cần thiết để sưởi ấm nhà ở cũng như vận hành các nhà máy trong mùa đông.

Nga vẫn còn các turbine khí đốt khác nhưng Gazprom lưu ý, không phải tất cả turbine đều hoạt động. Tập đoàn khí đốt Nga viện dẫn yêu cầu từ cơ quan quản lý an toàn của nhà nước về ngừng sử dụng thiết bị để bảo trì định kỳ. 

Bộ trưởng Habeck cho biết, ông hiểu lý do việc trả lại turbine có thể gây tranh cãi bởi cộng đồng người gốc Ukraina ở Canada là cộng đồng lớn nhất thế giới ngoài Nga.

“Tôi biết rằng họ đang suy nghĩ cẩn thận về tình huống và tôi hoàn toàn hiểu tình hình mà họ phải cân bằng" - ông nói về sự chậm trễ của Canada trong việc đưa ra quyết định với turbine. 

Bộ trưởng Kinh tế Đức cũng chia sẻ thêm: "Đó là một sai lầm đáng tiếc khi Đức quá phụ thuộc vào một quốc gia cung cấp năng lượng, và quốc gia này là Nga". 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn