MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường ống dẫn khí Nord Stream 2. Ảnh: AdobeStock

Đức trần tình về đường ống dẫn khí Nord Stream 2

Ngọc Vân LDO | 19/07/2022 07:56
Đức lên tiếng về việc sử dụng đường ống dẫn khí Nord Stream 2 để nhận khí đốt Nga khi Nord Stream 1 đang được bảo trì.

Đức không thể sử dụng Nord Stream 2

Đức không thể sử dụng Nord Stream 2 - đường ống thay thế mới - để vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga, mặc dù tuyến đường thông thường là Nord Stream 1 đã ngừng hoạt động để bảo trì, chính phủ Đức cho biết hôm 18.7.

“Nord Stream 2 chưa được chứng nhận, không có giấy phép hợp pháp để hoạt động”, hãng TASS dẫn lời Beate Baron - đại diện của Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Liên bang Đức - cho biết tại cuộc họp ở Berlin.

Thông báo này được đưa ra khi tập đoàn dầu khí Nga Gazprom tuyên bố tình trạng bất khả kháng đối với việc cung cấp khí đốt cho EU qua Nord Stream 1. Đường ống đang bị đóng để bảo trì cho đến ngày 21.7. Tuy nhiên, Đức lo ngại rằng, Gazprom sẽ không tiếp tục cung cấp khí đốt khi bảo trì xong đường ống.

Trong khi đó, đường ống Nord Stream 2 - chạy từ Nga đến Đức qua Biển Baltic - có khả năng vận chuyển 55 tỉ mét khối khí đốt hàng năm và việc xây dựng đã hoàn tất vào tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên, quá trình chứng nhận liên tục bị trì hoãn do sự phản đối của Mỹ và lo ngại ở Châu Âu về sự phụ thuộc năng lượng ngày càng tăng vào Nga. 

Vào tháng 2, trước khi Nga khởi động chiến dịch quân sự ở Ukraina, các nhà chức trách Đức đã từ chối chứng nhận đường ống Nord Stream 2 và dự án bị tạm dừng vô thời hạn.

Tháng trước, Giám đốc điều hành của Gazprom - Alexey Miller - cho hay, đường ống này đã sẵn sàng được vận hành và có thể bắt đầu bơm khí sang Đức bất cứ lúc nào.

Dự án Nord Stream 2 đã hoàn thành từ tháng 9.2021 nhưng chưa được Đức chứng nhận. Ảnh: Nord Stream 2 AG

Trong khi đó, tạp chí Der Spiegel dẫn thông tin từ Bộ Kinh tế Đức nói rằng, chính phủ Đức đang xem xét sử dụng lại các bộ phận của Nord Stream 2 để dùng cho khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Berlin được cho là muốn trưng thu phần đường ống Nord Stream 2 của Đức bằng cách cắt khỏi phần còn lại và chuyển thành kết nối cho một nhà ga LNG trên bờ biển Baltic.

Đáp lại, Nga tuyên bố sẽ có hành động pháp lý chống lại Đức, quốc gia nhập khẩu khoảng 55% khí đốt của Nga vào năm ngoái.

Đức đã thuê bốn kho nổi chứa và tái hóa khí (FSRU) để tái hóa khí LNG trên biển. Sau đó, LNG đã được tái hóa khí sẽ được đưa vào các hệ thống đường ống trên bờ.

Nước này cũng đang xem xét việc sử dụng lại các đường ống dẫn trên bờ mà lẽ ra sẽ vận chuyển khí đốt Nord Stream 2.

Ngành công nghiệp Đức có nguy cơ “sập tiệm”

Các doanh nghiệp công nghiệp trên khắp nước Đức đang phải đối mặt với viễn cảnh thực sự là phải thu hẹp hoạt động hoặc đóng cửa hoàn toàn nếu không có khí đốt Nga - tờ Financial Times đưa tin hôm 18.7.

Theo ấn phẩm, nhà sản xuất thép lớn nhất của Đức ThyssenKrupp và công ty hóa chất lớn nhất thế giới BASF đều cảnh báo rằng, nếu không có đủ nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên, các nhà máy của họ có thể buộc phải ngừng hoạt động hoặc đóng cửa hoàn toàn và thậm chí có thể bị hư hỏng kỹ thuật.

Sản xuất tại tập đoàn thép ThyssenKrupp của Đức. Ảnh: AFP

Petr Cingr - Giám đốc điều hành của SKW Stickstoffwerke Piesteritz, nhà sản xuất amoniac lớn nhất của Đức và là nhà cung cấp phân bón chính của Châu Âu - cho hay: “Nếu không có nguồn cung cấp khí đốt của Nga, chúng tôi phải ngừng sản xuất ngay lập tức, từ 100 xuống 0”.

Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga không chắc chắn, khi tập đoàn dầu khí Gazprom của nước này buộc phải cắt giảm 60% lượng cung cấp qua đường ống Nord Stream 1 vào tháng trước do vấn đề kỹ thuật bắt nguồn từ các lệnh trừng phạt Nga.

Theo Financial Times, một số công ty hy vọng sẽ chuyển sang sử dụng các nhiên liệu thay thế, chẳng hạn như dầu đốt nóng hoặc than đá, nếu không có khí đốt Nga. Tuy nhiên, theo ước tính của ngành công nghiệp hóa chất được tờ báo trích dẫn, chỉ có 2-3% lượng khí tiêu thụ có thể được thay thế theo cách này.

Các nhà phân tích tại ngân hàng Thụy Sĩ UBS cho biết, nếu không có khí đốt của Nga, Đức sẽ phải trải qua đợt sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng công nghiệp, dẫn đến "suy thoái kinh tế sâu sắc”, với gần 6% GDP bị xóa sổ vào cuối năm tới.

Tháng trước, chính phủ Đức đã khởi xướng giai đoạn hai của kế hoạch khẩn cấp quốc gia, với bước tiếp theo là áp dụng phân phối khí đốt. Cuộc khủng hoảng năng lượng cũng đã khiến giá khí đốt tiêu chuẩn của Châu Âu tăng gấp 8 lần trong vòng 18 tháng qua, làm tăng tổng chi phí sinh hoạt ở nền kinh tế hàng đầu Châu Âu.

Mời Quý vị cùng lắng nghe chương trình Giờ thứ 9 của Báo Lao Động

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn