MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu chở LNG Arc7 Christophe de Margerie trên tuyến đường biển phương Bắc của Nga. Ảnh: Novatek

EU không cưỡng lại được nguồn LNG kỷ lục từ Nga

Song Minh LDO | 27/10/2022 22:27

EU nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga tăng lên mức kỷ lục trong 9 tháng đầu năm 2022.

Trong khi EU nhập khẩu khí đốt đường ống của Nga giảm hơn 80%, thì các chuyến hàng LNG của Nga sang Châu Âu đã tăng 50% trong 9 tháng đầu năm 2022.

Dù đã thành công trong việc thay thế phần lớn khí đốt đường ống từ Nga, nhưng EU không thể cưỡng lại được nguồn cung LNG từ Mátxcơva.

Nhập khẩu LNG của Nga là một phần trong nỗ lực liên tục của EU nhằm thay thế khí đốt đường ống bằng khí đốt ở dạng hóa lỏng. EU cũng đã nhập khẩu lượng lớn LNG từ Mỹ và Qatar. 

Việc nhập khẩu các lô hàng LNG từ Nga - bao gồm cả từ dự án Yamal LNG của Novatek ở Bắc Cực - trái ngược với thông tin rằng EU đang giảm tất cả các hình thức nhập khẩu năng lượng và các khoản thanh toán liên quan Nga.

“Chắc chắn có lo ngại về việc doanh số bán LNG của Nga đang tăng lên đối với các nước tham gia đầy đủ vào các nỗ lực của NATO và EU nhằm trừng phạt Nga và gây áp lực để ngăn chặn chiến dịch quân sự ở Ukraina" - trang High North News dẫn lời Kristine Berzina, thành viên cấp cao về chính sách an ninh và quốc phòng tại Quỹ Marshall Đức của Mỹ (GMF).

Trên thực tế, các quốc gia trước đây không nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga qua đường ống hiện đang mua LNG, bà Berzina nói thêm.

“Tây Ban Nha không phải là khách hàng khí đốt đường ống nhưng đang mua LNG của Nga. Một tàu chở LNG của Nga gần đây đã đến Hy Lạp. Điều này cho thấy sự thiếu đoàn kết của Châu Âu, và là điều đáng thất vọng với những ai muốn thấy các biện pháp trừng phạt phát huy tác động lớn nhất có thể” - bà Berzina cho hay.

Nhập khẩu LNG từ Bắc Cực của Nga đến Châu Âu trong các tháng 3, 4 và 5 năm 2022. Mỗi đường màu xanh là một chuyến đi riêng của một tàu chở LNG đến các bến ở Châu Âu. Ảnh: Center for High North Logistics CHNL

Nga hưởng lợi

Việc nhập khẩu LNG từ Nga tăng 50% cho thấy Điện Kremlin tiếp tục khai thác sự phụ thuộc của Châu Âu vào khí đốt tự nhiên.

Ngừng cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream (với mức giá rẻ), và thay thế một phần nguồn cung bằng LNG, Nga có thể tận dụng mức giá kỷ lục cho các lô hàng theo yêu cầu. Khí tự nhiên hóa lỏng thường đắt hơn khí đốt được cung cấp qua đường ống.

Các chuyến hàng đến Châu Âu và Châu Á giúp Nga duy trì xuất khẩu LNG ở mức cao kỷ lục. Gần 80% lượng LNG xuất khẩu của Nga đã đến Châu Âu và Châu Á. Nước này đã vận chuyển trung bình 2,78 triệu tấn LNG mỗi tháng vào năm 2022, tăng từ 2,62 triệu tấn năm 2021 và 2,56 triệu tấn vào năm 2019.

Điều này cho phép Nga chơi trò "mèo vờn chuột": Đóng cửa một số tuyến đường cung cấp trong khi mở rộng những tuyến khác và tính giá cao hơn.

Riêng trong tháng 9 năm 2022, các nước EU đã mua gần 1 tỉ USD khí tự nhiên hoá lỏng từ Nga.

Thách thức hơn trong năm 2023

Nhu cầu về LNG ở EU có thể sẽ tăng hơn nữa vào năm 2023. Năm nay, Liên minh Châu Âu còn có thể sử dụng khí đốt từ đường ống của Nga vào đầu mùa hè để lấp đầy dự trữ trước khi nguồn cung này bắt đầu cạn kiệt. Năm tới, sẽ không có tình huống nào như vậy.

Một cơ sở khí đốt của hãng Novatek Nga ở Bắc Cực. Ảnh: Novatek

Cơn khát LNG đã dẫn đến ùn tắc trên khắp các nhà ga tái hoá khí của Châu Âu. Nhập khẩu LNG tăng nhiều nhất ở Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, nhiều quốc gia EU không vận hành các nhà máy tái hoá khí, bỏ bê đầu tư vào lĩnh vực này. Trong khi đó, các quốc gia như Đức không có lấy một nhà ga LNG và hoàn toàn dựa vào việc cung cấp khí đốt qua đường ống.

“Không phải tất cả các nước đều có thể sử dụng LNG của Nga thay vì khí đốt đường ống của Nga. Các nhà nhập khẩu khí đốt lớn như Đức không có các nhà ga nhập khẩu LNG” - bà Berzina nói thêm.

Ngược lại, Tây Ban Nha có 6 nhà ga LNG. Nhưng ngay cả với công suất đó, hơn một chục tàu chở LNG đang ùn ứ, chực chờ ngoài khơi để dỡ hàng.

Do không có hệ thống đường ống nối Tây Ban Nha với các nước Châu Âu khác, nên các quốc gia như Đức không thể dễ dàng nhận LNG từ Tây Ban Nha. Kế hoạch xây đường ống bổ sung nối Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha với Pháp và Đức đang được thực hiện, nhưng sẽ mất vài năm để hoàn thành.

Nhà ga LNG Montoir-de-Bretagne gần Saint-Nazaire, Pháp. Ảnh: Elengy

Chìa khoá là giảm nhu cầu

Thị trường LNG toàn cầu có thể sẽ thắt chặt đáng kể trong những tháng tới. Trung Quốc đã thông báo sẽ ngừng bán LNG cho người mua nước ngoài để đảm bảo nhu cầu trong nước.

Các chuyên gia cho biết, những nỗ lực thoát phụ thuộc vào khí đốt Nga, cả đường ống dẫn và LNG, trong dài hạn sẽ đòi hỏi mức tiêu thụ giảm đáng kể.

Raphel Hanoteaux - cố vấn chính sách cao cấp về chính trị khí đốt tại tổ chức độc lập về biến đổi khí hậu Third Generation Environmentalism E3G - cho biết EU có lộ trình rõ ràng để giảm sự phụ thuộc vào Nga. Việc thực thi Luật Khí hậu sẽ giúp EU giảm mức tiêu thụ khí đốt khoảng 35% so với năm 2019.

Các hành động bổ sung của EU được mô tả trong kế hoạch REpowerEU do Ủy ban EU công bố vào đầu năm nay có thể cho phép khối này giảm tiêu thụ khí đốt 52%.

Tuy nhiên, khi các kế hoạch giảm nhu cầu này được đặt ra cho năm 2030, có vẻ như hiện tại, Châu Âu sẽ vẫn phụ thuộc ở mức vừa phải vào khí đốt của Nga, đặc biệt là dưới dạng LNG.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn