MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

EU lội ngược dòng ngoạn mục về khí đốt

Song Minh LDO | 31/08/2022 20:37
Liên minh Châu Âu EU gần đạt mục tiêu dự trữ khí đốt mặc dù nguồn cung của Nga bị cắt giảm.

EU gần đạt mục tiêu lấp đầy kho dự trữ khí đốt, sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch đặt ra, trong bối cảnh khối này chuẩn bị cho một mùa đông khó khăn khi Nga hạn chế nguồn cung và giá năng lượng tăng cao đang hoành hành khắp châu lục.

Dự trữ khí đốt trong EU đã đạt 79,4% công suất tính đến ngày 27.8 so với mục tiêu 80% vào ngày 1.11 - Bloomberg dẫn dữ liệu từ cơ quan Hạ tầng Khí đốt Châu Âu (GIE) cho hay. 

Năm nay, EU đã thắt chặt các quy định về dự trữ khí đốt, sau khi mức dự trữ vào mùa đông năm ngoái thấp hơn những năm trước, đặc biệt là tại các kho dự trữ ở Đức do nhà xuất khẩu Nga Gazprom PJSC kiểm soát. Việc giảm dự trữ khí đốt trong mùa đông 2021 là một yếu tố làm tăng giá năng lượng.

Dự trữ khí đốt giúp hấp thụ các cú sốc về nguồn cung và đáp ứng khoảng 25% đến 30% lượng nhiên liệu tiêu thụ trong mùa đông. Với dự trữ lớn hơn, các quốc gia Châu Âu có khả năng đối phó tốt hơn với việc Nga cắt giảm nguồn cung hơn nữa khi Gazprom bắt đầu bảo trì đường ống Nord Stream từ ngày 31.8 đến 3.9.

Nhiệt độ thấp hơn được dự báo trên khắp Đông Âu và các khu vực của bán đảo Iberia vào tuần tới cũng sẽ giúp các quốc gia tiết kiệm khí đốt hơn vì nhu cầu điều hoà ​​sẽ giảm bớt.

Giá khí đốt ở Châu Âu trong phiên giao dịch ngày 29.8 giảm mạnh nhất kể từ tháng 3 sau khi Đức cho biết dự trữ khí đốt của nước này tăng nhanh hơn so với kế hoạch. Phiên giảm này giúp giải toả bớt áp lực đối với Châu Âu sau khi giá khí đốt cao hơn gần 6 lần so với một năm trước.

Châu Âu muốn giảm sự phụ thuộc vào Nga - nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của khu vực này trong những năm qua. EU có kế hoạch thay thế khí đốt Nga bằng cách tăng năng lượng tái tạo, nhập khẩu khí đốt và khí tự nhiên hóa lỏng từ các nhà cung cấp khác ở khu vực Địa Trung Hải, Châu Phi, Trung Đông và Mỹ.

Đầu năm nay, Ủy ban Châu Âu cho biết việc đạt mức dự trữ tối thiểu bắt buộc sẽ củng cố an ninh năng lượng trong mùa đông này và trong những mùa nóng sắp tới. Phát biểu hôm 29.8, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng, EU cũng sẽ thực hiện các bước can thiệp vào thị trường điện trong ngắn hạn để kiềm chế giá điện tăng cao, tiến tới tách biệt giá khí đốt và giá điện.

Tại Ba Lan, dự trữ khí đốt đã gần đạt 100% công suất vào ngày 27.8, trong khi dự trữ của Bồ Đào Nha đã đầy. Dữ liệu GIE cho thấy dự trữ của Italia đạt 81%, trong khi của Hungary là 62% và của Bulgaria là 60%.

Tại Đức, dự trữ đang đầy nhanh và dự kiến ​​sẽ đạt được mục tiêu 85% trong tháng 9 - Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết hôm 28.8.

Tuy nhiên, ngay cả khi đạt mục tiêu dự trữ, Đức vẫn đối mặt nguy cơ không có đủ khí đốt trong mùa đông này nếu Nga ngừng cung cấp - ông Klaus Mueller, chủ tịch Cơ quan Mạng lưới Liên bang, cơ quan quản lý năng lượng của Đức, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg hồi đầu tháng 8.

Kho khí đốt Astora lớn nhất Tây Âu ở Rehden, Đức. Ảnh: Reuters

Đức - nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất của EU - đang khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than để tiết kiệm khí đốt. Nước này cũng đang chạy đua để đưa vào hoạt động hạ tầng mới phục vụ nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng từ khắp nơi trên thế giới. Hai cảng LNG nổi đầu tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào mùa đông năm nay.

Trong khi đó, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne kêu gọi các doanh nghiệp cắt giảm sử dụng năng lượng, nếu không có thể phải đối mặt với việc phân phối khí đốt trong mùa đông này nếu Nga ngừng cung cấp.

“Có thể xảy ra tình trạng thiếu khí đốt chỉ trong một đêm với những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội” - Thủ tướng Borne nói, bổ sung rằng các công ty sẽ là đối tượng đầu tiên bị áp phân phối khí đốt.

Với dự trữ khí đốt đã đạt hơn 90% công suất, Pháp sẽ có đủ nhiên liệu để đối phó với một mùa đông có nhiệt độ trung bình - Phó chủ tịch điều hành công ty năng lượng Engie, bà Claire Waysand, cho biết hôm 29.8.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn