MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

EU vật lộn xoay sở khi Nga cắt khí đốt

Ngọc Vân LDO | 11/07/2022 16:36
Liên minh Châu Âu (EU) đang đau đầu với bài toán đảm bảo năng lượng khi Nga ngừng cung cấp khí đốt.

Đường ống Nord Stream 1 vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức bắt đầu đóng cửa để bảo trì theo kế hoạch từ ngày 11 đến 21.7, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung cấp khí đốt cho Châu Âu nếu thời gian ngừng hoạt động kéo dài.

Lưu lượng khí đốt của Nga qua Nord Stream 1 đã bị giảm tới 40% công suất, theo Reuters.

Ukraina cũng đã ngừng một tuyến đường vận chuyển khí đốt đến Châu Âu vào tháng 5, đổ lỗi cho sự can thiệp của lực lượng Nga. Trong khi đó, một số quốc gia Châu Âu bị Nga cắt khí đốt do không tuân thủ cơ chế thanh toán bằng đồng rúp.

Nga cung cấp khí đốt cho Châu Âu thế nào?

Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên cho Châu Âu, chủ yếu bằng đường ống, đạt khoảng 155 tỉ mét khối trong năm 2021.

Hệ thống đường ống trung chuyển qua lãnh thổ Ukraina chủ yếu đưa khí đốt đến Áo, Italia, Slovakia và các quốc gia Đông Âu khác. Ukraina đã đóng cửa đường ống trung chuyển Sokhranovka do Nga chiếm đóng ở phía đông nước này.

Các nước Châu Âu đang tìm cách cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Một số đã bị cắt khỏi nguồn cung của Nga sau khi từ chối yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp.

Những nước khác, bao gồm cả Đức, vẫn cần khí đốt của Nga và đang cố gắng bổ sung lượng khí dự trữ đã cạn kiệt.

Các tuyến đường vận chuyển khí đốt khác đến Châu Âu không đi qua Ukraina bao gồm đường ống Yamal-Châu Âu, đi qua Belarus và Ba Lan đến Đức, cùng với đường ống dẫn khí Nord Stream 1, chạy dưới Biển Baltic đến Đức.

Đường ống Yamal-Châu Âu có công suất 33 tỉ mét khối, chiếm khoảng 1/6 lượng khí đốt xuất khẩu của Nga sang Châu Âu. Khí đốt đã chảy ngược về phía đông qua đường ống này từ Đức đến Ba Lan kể từ đầu năm nay.

Mátxcơva đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chủ sở hữu phần đường ống Yamal-Europe ở Ba Lan. Tuy nhiên, Bộ trưởng Khí hậu Ba Lan cho biết, Warsaw có thể xoay sở mà không cần dòng khí ngược chiều trên đường ống Yamal.

Áo, Đức, Italia, Slovakia và Cộng hòa Czech nhận được khối lượng khí đốt thấp hơn qua Nord Stream 1. Điện Kremlin cho biết nguồn cung bị cắt giảm qua đường ống này là do các biện pháp trừng phạt của phương Tây gây chậm trễ trong việc trả lại thiết bị được gửi đi bảo trì ở Canada.

Nga tạm cắt hoàn toàn khí đốt qua Nord Stream trong 10 ngày bảo trì.

Châu Âu có thể nhận được khí đốt ở đâu?

Một số quốc gia có các lựa chọn cung cấp thay thế và mạng lưới khí đốt của Châu Âu được liên kết với nhau để nguồn cung cấp có thể được chia sẻ, mặc dù thị trường khí đốt toàn cầu đã bị thu hẹp ngay cả trước cuộc khủng hoảng Ukraina.

Đức - nước tiêu thụ khí đốt Nga lớn nhất Châu Âu - đình chỉ việc chứng nhận đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 mới từ Nga vì lý do chiến sự Ukraina. Đây là đường ống mới, chạy song song với Nord Stream 1, dẫn khí đốt thẳng từ Nga sang Đức. Do cả hai đường ống không hoạt động, nên Đức có thể nhập khẩu khí đốt từ Anh, Đan Mạch, Na Uy và Hà Lan qua đường ống.

Na Uy - nhà xuất khẩu lớn thứ hai của Châu Âu sau Nga - đã và đang đẩy mạnh sản xuất để giúp EU hướng tới mục tiêu chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027.

Công ty Centrica của Anh đã ký một thỏa thuận với công ty Equinor của Na Uy để cung cấp thêm khí đốt cho Vương quốc Anh trong ba mùa đông tới. Anh không phụ thuộc vào khí đốt của Nga và cũng có thể xuất khẩu sang Châu Âu qua đường ống.

Nam Âu có thể nhận khí Azeri qua Đường ống xuyên Adriatic đến Italia và Đường ống dẫn khí tự nhiên xuyên Anatolian (TANAP) qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ cho biết có thể cung cấp 15 tỉ mét khối khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho EU trong năm nay.

Các nhà máy LNG của Mỹ đang sản xuất hết công suất nhưng vụ nổ vào tháng trước tại một nhà máy xuất khẩu LNG lớn ở Texas khiến nhà máy tê liệt hoạt động cho đến tháng 9 và sẽ chỉ nối lại vận hành một phần từ tháng 9 đến cuối năm 2022.

Các cảng LNG của Châu Âu cũng chỉ có công suất hạn chế để tăng nhập khẩu, mặc dù một số quốc gia Châu Âu cho biết đang tìm cách mở rộng nhập khẩu và lưu kho.

Đức là một trong những quốc gia muốn xây dựng các cảng LNG mới và lên kế hoạch xây dựng hai cảng chỉ trong hai năm.

Ba Lan - quốc gia nhập khoảng 50% lượng khí đốt tiêu thụ trong nước từ Nga (khoảng 10 tỉ mét khối) - cho biết có thể cung cấp khí đốt thông qua đường ống với Đức.

Vào tháng 10, một đường ống với công suất 10 tỉ mét khối khí mỗi năm giữa Ba Lan và Na Uy sẽ được khai trương.

Các lựa chọn khác

Một số quốc gia có thể tìm cách lấp đầy bất kỳ khoảng trống nào về nguồn cung năng lượng bằng cách chuyển sang nhập khẩu điện thông qua các đầu nối từ những nước láng giềng hoặc bằng cách thúc đẩy sản xuất điện hạt nhân, năng lượng tái tạo, thủy điện hoặc than đá.

Khả năng điện hạt nhân đang giảm ở Bỉ, Anh, Pháp và Đức, các nhà máy phải đối mặt với tình trạng ngừng hoạt động khi chúng già đi, ngừng hoạt động hoặc bị loại bỏ dần.

Châu Âu đã cố gắng loại bỏ than để đáp ứng các mục tiêu khí hậu nhưng một số nhà máy than đã phải hoạt động trở lại kể từ giữa năm 2021 do giá khí đốt tăng cao.

Đức đã chuyển sang kế hoạch khí đốt khẩn cấp ba giai đoạn và Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cảnh báo rằng Đức sẽ thiếu trầm trọng khí đốt nếu nguồn cung của Nga vẫn thấp như hiện tại, và một số ngành công nghiệp sẽ phải đóng cửa vào mùa đông tới.

Bộ trưởng Năng lượng Hà Lan cho biết mỏ Groningen của nước này có thể được khai thác để giúp các nước láng giềng trong trường hợp nguồn cung của Nga bị cắt hoàn toàn nhưng việc tăng cường sản xuất sẽ có nguy cơ gây ra động đất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn