MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đức giải cứu VNG - công ty nhập khẩu khí đốt lớn thứ 3 của Đức. Ảnh: Reuters

Gã khổng lồ khí đốt thứ 2 của Đức khẩn cầu chính phủ giải cứu

Ngọc Vân LDO | 11/09/2022 10:50

Thêm một gã khổng lồ khí đốt của Đức yêu cầu gói cứu trợ từ Berlin do phải gánh chịu tổn thất nặng nề vì lượng giao hàng từ Gazprom của Nga giảm mạnh.

Tờ Financial Times đưa tin, ngày 9.9, công ty VNG - một trong những nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất của Đức - cho biết do khối lượng khí đốt Gazprom cung cấp giảm mạnh, công ty phải mua với giá cao hơn trên thị trường, trong khi vẫn phải bán với giá thấp hơn trong các hợp đồng dài hạn đã thỏa thuận với khách hàng.

Công ty có trụ sở tại Leipzig nói rằng những chi phí này không thể được chuyển hoàn toàn cho khách hàng và công ty đã phải chịu khoản lỗ lên đến 1 tỉ Euro (1 tỉ USD) trong năm nay do ký hợp đồng 35 terawatt giờ trực tiếp với Gazprom. 

“Để ngăn chặn thiệt hại thêm và để hoạt động kinh doanh của VNG nói chung tiếp tục, VNG tự nhận thấy mình buộc phải đề nghị các biện pháp hỗ trợ thêm” - công ty cho biết trong một tuyên bố.

Lời kêu gọi của VNG được đưa ra vài tuần sau khi Uniper - nhà nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất Châu Âu - đã được chính phủ Đức giải cứu. Nhà cung cấp có trụ sở tại Düsseldorf ban đầu nhận được gói hỗ trợ trị giá 15 tỉ Euro, nhưng sau đó con số này đã tăng lên 19 tỉ Euro khi cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng gia tăng.

Tuần trước, sau nhiều tháng nguồn cung giảm, Gazprom cho biết sẽ ngừng hoàn toàn cung cấp khí đốt qua Nord Stream - đường ống cung cấp khí đốt chính từ Nga cho EU.

Gazprom đổ lỗi cho lỗi kỹ thuật và những khó khăn trong việc sửa chữa các tuabin do Đức sản xuất ở Canada. Điện Kremlin sau đó cho biết việc giao hàng sẽ không tiếp tục trừ khi các lệnh trừng phạt Nga được dỡ bỏ.

VNG là nhà nhập khẩu khí đốt lớn thứ ba của Đức, sau Uniper và Gazprom Germania - mà Berlin đã nắm quyền kiểm soát vào tháng 4. VNG cung cấp khí đốt cho khoảng 400 công ty công nghiệp và dịch vụ, đồng thời đáp ứng khoảng 1/5 yêu cầu về khí đốt của Đức vào năm ngoái.

Tập đoàn EnBW sở hữu 74% cổ phần của VNG. Tập đoàn này cung cấp năng lượng và nước cho khoảng 5,5 triệu người, đồng thời vận hành nhà máy điện hạt nhân Neckarwestheim II - một trong hai nhà máy mà chính phủ Đức cho biết chưa muốn đóng cửa vào cuối năm.

Chính phủ Đức ngày 9.9 thông báo sẽ hỗ trợ công ty khí đốt VNG đang gặp khó khăn do giá khí đốt tăng cao - Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thông tin.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: AFP

Trong khi đó, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết Đức có thể đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay và sẵn sàng đối phó với nguy cơ Nga ngừng cung cấp khí đốt.

“Chúng tôi đang sống trong thời kỳ khó khăn, nhưng chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng. Chẳng hạn, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc Nga cắt phần lớn nguồn cung cấp khí đốt” - RT dẫn lời Thủ tướng Scholz nói trong một bài phát biểu qua video.

“Chúng tôi đã thiết lập các nhà ga ở bờ biển phía bắc nước Đức để nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng LNG. Chúng tôi đã tiết kiệm khí đốt. Một lần nữa chúng tôi đang sử dụng khả năng sản xuất của các nhà máy điện than. Vào đầu năm tới, chúng tôi sẽ có cơ hội sử dụng các nhà máy điện hạt nhân còn lại ở miền nam nước Đức nếu điều đó là cần thiết… Chúng tôi đã cùng nhau đưa ra một gói viện trợ toàn diện để hỗ trợ những người không thể dễ dàng đối phó với những thách thức như vậy về mặt tài chính” - thủ tướng nói.

Cuộc khủng hoảng khí đốt của EU đã gia tăng kể từ tuần trước, khi Nga ngừng dòng khí đốt đến Đức qua đường ống Nord Stream “vô thời hạn”. Nguồn cung cấp của Nga vẫn đang tiếp tục qua Ukraina, nhưng chỉ ở một phần nhỏ so với mức trước xung đột.

Tại Đức, tình trạng thiếu nhiên liệu đã làm dấy lên lo ngại về một làn sóng phá sản tiềm tàng của các nhà cung cấp năng lượng. Đầu tuần này, Giám đốc điều hành công ty nhập khẩu khí đốt Uniper của Đức, Klaus-Dieter Maubach, cảnh báo rằng nước này có thể phải áp dụng chế độ phân phối khí đốt trong mùa đông. Theo ước tính của Goldman Sachs, việc phân phối năng lượng có thể đồng nghĩa với việc nước này sẽ mất đi 65% ngành công nghiệp của mình.

Theo dữ liệu chính thức, các cơ sở dự trữ khí đốt quốc gia của Đức hiện đã đầy 85%. Tuy nhiên, Klaus Mueller - chủ tịch cơ quan quản lý năng lượng của Đức - đã cảnh báo vào tháng trước rằng ngay cả 95% dung lượng lưu trữ cũng chỉ đủ cho hai tháng sử dụng trung bình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn