MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường ống Nord Stream có nối lại sau bảo trì vào cuối tuần này hay không là mối quan tâm chính của Châu Âu. Ảnh: AFP

Giá khí đốt Châu Âu đảo chiều khi Đức tích trữ nhanh hơn dự kiến

Thanh Hà LDO | 30/08/2022 10:16
Giá khí đốt Châu Âu giảm mạnh nhất kể từ tháng 4 sau khi Đức thông báo kho dự trữ khí đốt đang được bổ sung nhanh hơn dự kiến.

Giá khí đốt Hà Lan theo hợp đồng tháng giao ngay giảm tới 16% trong ngày 29.8, phần nào đảo ngược mức tăng gần 40% của tuần trước.

Tại Đức, các kho dự trữ khí đốt đang được bổ sung nhanh chóng và dự kiến ​​đạt mục tiêu của tháng 10 là 85% ngay trong tháng 9 - Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck thông tin ngày 28.8. 

Bloomberg chỉ ra, việc giá khí đốt giảm ngày 29.8 là giảm nhẹ phần nào bởi trên thực tế giá khí đốt theo hợp đồng tương lai vẫn đang giao dịch ở mức cao hơn gần 6 lần so với một năm trước đó. 

Châu Âu đang bên bờ vực suy thoái, với lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ được ghi nhận ở một số quốc gia. Chính phủ các nước cũng đang triển khai các biện pháp để giảm bớt sức ép, dành ra khoảng 280 tỉ euro (278 tỉ USD) cho các gói cứu trợ.

Một phần của đường ống dẫn khí đốt Nga sang Châu Âu. Ảnh: AFP

Nhìn chung, bức tranh cơ bản của thị trường khí đốt Châu Âu vẫn ảm đạm và việc đường ống Nord Stream có nối lại vận hành sau khi bảo trì vào cuối tuần này hay không là mối quan tâm chính, Goldman Sachs nhận định. 

“Theo quan điểm của chúng tôi, giá khí đốt của Châu Âu được thúc đẩy bởi sự kết hợp của những lo ngại về cung và cầu cùng với đó là tính thanh khoản đặc biệt kém trên thị trường" - Goldman Sachs nêu trong báo cáo vào cuối ngày 26.8. 

Theo đơn vị này, nhu cầu khí đốt ở tây bắc Châu Âu đã cao hơn dự báo, trong khi lượng dự trữ của khu vực đúng như kỳ vọng. 

Với lượng dự trữ khí đốt nhiều hơn, các quốc gia Châu Âu có vị thế tốt hơn một chút trong ứng phó với khả năng Gazprom cắt giảm thêm nguồn cung khi Nga bắt đầu bảo trì đường ống Nord Stream từ 31.8. 

Nhiệt độ thấp hơn được dự báo ở khắp Đông Âu và các khu vực ở bán đảo Iberia vào tuần tới cũng sẽ giúp các quốc gia dự trữ được nhiều khí đốt hơn do cần ít năng lượng hơn để làm mát.

Giá khí đốt đã tăng 6 tuần liên tiếp tính đến 26.8. Đơn vị phân tích thị trường EnergyScan của EngieScan ngày 29.8 nhận định: “Chúng ta càng tiến gần đến mức đổ đầy các kho dự trữ khí đốt - vào ngày 27.8, các kho dự trữ của EU đã đầy 79% - xung lượng tăng sẽ càng bị thử thách”.

Tuy nhiên, ngay cả khi đầy kho dự trữ khí đốt, Đức có nguy cơ không thể trải qua mùa đông nếu Nga ngừng dòng khí đốt sang nền kinh tế lớn nhất Châu Âu.

Cộng hòa Czech - nước đang đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của Liên minh Châu Âu - sẽ triệu tập một cuộc họp bất thường với các bộ trưởng năng lượng để thảo luận về những giải pháp trong toàn khối.

Đồng thời, suy giảm nguồn cung đang ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp khắp Châu Âu. Các công ty phân bón đang bị ảnh hưởng đặc biệt, với hơn 2/3 công suất sản xuất bị dừng lại do chi phí khí đốt tăng cao, theo Fertilizers Europe - đại diện cho hầu hết các nhà sản xuất phân bón của châu lục.

Cuộc khủng hoảng cũng kích hoạt các biện pháp giảm tiêu thụ năng lượng, với mục tiêu của Châu Âu là cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong mùa đông này. Chính phủ các nước Châu Âu đã bắt đầu thực hiện những động thái quyết liệt trong hạn chế sử dụng năng lượng, như cấm chiếu sáng bên ngoài cho các tòa nhà và hạ nhiệt độ sưởi ấm trong nhà. Bộ trưởng Kinh tế Đức đề xuất một cuộc cải cách thị trường điện để giá cả không còn gắn với nhà cung cấp đắt nhất.

Trong khi đó, nguồn cung khí đốt từ Na Uy vào Châu Âu qua đường ống đã giảm khoảng 20% ​​trong tháng này như kế hoạch và tình trạng ngừng hoạt động ngoài kế hoạch càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.

Cạnh tranh với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cũng tăng trong bối cảnh nguồn cung hạn chế. Cơ sở xuất khẩu LNG nổi Prelude ở Australia đang chuẩn bị nối lại sản xuất LNG sau khi hoạt động tạm thời bị tạm dừng do công nhân đình công, theo những nguồn tin hiểu rõ vấn đề. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn