MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sự khác biệt về giá xăng ở các nước là do các loại thuế và trợ cấp xăng dầu khác nhau. Ảnh: AFP

Giá xăng Việt Nam ở đâu trên bản đồ rẻ nhất, đắt nhất thế giới?

Khánh Minh LDO | 23/02/2022 12:06

Giá xăng trung bình hiện tại trên thế giới là 1,27 USD/lít (29.000 đồng/lít), tuy nhiên có sự khác biệt đáng kể về giá giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có giá xăng rẻ nhất và đắt nhất

Theo nguyên tắc chung, giá xăng ở các nước giàu hơn thường cao hơn trong khi các nước nghèo hơn và các nước sản xuất và xuất khẩu dầu có giá thấp hơn đáng kể. Một ngoại lệ đáng chú ý là Mỹ, nền kinh tế tiên tiến nhưng có giá xăng thấp.

Sự khác biệt về giá giữa các quốc gia là do các loại thuế và trợ cấp xăng dầu khác nhau. Tất cả các quốc gia đều được tiếp cận với giá xăng dầu như nhau trên thị trường quốc tế nhưng sau đó quyết định áp các loại thuế khác nhau. Do đó, giá bán lẻ xăng dầu có sự chênh lệch.

10 nước có giá xăng rẻ nhất tính theo USD, ngày 21.2.2022. Ảnh chụp màn hình Global Petrol Prices

Theo cập nhật mới nhất ngày 21.2.2022 trên trang Global Petrol Prices, top 10 nước có giá xăng rẻ nhất thế giới tại thời điểm này là: Venezuela (0,025 USD - 680 đồng/lít); Iran (1.140 đồng); Syria (7.300 đồng); Angola (7.400 đồng); Algeria (7.500 đồng); Kuwait (7.900 đồng USD); Nigeria (9.100 đồng); Turkmenistan (9.800 đồng); Kazakhstan (10.950 đồng); Malaysia (11.100 đồng).

Top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có giá xăng đắt nhất thế giới: Hong Kong (Trung Quốc) (2.729 USD - 62.400 đồng/lít); Hà Lan (53.000 đồng); Na Uy (52.000 đồng); Iceland (50.200 đồng); Phần Lan (50.100 đồng); Đan Mạch (49.200 đồng); Israel (40.100 đồng); Hy Lạp (48.600 đồng USD); Italia (47.700 đồng); Cộng hòa Trung Phi (47.500 đồng).

Tại Việt Nam, chiều ngày 21.2, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tăng mạnh. Cụ thể, xăng E5 lên 25.532 đồng/lít, xăng A95 lên 26.287 đồng/lít. Với mức tăng giá lần này, giá xăng RON 95 vượt mức "đỉnh" vào tháng 7.2014 (26.140 đồng/lít), đây là mức cao nhất từ năm 2005 trở lại.

10 quốc gia và vùng lãnh thổ có giá xăng đắt nhất tính theo USD, ngày 21.2.2022. Ảnh chụp màn hình Global Petrol Prices

Giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng tới các nước như thế nào?

Giá xăng dầu tăng cao đang kéo theo lạm phát và gây đau đầu cho các chính phủ và ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, đặc biệt ở những quốc gia sắp diễn ra các cuộc bầu cử.

Trong khi bầu cử giữa kỳ ở Mỹ vào tháng 11 tới là ví dụ điển hình về việc giá năng lượng ảnh hưởng đến lĩnh vực chính trị, các cuộc bầu cử sắp tới ở Châu Á cũng có thể bị ảnh hưởng. Ấn Độ đã bầu cử cấp bang, Hàn Quốc sẽ bầu cử tổng thống vào đầu tháng 3. Ngoài ra còn có một cuộc tổng tuyển cử ở Australia và một cuộc tranh cử vào Thượng viện Nhật Bản trong vài tháng tới.

Giá dầu leo thang liên tục lên mức 3 con số đã thúc đẩy hành động chính trị từ những người đương nhiệm. Ấn Độ cắt giảm thuế bán lẻ đối với xăng và dầu diesel vào tháng 11 và kể từ đó đã có một đợt đóng băng không chính thức về giá. Hàn Quốc thực thi giảm thuế nhiên liệu tạm thời 20% từ tháng 10 đến tháng 4, có thể được gia hạn, trong khi Nhật Bản đang trợ cấp cho các nhà máy lọc dầu để sản xuất nhiên liệu động cơ.

Theo bà Sonal Varma, nhà kinh tế trưởng về Ấn Độ và Châu Á, Nhật Bản tại Nomura Holdings Inc, các chính phủ ở những nền kinh tế nơi mức lương đang tụt hậu so với lạm phát sẽ dễ bị tổn thương nhất bởi phản ứng chính trị do xăng gây ra.

“Nếu một quốc gia có mức tăng trưởng thu nhập thấp và lạm phát cao, thì quốc gia đó sẽ chịu một cuộc chiến kép, và sau đó nó có thể gây ra hậu quả về cả kinh tế và chính trị" - Bloomberg dẫn lời bà Varma nói.

Giá xăng bán lẻ ở Australia đã tăng 80% kể từ đầu tháng 5.2020, trong khi ở Nhật Bản, con số này tăng 37%. Tại Ấn Độ, có nhiều kỳ vọng rằng các nhà bán lẻ nhiên liệu lớn thuộc sở hữu nhà nước sẽ tăng giá mạnh sau khi cuộc bầu cử kết thúc vào tháng tới.

Một cây xăng ở Ấn Độ. Ảnh: AFP

Các cử tri Ấn Độ sẽ đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử kéo dài đến đầu tháng Ba ở năm bang, đáng chú ý nhất là Uttar Pradesh, bang lớn nhất với hơn 200 triệu dân. Lạm phát đã phá vỡ giới hạn chịu đựng 6% của ngân hàng trung ương vào tháng Giêng. Dữ liệu của Bloomberg Economics cho thấy mức lương ở nông thôn không theo kịp, chỉ tăng 3,31% trong tháng 12 so với một năm trước đó.

Hàn Quốc bầu tổng thống mới vào ngày 9.3. Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in không được phép tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa và các cuộc thăm dò đang cho thấy một cuộc chạy đua chặt chẽ giữa các ứng cử viên từ đảng của ông và phe đối lập. Mức lương trung bình đã tăng 4% vào năm ngoái, trong khi lạm phát so với cùng kỳ năm ngoái là 3,6% vào tháng Giêng, vì vậy việc tăng giá có thể không đóng vai trò lớn trong cuộc bầu cử như những nơi khác.

Thủ tướng Australia Scott Morrison phải kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử trước cuối tháng 5 và các cuộc thăm dò cho thấy ông có thể phải đối mặt với thất bại. Tâm lý người tiêu dùng bị ảnh hưởng khi các hộ gia đình phải vật lộn với giá xăng dầu tăng cao, trong khi Ngân hàng Dự trữ Australia dự báo lạm phát cơ bản sẽ tăng trên 3%. Mức lương trung bình tăng 2,2% trong quý 3 năm 2021 so với một năm trước đó.

Tại Nhật Bản, hơn một nửa số ghế trong Thượng viện sẽ được bầu trong một cuộc bỏ phiếu vào tháng 7, điều này có thể ảnh hưởng đến cơ hội tiếp tục tại vị của Thủ tướng Fumio Kishida. Kỳ vọng lạm phát giữa các hộ gia đình ở mức cao nhất kể từ năm 2008, trong khi thu nhập tiền mặt trung bình hàng tháng thực sự giảm nhẹ vào tháng 12 so với một năm trước đó. Ông Kishida cho biết chính phủ đang xem xét nhiều chính sách để giảm bớt ảnh hưởng của giá dầu cao đối với các hộ gia đình.

Vandana Hari, người sáng lập Vanda Insights, nhà cung cấp phân tích thị trường dầu tại Singapore, cho biết: “Giá nhiên liệu cao đã là một vấn đề dai dẳng trong môi trường lạm phát toàn cầu kể từ năm 2021".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn