MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mảnh lớn nhất của thiên thạch Aletai được một nông dân Trung Quốc phát hiện năm 1898. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Giải mã bí ẩn bãi thiên thạch dài nhất thế giới ở Trung Quốc

Thanh Hà LDO | 02/07/2022 09:48
Khi tiểu hành tinh xâm nhập bầu khí quyển Trái đất, có lẽ từ rất lâu, phía trên khu vực Altay của Tân Cương, phía tây Trung Quốc ngày nay, cú sốc nhiệt khiến tiểu hành tinh vỡ thành nhiều mảnh và tạo ra một trong những trận mưa sao băng sắt lớn nhất thế giới.

Nhiều thiên thạch - tức các mảnh của tiểu hành tinh này - rơi xuống Trái đất rải rác trên một vùng rộng lớn trải dài khoảng 430km, trở thành bãi thiên thạch dài nhất từng được biết đến.

Đây là hiện tượng chưa từng thấy trước đây bởi các thiên thạch từ cùng một tiểu hành tinh lao xuống Trái đất thường rơi cách nhau không quá 30-40km. 

Sử dụng mô hình số, nhóm các nhà khoa học quốc tế phát hiện tiểu hành tinh được gọi là Aletai có thể đã đi vào bầu khí quyển ở một góc thấp và di chuyển theo lộ trình giống một hòn đá bay qua hồ trước khi rơi xuống. Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science Advances. 

Chuyên gia Thomas Smith từ Viện Địa chất và Địa vật lý tại Học viện Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh, người không tham gia nghiên cứu, nhận định: “Đây là lần đầu tiên một quỹ đạo độc đáo như vậy được xác định. Quỹ đạo giải thích tại sao tiểu hành tinh Aletai có "strewn field", dài nhất được biết đến. "Strewn field" được hiểu là khu vực hình elip nơi tìm thấy các thiên thạch phân bổ sau một vụ thiên thạch rơi xuống Trái đất. Quỹ đạo này cũng có thể giải thích vì sao các thiên thạch rơi không tạo ra miệng hố va chạm khi tiếp xúc với mặt đất bởi đã tiêu hao năng lượng trong khi bay đường dài.

Kết quả nghiên cứu có thể giúp các nhà khoa học đánh giá tốt hơn tác động tiềm tàng và rủi ro mà các tiểu hành tinh gây ra, dựa trên quỹ đạo của tiểu hành tinh trong không gian. Nghiên cứu cũng làm sáng tỏ nơi có thể tìm thấy nhiều thiên thạch Aletai hơn.

Các nhà nghiên cứu từ Trung Quốc đại lục, Macau, Mỹ và Châu Âu đã sử dụng các kết hợp khác nhau giữa khối lượng ban đầu, tốc độ và góc đi vào để mô phỏng quỹ đạo của tiểu hành tinh. Các nhà khoa học phát hiện Aletai rộng 2,1 đến 4,7 mét và nặng hơn 200 tấn. Di chuyển với tốc độ 12 đến 15km/s, tiểu hành tinh này xâm nhập vào bầu khí quyển của Trái đất từ ​​một góc khoảng 6,5 đến 7,3 độ.

Đồng tác giả nghiên cứu Hsu Weibiao từ Đài quan sát Núi Tím ở Nam Kinh chia sẻ với tờ Science and Technology Daily rằng: “Nếu xâm nhập ở góc dốc hơn hoặc phẳng hơn, tiểu hành tinh sẽ bị đập từ trên cao xuống để tạo thành một "strewn field" ngắn hơn nhiều, hoặc bị dội ngược trở lại không gian vũ trụ". 

Chuyên gia Smith, người đã nghiên cứu các thiên thạch ở Châu Âu và Trung Quốc, cho biết, Aletai rất quan trọng, một phần vì nó đại diện cho một nhóm nhỏ các thiên thạch sắt được gọi là IIIE.

Chỉ có 16 mẫu vật trong nhóm IIIE và chúng chứa haxonite - một khoáng chất cứng màu trắng khiến việc cắt xuyên qua một thiên thạch sắt IIIE là vô cùng khó khăn.

Cho đến nay, hơn 74 tấn thiên thạch Aletai đã được tìm ra. Mảnh lớn nhất, được một nông dân phát hiện năm 1898, nặng 28 tấn.

Nhiều thiên thạch sắt đã được tìm thấy trong khu vực từ năm 2004, nhưng các nhà khoa học ban đầu không nhận ra chúng thuộc cùng một tiểu hành tinh. Đến năm 2015, các vị trí phát hiện thiên thạch mới được kết nối với nhau, khi Hsu và cộng sự so sánh thành phần khoáng chất và các nguyên tố vi lượng trong 3 mảnh thiên thạch lớn nhất. Họ nhận thấy các mảnh vỡ có những điểm giống nhau và các thiên thạch sắt được đổi tên thành Aletai.

Nghiên cứu về thiên thạch Aletai vẫn chưa hoàn tất vì còn nhiều điều chưa biết, như thời điểm thiên thạch rơi xuống Trái đất khi nào. “Tuổi trên mặt đất của thiên thạch Aletai có thể tương đối ngắn và khó định lượng trong phòng thí nghiệm" - chuyên gia Smith lưu ý. 

Các tác giả của nghiên cứu thiên thạch Aleitai cũng cho biết, kết quả mô hình của họ có thể thay đổi khi các thiên thạch Aletai mới được tìm thấy trong tương lai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn