MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Ảnh: AFP

Giải mã quy chế trung lập "kiểu Ukraina"

Khánh Minh LDO | 30/03/2022 16:00

Ukraina cho biết có thể chấp nhận quy chế quốc gia trung lập nếu phương Tây đưa ra các đảm bảo an ninh ràng buộc, tuy nhiên sẽ vấp phải những rào cản pháp lý.

Trong các cuộc đàm phán với Nga, Ukraina cho biết có thể chấp nhận trở thành nước trung lập nếu nhận được sự đảm bảo an ninh đầy đủ từ các quốc gia phương Tây, từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO. Nhưng những động thái đó sẽ yêu cầu sửa đổi hiến pháp hoặc một cuộc trưng cầu dân ý, mà theo các nhà phân tích cả hai đều không thể được thực hiện trong thời chiến.

Trung lập là gì?

Theo luật pháp quốc tế, một quốc gia được coi là trung lập nếu quốc gia đó không can thiệp vào các tình huống xung đột vũ trang quốc tế liên quan đến các bên khác. Một nước trung lập không thể cho phép một bên sử dụng lãnh thổ của mình làm căn cứ hoạt động quân sự, chọn phe hoặc cung cấp thiết bị quân sự.

Tổng thống Ukraina đã nói gì?

Theo tờ The Guardian, ngày 15.3, Tổng thống Volodymyr Zelensky thừa nhận rằng Ukraina không thể gia nhập NATO.

“Trong nhiều năm, chúng tôi đã nghe nói rằng cánh cửa đang mở, nhưng chúng tôi cũng nghe nói rằng chúng tôi không thể tham gia. Đó là sự thật mà chúng tôi đã nhận ra” - ông Zelensky nói. Bình luận này được coi là từ bỏ khát vọng gia nhập NATO của Ukraina và bị một số người Ukraina coi là một nhượng bộ không thể chấp nhận được.

Tại cuộc đàm phán Nga - Ukraina ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29.3, các nhà đàm phán Ukraina cho biết Kiev sẵn sàng chấp nhận vị thế trung lập nếu, theo một hiệp định quốc tế, các quốc gia phương Tây như Mỹ, Pháp và Anh đưa ra các đảm bảo an ninh ràng buộc.

Tuy nhiên, nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraina được ghi trong hiến pháp của đất nước, không thể được sửa đổi trong thời gian thiết quân luật - hiện đang có hiệu lực - hoặc trong tình trạng khẩn cấp.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khai mạc đàm phán Nga-Ukraina tại Istanbul ngày 29.3.2022. Ảnh: AFP

Ukraina có thể thay đổi hiến pháp không?

Bất kỳ sự thay đổi nào trong hiến pháp cũng cần được 300 trong số 450 nhà lập pháp phê chuẩn trong hai phiên họp quốc hội riêng biệt, và sau đó sẽ được tòa án hiến pháp xác nhận.

Nhà khoa học chính trị người Ukraina, Volodymyr Fesenko cho biết: “Hôm nay không có 300 phiếu bầu, nhưng nếu xung đột tiếp tục và chúng tôi thấy NATO không giúp đỡ, các ý kiến ​​có thể thay đổi”.

Ông Fesenko nói thêm: "Sự thất vọng của Tổng thống Zelensky về việc không đủ viện trợ của NATO đang làm thay đổi dư luận. Đối với chúng tôi, NATO là sự nhượng bộ đơn giản nhất và ít đau đớn nhất”.

Người Ukraina muốn gì?

Theo cuộc khảo sát mới nhất được thực hiện bởi công ty thăm dò xếp hạng vào đầu tháng này, 44% người Ukraina cảm thấy nước này nên gia nhập NATO, giảm 2% so với cuộc thăm dò được thực hiện vào tháng 2, trước cuộc tấn công của Nga.

Khoảng 42% tin rằng Ukraina nên tiếp tục hợp tác với NATO nhưng không gia nhập.

Mykola Davydiuk, nhà phân tích chính trị ở Kiev cho biết: “Người dân Ukraina muốn gia nhập NATO, nhưng nếu Châu Âu đề xuất tư cách thành viên EU và đề xuất một gói tài chính để tái thiết Ukraina, cuộc tranh luận về NATO có thể bị lãng quên trong một thời gian”.

Ông nói thêm: “Nếu Anh, Pháp và Mỹ - ba cường quốc hạt nhân - cung cấp các đảm bảo an ninh, thì một liên minh như vậy sẽ mạnh hơn sự hội nhập vào NATO".

Các nhà đàm phán Ukraina tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29.3 đã so sánh các đảm bảo an ninh mà họ muốn với Điều 5 của hiệp ước NATO, nơi các thành viên đồng ý bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra xâm lược quân sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn