MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trụ sở của ngân hàng Silicon Valley (SVB) tại Santa Clara, California, Mỹ. Ảnh: Xinhua

Giải pháp cho lĩnh vực ngân hàng nhìn từ vụ Silicon Valley phá sản

Thanh Hà LDO | 14/03/2023 16:07
Đã có những dấu hiệu cảnh báo trước về vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley vào tuần trước nhưng cả các nhà đầu tư và nhà quản lý ngân hàng đã bỏ lỡ, theo AFP. 

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào cuộc

Lý do việc giám sát thất bại vẫn là câu hỏi nóng với các chuyên gia ngân hàng, một số tập trung vào quy định kém của Mỹ

Ngày 13.3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo về kế hoạch đánh giá việc giám sát ngân hàng Silicon Valley (SVB), thừa nhận rằng ngân hàng đã có thể làm tốt hơn.

Thông cáo cho hay, cuộc đánh giá sẽ do Phó Chủ tịch Fed phụ trách giám sát Michael Barr dẫn dắt và sẽ được công bố vào ngày 1.5.

"Những sự kiện xoay quanh ngân hàng Silicon Valley yêu cầu Cục Dự trữ Liên bang xem xét kỹ lưỡng, minh bạch và nhanh chóng" - Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Barr chỉ ra, cần phải "tiến hành đánh giá cẩn thận và kỹ lưỡng về cách giám sát và quản lý ngân hàng này". 

Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết “giải thích đầy đủ về những gì đã xảy ra”, đồng thời nhấn mạnh sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng và cơ quan quản lý ngân hàng thắt chặt các quy định với lĩnh vực này. 

Các chuyên gia ngân hàng lo lắng về sự sụp đổ nhanh chóng của Silicon Valley - ngân hàng lớn thứ 16 của đất nước tính theo tài sản. Và ngay sau sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley, một ngân hàng khác - Signature Bank - cũng sụp đổ vào ngày 12.3.

Arthur Wilmarth, giáo sư luật tại Đại học George Washington, cho biết, 2 vụ phá sản này đã “phơi bày sự bất cập của các cải cách quy định được thực hiện từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu". 

Việc xem xét lại lĩnh vực ngân hàng sẽ chỉ ra những dấu hiệu cảnh báo rõ ràng về khả năng ngân hàng Silicon Valley tiếp xúc không cân xứng với các công ty khởi nghiệp công nghệ.

Lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ có rủi ro có thể được ví như bất động sản thương mại hoặc các thị trường mới nổi - những lĩnh vực từng khiến các ngân hàng rơi vào khó khăn trong lịch sử. 

Giáo sư Wilmarth lưu ý, ngân hàng Silicon Valley đã tăng trưởng rất nhanh trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2022. Việc có tiếp xúc với các trái phiếu có lãi suất cố định dài hạn khiến ngân hàng Silicon Valley đặc biệt dễ bị tổn thương trước những thay đổi chính sách tiền tệ của Fed.

“Đó gần như là công thức chắc chắn dẫn đến thất bại. Nếu nền kinh tế đi xuống, bạn sẽ bắt đầu gặp khó khăn. Không ai trong số những điều này có thể là bí ẩn với các cơ quan quản lý” - ông Wilmarth nói.

Trong vụ sụp đổ ngân hàng Silicon Valley, các chuyên gia cũng đề cập tới việc nới lỏng chính sách pháp luật của Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. 

Ban đầu, luật Dodd-Frank hay Đạo luật Cải cách Tài chính Phố Wall và Bảo vệ người tiêu dùng, đưa ra năm 2010 áp đặt các yêu cầu cao hơn về vốn, thanh khoản và những yêu cầu khác với các ngân hàng có tài sản ít nhất 50 tỉ USD. Năm 2018, yêu cầu này đã được nâng lên 250 tỉ USD, tức có hiệu lực với ít ngân hàng hơn. 

Bà Anna Gelpern - giáo sư luật tại Đại học Georgetown - nhấn mạnh, sự thay đổi luật đó không thể bào chữa cho những thất bại của cơ quan quản lý trong vấn đề giám sát. 

2 diễn biến cần theo dõi 

Vụ ngân hàng Silicon Valley phá sản làm dấy lên lo ngại về khả năng lan rộng ra toàn bộ hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, các nhà phân tích tài chính cho rằng, những biện pháp do chính quyền Mỹ thực hiện có thể ngăn chặn thiệt hại.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 bắt nguồn từ sự sụp đổ của gã khổng lồ Phố Wall, Lehman Brothers. Trong khi đó, Eric Dor - Giám đốc nghiên cứu kinh tế tại Trường Quản lý IESEG ở Paris - lưu ý, biến động hiện tại liên quan đến những ngân hàng nhỏ hơn phục vụ cho lĩnh vực công nghệ.

“Chúng ta không ở trong tình huống tương tự mà giới hạn hơn nhiều, với một loại ngân hàng nhất định và nhóm khách hàng từ một lĩnh vực nhất định" - ông Eric Dor nhấn mạnh. 

Chuyên gia này tin tưởng, mọi thứ sẽ lắng xuống nhờ các biện pháp đang được triển khai. "Ở châu Âu, chúng tôi không có lo ngại tương tự vì không có nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ như Mỹ" - ông nói thêm.

Chuyên gia Lionel Melka từ nhóm đầu tư Swann, cho biết, vụ ngân hàng Silicon Valley phá sản vẫn là "một trường hợp đặc biệt". Sự sụp đổ đột ngột của ngân hàng này gây ra tình trạng hỗn loạn nhưng mọi thứ "sẽ lắng dịu". Ông cũng tin tưởng, cuộc khủng hoảng ngân hàng này đã bị kìm lại nhờ sự can thiệp của Mỹ. 

“Các ngân hàng đang ở vị thế vững chắc hơn nhiều về nguồn vốn so với trước cuộc khủng hoảng tài chính” - công ty quản lý tài sản lớn nhất của Đức DWS, cho biết. 

Fed và các ngân hàng trung ương khác trên toàn thế giới đã tăng lãi suất từ năm 2022 để kiềm chế lạm phát cao. Chính sách này giúp một số ngân hàng có lợi nhuận tốt trong năm 2022 nhưng lãi suất cao hơn cũng làm giảm giá trị trái phiếu mà những ngân hàng này mua khi lợi tức thấp hơn. Ngân hàng Silicon Valley sụp đổ sau khi bán chứng khoán trị giá 21 tỉ USD và lỗ 1,8 tỉ USD. 

Các nhà đầu tư lo ngại, những ngân hàng khác có thể gặp phải tình huống tương tự nếu cần huy động vốn để bù đắp cho sự sụt giảm tiền gửi. Tình hình đó có thể khiến Fed dừng chiến dịch tăng lãi suất khi cuộc họp chính sách tiếp theo dự kiến diễn ra tuần tới. 

Neil Shearing - nhà kinh tế trưởng của Capital Economics - chỉ ra, có 2 điều cần theo dõi trong những ngày tới và tuần tới. “Đầu tiên là liệu những động thái của chính quyền có thành công trong việc duy trì (hoặc khôi phục) niềm tin của người gửi tiền và nhà đầu tư vào hệ thống ngân hàng Mỹ hay không.

Vấn đề thứ hai là liệu có bất kỳ tổ chức nào khác có lỗ hổng tương tự như SVB (hoặc Signature Bank) đang ẩn nấp trong bóng tối ở Mỹ hoặc ở các nền kinh tế khác hay không" - ông nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn