MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
1 trong 5 người thiệt mạng trong tàu lặn Titan khám phá xác tàu đắm Titanic là Chủ tịch Action Aviation, ông Hamish Harding. Ảnh: OceanGate

Giới siêu giàu say mê những chuyến phiêu lưu nguy hiểm

Thanh Hà LDO | 26/06/2023 13:30
Với những du khách siêu giàu, bầu trời không phải là giới hạn. Họ không chỉ đến được nơi sâu nhất của các đại dương trên Trái đất thăm xác tàu đắm Titanic mà còn có thể đến các điểm đến ngoài hành tinh, như Trạm vũ trụ quốc tế.

Những chuyến đi đắt đỏ

Khi nhu cầu phiêu lưu của giới nhà giàu tăng lên, các doanh nghiệp đã nhanh chóng đáp ứng nhu cầu. Ví dụ, 3 người đã trả khoảng 55 triệu USD/người để tên lửa và tàu vũ trụ của SpaceX đưa lên Trạm vũ trụ quốc tế vào tháng 4.2022.

Những người giàu có ưa mạo hiểm khác bằng lòng với những cuộc phiêu lưu trên Trái đất. Một chuyến đi đến Nam Cực có thể được sắp xếp với giá khoảng 100.000 USD. Một chuyến thám hiểm không tốn kém để chinh phục Everest cũng có chi phí tương đương.

Với những người tìm kiếm các cuộc thám hiểm hoang dã nhẹ nhàng hơn, những chuyến khám phá châu Phi hoặc tham quan có hướng dẫn viên ở vòng Bắc Cực được nhiều người lựa chọn. 

Theo Newsweek, các công ty du lịch quốc tế như Abercrombie and Kent cung cấp các chuyến du ngoạn có một không hai mang đến những trải nghiệm kì thú như tìm hổ Bengal ở Ấn Độ hoặc xem loài khỉ đột núi đang bị đe dọa tuyệt chủng ở vùng hoang dã Uganda.

Nhiều chuyến du ngoạn sang trọng này được trang bị những tiện nghi tối đa. Với Abercrombie and Kent, khách hàng có quyền sử dụng máy bay riêng. Các chuyến đi có giá từ 4-6 con số.

Du khách quan sát voi tại Singita Serengeti House ở châu Phi. Ảnh: Singita Serengeti House 

Ví dụ, chuyến đi 25 ngày của Abercrombie and Kent mang tên "Wildlife Safari: Vòng quanh thế giới bằng máy bay riêng 2024", đưa khách hàng đến safari xuyên lục địa với mọi thứ từ khỉ tuyết và cá mập voi đến đười ươi, khỉ đột và hổ Bengal trong một chuyến đi. Chuyến đi này tiêu tốn khoảng 165.000 USD/người và thường bán hết vé trong vòng 3 tháng. Khi tham gia, khách hàng không chỉ được tiếp xúc với vô số môi trường và safari mà còn có thể không phải qua các cửa khẩu quốc tế.

Pamela Lassers - Giám đốc quan hệ truyền thông của Abercrombie and Kent - cho hay, Abercrombie and Kent đã chứng kiến ​​lượng người tìm kiếm các kỳ nghỉ mạo hiểm tăng đáng kể, với năm 2023 là năm tăng mạnh nhất trong lịch sử 61 năm của công ty. 

Những vị khách nổi tiếng

Trước khi là 1 trong 5 người thiệt mạng trong tàu lặn Titan khám phá xác tàu đắm Titanic, Chủ tịch Action Aviation, ông Hamish Harding đã thực hiện một số chuyến đi nguy hiểm đến những nơi khắc nghiệt của thế giới. Ngoài Harding, 4 người còn lại trên tàu lặn Titan là Stockton Rush, Paul-Henry Nargeolet, Shahzada Dawood và Suleman Dawood.

Tháng 3.2021, Harding chia sẻ một bức ảnh trên Instagram về việc nhận giải Kỷ lục Guinness Thế giới vì phá kỷ lục vòng quanh thế giới trên máy bay bay qua Bắc Cực và Nam Cực. Theo đó, Harding và cựu Chỉ huy Trạm vũ trụ quốc tế Terry Virts đã lập kỷ lục chuyến đi này trong 46 giờ, 40 phút và 22 giây vào năm 2019.

Chủ tịch Action Aviation, ông Hamish Harding (phải) từng chia sẻ, mục tiêu hàng đầu của bản thân là “khám phá toàn bộ Trái đất và xa hơn thế nữa“. Ảnh: Hamish Harding

Trong bài đăng, Harding viết rằng, sự tò mò là điều "hoàn toàn gây nghiện". Ông tuyên bố mục tiêu hàng đầu của bản thân là "khám phá toàn bộ Trái đất và xa hơn thế nữa".

Trong hành trình phiêu lưu, Harding từng thăm điểm sâu nhất của đại dương tại Vực thẳm Challenger (nơi có độ sâu 10.902 m) nằm gần Rãnh Mariana - rãnh đại dương sâu nhất trên Trái đất. 

Năm 2016, ông đồng hành cùng phi hành gia Buzz Aldrin trong chuyến du hành tới Nam Cực. Ngoài ra, ông cũng tham gia một dự án đưa báo săn trở lại Ấn Độ.

Một trong những người giàu có ưa phiêu lưu mạo hiểm nổi tiếng là doanh nhân người Mỹ, nhà thám hiểm Steve Fossett  - người đã tự mình bay vòng quanh thế giới 2 lần.

Ban đầu, ông đặt mục tiêu trở thành người đàn ông đầu tiên một mình đi vòng quanh thế giới bằng khinh khí cầu. Sau 5 lần thất bại, Fossett đã thực hiện được ước mơ của mình vào năm 2002 ở tuổi 58.

Trong hành trình thực hiện những chuyến phiêu lưu, Steve Fossett 3 lần là đối tượng của những chiến dịch cứu hộ khẩn cấp. Năm 1998, trong nỗ lực bay vòng quanh thế giới bằng khinh khí cầu, Fossett đã lao xuống biển cách Australia khoảng 800 km. Cuối năm đó, Tuần duyên Mỹ đã chi hơn 130.000 USD để giải cứu Fossett và tỉ phú người Anh Branson sau khi khinh khí cầu của họ rơi xuống biển ngoài khơi Hawaii.

Chín năm sau, năm 2007, máy bay của Fossett cất cánh từ một trang trại ở Nevada và biến mất. Cuộc tìm kiếm rộng rãi được triển khai nhưng không thể tìm thấy hiện trường tai nạn. Một năm sau, một người leo núi đơn độc tình cờ phát hiện ra đống đổ nát trên một sườn núi hẻo lánh ở phía bắc California, chấm dứt bí ẩn xung quanh cái chết của một trong những nhà phiêu lưu vĩ đại nhất thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn