MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hẻm núi sông Hantan ở khu phi quân sự DMZ Hàn Quốc - Triều Tiên. Ảnh: Vườn thực vật DMZ/google.com

Google hé hộ điều kỳ diệu ở khu phi quân sự DMZ liên Triều

Song Minh LDO | 27/02/2023 07:00

Khu phi quân sự DMZ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã trở thành thiên đường của động vật hoang dã, theo Google.

Khu phi quân sự liên Triều là một trong những biên giới được bày bố vũ khí quân sự dày đặc nhất thế giới. Đoạn đường dài 250km được rào bằng dây thép gai và mìn, và hầu như không có hoạt động của con người - theo CNN.

Nhưng sự cô lập đó đã vô tình biến khu vực này thành thiên đường cho động vật hoang dã. Google đã công bố ảnh chụp khu vực DMZ sử dụng tính năng Google Street View, mang đến cái nhìn hiếm hoi về hệ động thực vật sinh sống ở vùng đất không có người ở này.

Những hình ảnh này là một phần của dự án được Google thực hiện với một số tổ chức nghiên cứu của Hàn Quốc nhân kỷ niệm 70 năm hiệp định đình chiến trong Chiến tranh Triều Tiên năm 1953. Theo hiệp định, chiến sự tạm dừng vào năm 1953 và tạo ra khu phi quân sự DMZ, mặc dù về mặt kỹ thuật, chiến tranh Triều Tiên chưa bao giờ kết thúc vì không có hiệp ước hòa bình nào được ký kết.

Dự án đem đến cơ hội cho người xem thực hiện “chuyến tham quan ảo” nhờ tính năng Google Street View, với điểm nhấn là các di vật văn hóa và di sản gần DMZ như các tòa nhà bị chiến tranh tàn phá và boongke phòng thủ.

Nhưng những hình ảnh đáng ngạc nhiên nhất là hơn 6.100 loài động thực vật đang phát triển mạnh ở DMZ, từ bò sát, chim chóc đến những loài cây quý hiếm.

Theo Google, trong số 267 loài có nguy cơ tuyệt chủng của Hàn Quốc, 38% sống ở DMZ.

Dê núi chủ yếu sống ở các vùng núi đá xung quanh DMZ. Ảnh: Viện Sinh thái Quốc gia Hàn Quốc/google.com

“Sau Chiến tranh Triều Tiên, DMZ ít có sự can thiệp của con người trong hơn 70 năm và thiên nhiên bị tàn phá đã tự phục hồi. Kết quả là, DMZ đã tạo ra hệ sinh thái mới chưa từng thấy ở các thành phố và trở thành khu bảo tồn động vật hoang dã” - Google viết trên website của hãng.

Cư dân của DMZ bao gồm những con dê núi có nguy cơ tuyệt chủng sống ở vùng núi đá; hươu xạ có răng nanh dài sống trong rừng già; rái cá bơi dọc con sông chảy qua hai miền Triều Tiên; và những con đại bàng vàng có nguy cơ tuyệt chủng. Loài đại bàng này thường bay tới các khu dân sự giáp biên giới vào mùa đông và được người dân cho ăn.

Loài đại bàng vàng có nguy cơ tuyệt chủng sống ở DMZ liên Triều. Ảnh: Viện Sinh thái Quốc gia Hàn Quốc/google.com

Nhiều hình ảnh được chụp bởi các camera không người lái do Viện Sinh thái Quốc gia Hàn Quốc lắp đặt tại DMZ. Năm 2019, những chiếc camera này đã chụp ảnh một con gấu đen châu Á lần đầu tiên sau 20 năm.

Các nhà nghiên cứu hài lòng với kết quả bởi từ lâu đã lo ngại về sự suy giảm số lượng loài vật đang có nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn trộm và phá hủy môi trường sống.

Seung-ho Lee, Chủ tịch Diễn đàn DMZ - một nhóm vận động bảo vệ di sản văn hóa và sinh thái của DMZ - nói với CNN vào năm 2019 rằng, DMZ cũng đã trở thành ốc đảo cho các loài chim di cư vì điều kiện ngày càng tồi tệ ở hai bên biên giới. Ông nói, khai thác gỗ và lũ lụt đã tàn phá đất đai của Triều Tiên, trong khi sự phát triển đô thị và ô nhiễm đã chia cắt môi trường sống ở Hàn Quốc.

“Chúng tôi gọi khu vực này là một thiên đường tình cờ” - ông nói vào thời điểm đó.

Các hình ảnh của Google cũng cho thấy những cảnh quan đa dạng sinh học nguyên sơ. Người dùng có thể sử dụng tính năng Google Street View để khám phá vùng đồng hoang Yongneup với những cánh đồng cỏ rộng đầy cây ngập nước hoặc hẻm núi sông Hantan, với làn nước màu ngọc lam chảy ngoằn ngoèo giữa những tường đá granit.

Heloniopsis tubiflora fuse, một loài thực vật đặc hữu của Hàn Quốc, được chụp ở Yongneup trong DMZ. Ảnh: Vườn thực vật DMZ /google.com

Nhiều tiếng nói ở cả hai miền Triều Tiên và các tổ chức môi trường quốc tế đã kêu gọi bảo tồn DMZ trong nhiều thập kỷ. Nhưng quá trình này không hề dễ dàng vì đòi hỏi sự hợp tác từ cả Seoul và Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, đã có một số tiến bộ trong những năm gần đây. Năm 2018, cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cam kết sẽ biến DMZ thành một “khu vực hòa bình”. Năm sau, Hàn Quốc mở con đường đầu tiên trong số ba “con đường hòa bình” phục vụ số ít du khách hạn chế tham quan DMZ.

Tuy nhiên, các mối quan hệ đã xấu đi kể từ đó. Căng thẳng tăng vọt trong năm 2022 khi Triều Tiên bắn số tên lửa kỷ lục và tổng thống mới của Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhậm chức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn