MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khói từ các đám cháy rừng ở Canada bao trùm New York, Mỹ. Ảnh: Xinhua

Hai chỉ báo kỷ lục phát tín hiệu về một mùa khí hậu khắc nghiệt

Thanh Hà LDO | 09/06/2023 15:18

Nóng lên toàn cầu sẽ làm tăng khả năng xảy ra các vụ cháy rừng nghiêm trọng như ở Canada cùng các đợt nắng nóng thiêu đốt ở Puerto Rico. Đây là cảnh báo từ lâu của các nhà khoa học. 

Biểu hiện rõ nét ở Bắc Mỹ

Vẫn chưa chính thức là mùa hè ở Bắc bán cầu nhưng những kỷ lục nhiệt độ khắc nghiệt đã được ghi nhận ở đây. 

Các đám cháy khắp Canada, khói nghẹt thở bao trùm những khu vực ở miền đông nước Mỹ. Puerto Rico đang trong tình trạng cảnh báo nhiệt độ nghiêm trọng giống như nhiều nơi khác trên thế giới. Các đại dương trên Trái đất đang nóng lên với tốc độ đáng báo động.

Biến đổi khí hậu do con người gây ra thúc đẩy những hiện tượng thời tiết cực đoan như vậy, theo Washington Post. Dù chưa có nhiều nghiên cứu cụ thể kết luận những sự kiện trên là do sự nóng lên toàn cầu, nhưng khoa học đã khẳng định rõ ràng rằng nóng lên toàn cầu làm tăng đáng kể khả năng cháy rừng và sóng nhiệt nghiêm trọng như đang xảy ra ở Bắc Mỹ. 

Các nhà khoa học cũng cảnh báo, trước cuối năm nay, El Nino có thể xuất hiện từ đó dẫn tới khả năng thiết lập các kỷ lục nhiệt mới.

Những vụ cháy rừng gần đây cũng phá vỡ quan niệm rằng một số khu vực không gần xích đạo hoặc cách xa biển sẽ tương đối an toàn trước những biến đổi khí hậu tồi tệ. Hầu như không có cảnh báo trước, khói từ đám cháy ở xa hàng nghìn km đã đảo lộn cuộc sống hàng ngày của nhiều người. 

Tại Mỹ, nhiều người phải sống chung với khói cháy rừng. Ảnh: Xinhua

Khói từ cháy rừng ở Canada lan qua biên giới nhiều đến mức ở Buffalo, các trường học phải hủy bỏ các hoạt động ngoài trời trong khi người dân ở Detroit bị ngạt thở bởi khói mù độc hại. Các chuyến bay không thực hiện được ở khu vực đông bắc của Mỹ. 

Alexandra Paige Fischer - giáo sư nghiên cứu các chiến lược thích ứng với hoả hoạn tại Đại học Michigan - cho biết: “Cháy rừng không còn chỉ là vấn đề với những người sống ở các khu vực rừng dễ cháy".

Tại Mỹ, nhiều người phải sống chung với khói cháy rừng. Nghiên cứu năm 2022 của các nhà khoa học Stanford phát hiện ra số người tiếp xúc với ô nhiễm độc hại do cháy rừng ít nhất 1 ngày trong 1 năm đã tăng gấp 27 lần trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2020.

Hai quốc gia trải qua những hiện tượng này - Mỹ và Canada - là những nhà sản xuất dầu và khí đốt lớn, khi xảy ra cháy rừng sẽ tạo ra khí nhà kính làm bầu khí quyển của Trái đất nóng lên đáng kể. Nhiệt độ trung bình toàn cầu ngày nay cao hơn 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Park Williams - nhà địa chất tại Đại học California, Los Angeles - chỉ ra, theo các mô hình khí hậu, miền đông Canada và tỉnh bang Alberta ở miền bắc nước này được dự báo sẽ trở nên ẩm ướt hơn trong những năm tới. Tuy nhiên, năm nay sẽ là năm khô hạn bất thường trên khắp Canada và tiếp sau đó là nóng bức. 

Các khu rừng taiga phía tây Canada cung cấp nhiên liệu sẵn có trong khi cây và cỏ ở miền đông Canada biến thành bùi nhùi. "Khi nhiệt độ nóng hơn, mọi thứ không đi và dễ cháy hơn trong những năm khô hạn này" - ông nói. 

Tới tuần này, hơn 400 đám cháy đã bùng phát từ tây sang đông ở Canada, hơn một nửa trong số đó nằm ngoài tầm kiểm soát.

"Cú đấm kép" của El Nino 

Những nơi khác trên thế giới đã cảm nhận được nắng nóng thiêu đốt trong năm nay.

Việt Nam phá kỷ lục nhiệt trong tháng 5, với nhiệt độ vượt ngưỡng 44 độ C. Trung Quốc phá kỷ lục nhiệt độ tại hơn 100 trạm thời tiết trong tháng 4. Các khu rừng phương bắc của Siberia cũng đang bị cháy.

Biến đổi khí hậu đang khiến mùa cháy rừng ở Siberia kéo dài và nghiêm trọng hơn. Brendan Rogers - chuyên gia về cháy rừng taiga tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell - cho hay, biến đổi khí hậu cũng làm tăng khả năng bắt lửa do sét đánh.

Chắc chắn có những điều kiện khác nhau trong những năm khác nhau, nhưng “mẫu số chung là điều kiện ấm/nóng và khô khiến các hệ sinh thái dễ bị đốt cháy" - ông lưu ý. 

Tất cả lượng nhiệt dư thừa này trong bầu khí quyển sẽ đi đâu? Phần lớn nhiệt được các đại dương hấp thụ, đó là lí do nhiệt độ đại dương tăng đều đặn trong vài thập kỷ qua, đạt mức kỷ lục trong năm 2022.

Nhưng mùa xuân năm nay, một điều kì lạ đã xảy ra. Các nhà khoa học ra cảnh báo nhiệt độ đại dương đang ở mức nóng nhất trong vòng 40 năm qua.

Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân, dù một số người nói rằng nhiệt tăng có thể báo hiệu sự xuất hiện của El Nino - kiểu thời tiết thường kéo dài vài năm, làm nóng bề mặt phía đông Thái Bình Dương.

Jeff Berardelli - nhà khí tượng học tại đài truyền hình WFLA ở Mỹ - đã cảnh báo về "cú đấm kép" của El Nino trong một thế giới đang nóng lên do biến đổi khí hậu. “Chúng ta nên chuẩn bị cho một năm của những hiện tượng cực đoan trên toàn cầu" - ông nói. 

Puerto Rico đã cảm nhận được điều đó trong tuần này, với nhiệt độ kỷ lục và độ ẩm cao khiến chỉ số nóng bức lên tới gần 52 độ C. 

Ada Monzón - nhà khí tượng học tại đài truyền hình WAPA ở Puerto Rico - cho biết: “Chúng tôi đang chèo thuyền trong vùng biển chưa được khám phá". 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn