MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe tăng K2 của Hàn Quốc tại Triển lãm Quốc phòng Hàn Quốc 2018 ở Pocheon, Hàn Quốc. Ảnh: AFP

Hàn Quốc tham vọng vào nhóm nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới

Thanh Hà LDO | 17/08/2022 17:55
Hàn Quốc có kế hoạch trở thành 1 trong 4 nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới, Tổng thống Yoon Suk-yeol nhấn mạnh trong phát biểu ngày 17.8 nhân kỷ niệm 100 ngày cầm quyền.

Mục tiêu vượt Italia

Tổng thống Yoon Suk-yeol nhấn mạnh: "Với việc lọt vào nhóm 4 nhà xuất khẩu quốc phòng hàng đầu thế giới sau Mỹ, Nga và Pháp, ngành công nghiệp quốc phòng (Hàn Quốc) sẽ trở thành một ngành công nghiệp hóa chiến lược và một cường quốc quốc phòng".  

Năm 2021, Hàn Quốc đứng thứ 10 trên thế giới về chuyển giao vũ khí, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI). Với kim ngạch xuất khẩu vũ khí trị giá 566 triệu USD, Hàn Quốc đang đứng sau nhà xuất khẩu vũ khí thứ 4 của thế giới năm 2021 là Italia - vốn bán 1,7 tỉ USD vũ khí trong năm ngoái. Để dễ hình dung, xuất khẩu vũ khí Mỹ trong năm ngoái là 10,6 tỉ USD.

Hàn Quốc đã thực hiện các động thái hướng tới tham vọng lọt vào top 4 nhà xuất khẩu vũ khí. Cuối tháng trước, Hàn Quốc ký hợp đồng vũ khí lớn nhất từ trước tới nay để cung cấp cho Ba Lan gần 1.000 xe tăng K2, hơn 600 khẩu pháo và hàng chục máy bay chiến đấu. 

Trong tháng 2, Seoul ký thỏa thuận trị giá 1,7 tỉ USD với Ai Cập để cung cấp cho nước này pháo tự hành K9 cùng các phương tiện hỗ trợ. Cuối năm ngoái, Hàn Quốc có thương vụ vũ khí lớn khác cung cấp pháo tự hành K9 cho Australia. 

Lựu pháo tự hành K9 Thunder 155mm do Hàn Quốc chế tạo được quân đội Phần Lan sử dụng tham gia cuộc tập trận tháng 5.2022, gần Rovaniemi, Phần Lan. Ảnh: Sean Gallup

Nếu đạt mục tiêu mà Tổng thống Yoon Suk-yeol đề ra, Hàn Quốc sẽ không chỉ vượt qua Italia mà cả cường quốc khu vực là Trung Quốc cũng như Đức, Tây Ban Nha, Israel và Vương quốc Anh, theo bảng xếp hạng của SIPRI. 

"Tôi tin rằng đây là một mục tiêu rất tham vọng. Hàn Quốc và ngành công nghiệp vũ khí của nước này phải làm rất nhiều việc - nhà phân tích quân sự Chun In-Bum, một tướng Hàn Quốc đã nghỉ hưu, nhận định.

Đầu tư thời Tổng thống Moon Jae-in đang phát huy hiệu quả

Tổng thống Yoon Suk-yeol chủ yếu xây dựng dựa trên các sáng kiến bắt đầu từ thời của người tiền nhiệm Moon Jae-in, CNN nhận định. 

Eunwoo Lee, cựu phiên dịch viên tại Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, viết trên tờ The Diplomat hồi tháng 3 rằng ông Moon Jae-in đã hay đổi định vị quân đội Hàn Quốc, tăng ngân sách quốc phòng khoảng 7% mỗi năm. Tại triển lãm quốc phòng gần Seoul vào tháng 10 năm ngoái, ông Moon Jae-in cam kết đổi mới "phù hợp với những thay đổi trong môi trường an ninh và tiến bộ công nghệ". 

Các nhà phân tích nhận định, sự đầu tư thời Tổng thống Moon Jae-in đang bắt đầu phát huy hiệu quả. Nhà nghiên cứu Peter Lee và Tom Corben thuộc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Sydney nhận định trên tạp chí trực tuyến War on the Rocks tuần này rằng, lượng xe tăng và máy bay chiến đấu bán cho Ba Lan và xe tăng cho Australia đã đưa Seoul vào "liên đoàn lớn về quốc phòng" được gọi là "K-arsenal". 

Các nhà nghiên cứu của Đại học Sydney giải thích, khí tài quân sự mà Hàn Quốc cung cấp mang tới một giải pháp thay thế ít tốn kém hơn nhưng cực kỳ khả thi cho các hệ thống vũ khí của Washington. Những hệ thống đó bao gồm máy bay chiến đấu KF-21.

Tổng thống Yoon Suk-yeol chỉ ra, máy bay chiến đấu KF-21 do Hàn Quốc sản xuất có chuyến bay thử nghiệm thành công đầu tiên vào tháng 7. KF-21 dự kiến ​​mang lại khoảng 18,3 tỉ USD cho ngành công nghiệp vũ khí Hàn Quốc.

"Phương án có lợi"

Với người mua, vũ khí Hàn Quốc có thể là phương án có lợi về phương diện ngân sách quốc phòng.

Ví dụ, xe tăng K2 của Hàn Quốc có thể so sánh với các xe tăng chiến đấu chủ lực hàng đầu đắt tiền như M1A2 Abrams của Mỹ, cựu tướng lĩnh Chun In-Bum chỉ ra. 

Một máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 do Hàn Quốc sản xuất. Ảnh: AFP

Đầu năm nay, Ba Lan tuyên bố mua 250 chiếc Abrams, nhưng dây chuyền sản xuất của Mỹ có hạn và nhu cầu quân sự của Mỹ được đặt lên hàng đầu. 

Theo các nhà phân tích, việc mua gần 1.000 chiếc K2 của Seoul giúp Warsaw bổ sung đáng kể xe tăng nhanh hơn so với mua xe tăng của Mỹ.

Các chuyên gia nhận định, đây là tin tốt cho dù các công ty quốc phòng của Mỹ không hề được hưởng lợi từ những thương vụ này.

"Xét ở góc độ chiến lược, khả năng ngày càng tăng của Seul và sự sẵn sàng cung cấp các năng lực tiên tiến cho các đồng minh khác của Mỹ nên được hoan nghênh, đặc biệt khi chính quyền ông Biden đối mặt với những thách thức song song của các chiến lược quân sự ở Châu Âu và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong khi củng cố năng lực công nghiệp quốc phòng của nước Mỹ” - chuyên gia Lee và Corben viết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn