MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân xếp hàng bên ngoài Ngân hàng Silicon Valley (SVB) ở Santa Clara, California, Mỹ, ngày 13.3.2023. Ảnh: Xinhua

Hàng trăm ngân hàng Mỹ đối mặt nguy cơ phá sản như SVB

Song Minh LDO | 19/03/2023 16:27
Gần 200 ngân hàng Mỹ phải đối mặt với rủi ro tương tự rủi ro dẫn đến sự sụp đổ và phá sản của Ngân hàng Silicon Valley (SVB).

RT đưa tin, theo một bài báo đăng trên Mạng Nghiên cứu Khoa học Xã hội, gần 200 ngân hàng đối mặt với rủi ro phá sản như Ngân hàng Silicon Valley (SVB).

SVB - ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ tập trung vào lĩnh vực công nghệ và khởi nghiệp - đã bị các cơ quan quản lý đóng cửa vào tuần trước sau khi khách hàng ồ ạt rút tiền gửi.

Trong nghiên cứu, bốn nhà kinh tế học từ các trường đại học nổi tiếng của Mỹ ước tính giá trị thị trường tài sản các ngân hàng Mỹ nắm giữ đã bị mất do những đợt tăng lãi suất gần đây.

“Từ ngày 7.3.2022 đến ngày 6.3.2023, lãi suất do Fed đưa ra đã tăng mạnh từ 0,08% lên 4,57% và mức tăng này đi kèm với việc thắt chặt định lượng. Kết quả là, các tài sản dài hạn tương tự tài sản được giữ trên bảng cân đối ngân hàng đã bị giảm giá trị đáng kể trong cùng thời kỳ” - các nhà nghiên cứu viết.

Mặc dù lãi suất cao hơn có thể mang lại lợi ích cho các ngân hàng bằng cách cho phép họ cho vay với lãi suất cao hơn, nhưng nhiều ngân hàng Mỹ đã gửi một phần đáng kể tiền mặt dư thừa vào Kho bạc Mỹ khi lãi suất ở mức gần bằng 0. 

Giá trị của những trái phiếu này hiện đã giảm đi rất nhiều do lãi suất tăng - giờ đây các nhà đầu tư có thể chỉ cần mua trái phiếu mới phát hành có lãi suất cao hơn. Giá trị chứng khoán đã giảm nhưng mức lỗ của các ngân hàng vẫn chỉ là trên giấy tờ.

Vấn đề phát sinh khi khách hàng yêu cầu trả lại tiền gửi và các ngân hàng buộc phải bán chứng khoán của họ - với mức lỗ đáng kể - để trả lại tiền cho người gửi. Trong những trường hợp cực đoan, điều này có thể dẫn đến việc ngân hàng mất khả năng thanh toán, hoặc như đã xảy ra với ngân hàng SVB, sự mất lòng tin có thể dẫn đến tình trạng rút tiền ồ ạt.

Các tác giả của báo cáo đã xem xét số tiền gửi không được bảo hiểm - tỉ lệ này càng lớn thì ngân hàng càng dễ bị rút tiền. Chẳng hạn, tại SVB - nơi 92,5% tiền gửi không được bảo hiểm - dòng tiền gửi chảy ra ngoài đã khiến ngân hàng sụp đổ chỉ trong vòng hai ngày. 

Chi nhánh ngân hàng Signature Bank ở New York, Mỹ, ngày 13.3.2023. Ngân hàng này cũng bị đóng cửa sau khi SVB phá sản. Ảnh: Xinhua

Các tác giả của nghiên cứu ước tính 186 ngân hàng Mỹ không có đủ tài sản để thanh toán cho tất cả khách hàng ngay cả khi một nửa số người gửi tiền không có bảo hiểm quyết định rút tiền.

“Tính toán của chúng tôi cho thấy các ngân hàng này chắc chắn có nguy cơ vỡ nợ tiềm tàng nếu không có sự can thiệp hoặc tái cấp vốn của chính phủ… Nhìn chung, các tính toán cho thấy, sự sụt giảm giá trị tài sản ngân hàng gần đây đã làm tăng đáng kể sự mong manh của hệ thống ngân hàng Mỹ đối với người gửi tiền không được bảo hiểm” - các nhà kinh tế kết luận, đồng thời lưu ý rằng số lượng ngân hàng gặp rủi ro có thể lớn hơn “đáng kể” nếu “việc rút tiền gửi không có bảo hiểm gây ra những vụ phá sản thậm chí là nhỏ”.

Sự sụp đổ của SVB gây ra những gợn sóng trên toàn bộ ngành ngân hàng Mỹ và khiến một ngân hàng khác, Signature Bank, phải đóng cửa. Nhiều tổ chức tài chính khác cũng chứng kiến ​​cổ phiếu của họ lao dốc. Sáu ngân hàng lớn nhất Phố Wall mất khoảng 165 tỉ USD vốn hóa thị trường, tương đương khoảng 13% giá trị kết hợp của các ngân hàng này. 

Vào đầu tuần, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's đã hạ triển vọng đối với hệ thống ngân hàng Mỹ từ "ổn định" xuống "tiêu cực", với lý do "môi trường hoạt động đang xấu đi nhanh chóng".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn