MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà máy của Tập đoàn Công nghiệp Điện lực Cáp Nhĩ Tân ở Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Hoạt động nhà máy ở châu Á suy giảm do nhu cầu toàn cầu chững lại

Duy Phương LDO | 03/04/2023 18:53

Hoạt động của các nhà máy ở châu Á suy yếu trong tháng 3 do nhu cầu ở nước ngoài yếu ảnh hưởng đến sản lượng.

Cả Nhật Bản và Hàn Quốc - hai quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu - đều chứng kiến ​​hoạt động sản xuất bị thu hẹp trong tháng 3 trong khi tăng trưởng ở Trung Quốc bị đình trệ.

Điều này cho thấy triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi sẽ tiếp tục cản trở sự phục hồi của khu vực và khiến các nhà hoạch định chính sách phải cảnh giác.

Đây là thách thức mà châu Á phải đối mặt khi giới chức nỗ lực kiểm soát lạm phát và chống lại ảnh hưởng từ đà suy giảm của nền kinh tế toàn cầu.

“Với việc tăng trưởng toàn cầu sẽ vẫn yếu trong những quý tới, chúng tôi cho rằng sản lượng sản xuất ở châu Á sẽ tiếp tục chịu áp lực” - Shivaan Tandon - chuyên gia kinh tế châu Á tại Capital Economics - cho biết.

Theo khảo sát của Caixin/S&P Global, chỉ số quản lý thu mua (PMI) ngành sản xuất toàn cầu của Trung Quốc ở mức 50 điểm trong tháng 3, thấp hơn nhiều so với dự báo của thị trường là 51,7 điểm và thấp hơn mức 51,6 điểm của tháng 2.

"Nền tảng cho sự phục hồi kinh tế vẫn chưa vững chắc. Trong tương lai, tăng trưởng kinh tế sẽ vẫn dựa vào sự thúc đẩy nhu cầu trong nước, đặc biệt là cải thiện trong tiêu dùng của hộ gia đình" - Wang Zhe - nhà kinh tế cấp cao tại Caixin Insight Group - nhận định về chỉ số PMI của Trung Quốc.

Chỉ số PMI của Hàn Quốc đã giảm từ 48,5 điểm trong tháng 2 xuống 47,6 điểm trong tháng 3, giảm với tốc độ nhanh nhất trong 6 tháng do các đơn hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi nhu cầu toàn cầu yếu.

Chỉ số PMI Nhật Bản đứng ở mức 49,2 điểm trong tháng 3, tăng so với mức 47,7 điểm của tháng 2 nhưng vẫn ở dưới ngưỡng 50 điểm do các đơn hàng giảm trong tháng thứ 9 liên tiếp.

Theo cuộc khảo sát của ngân hàng trung ương công bố ngày 3.4, trong hơn 2 năm, tâm lý của các nhà sản xuất lớn ở Nhật Bản đã trở nên tồi tệ trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3.

Đây là do nhu cầu nước ngoài yếu cộng thêm với cuộc đấu tranh của các công ty phải vật lộn với chi phí nguyên liệu thô tăng cao.

Công nhân làm việc tại một nhà máy xe điện ở thành phố Vu Hồ, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Reuters cho hay, Ấn Độ là điểm sáng hiếm hoi trong khu vực, lĩnh vực sản xuất của nước này mở rộng với tốc độ nhanh nhất trong ba tháng vào tháng 3 nhờ sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới được cải thiện.

Điều này cho thấy nền kinh tế của Ấn Độ có vị thế tốt hơn so với hầu hết các nước trong cùng khu vực để vượt qua suy thoái toàn cầu.

Nhu cầu chip yếu và những dấu hiệu mới về tăng trưởng toàn cầu chậm lại là những rủi ro đối với nhiều nền kinh tế châu Á.

Sự sụp đổ vào tháng trước của 2 ngân hàng Mỹ và việc UBS mua lại Credit Suisse làm tăng thêm sự bất ổn về triển vọng kinh tế toàn cầu khi gây hỗn loạn thị trường và tạo ra những lỗ hổng trong hệ thống tài chính thế giới.

Trong khi các dấu hiệu cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ sớm tạm dừng chu kỳ thắt chặt, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn bất ổn bởi những rắc rối của ngành ngân hàng, lạm phát vẫn ở mức cao và tăng trưởng toàn cầu chậm lại.

Những áp lực bên ngoài và sự bất ổn kinh tế khiến một số nước xuất khẩu lớn ở châu Á dễ bị tổn thương vào thời điểm các doanh nghiệp đang tìm cách phục hồi sau thời kỳ suy thoái kéo dài do COVID-19 gây ra.

“Do lãi suất cao hơn vẫn chưa ảnh hưởng đến các nền kinh tế tiên tiến, chúng tôi dự đoán tăng trưởng toàn cầu và nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của châu Á sẽ vẫn yếu trong những quý tới” - chuyên gia Shivaan Tandon chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn