MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoạt động sản xuất của Mỹ, châu Âu và Trung Quốc liên tục có dấu hiệu sụt giảm. Ảnh: AFP

Hoạt động sản xuất ảm đạm của các nền kinh tế lớn nhất thế giới

Thảo Phương LDO | 14/06/2023 21:00
Các nền sản xuất lớn nhất thế giới đang phải đối mặt với nhu cầu suy thoái khi triển vọng kinh tế trở nên u ám.

Theo công ty dữ liệu S&P Global, các nhà máy tại Mỹ và châu Âu đã báo cáo sự sụt giảm các đơn đặt hàng trong tháng 5 đầu năm 2023. Hiện chưa rõ những sản phẩm đang tồn dư cùng vốn gia tăng trong ngày đầu của khủng hoảng sẽ duy trì ngành sản xuất toàn cầu trong bao lâu.

Dữ liệu của S&P Global thông tin, lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã rơi vào tình trạng thu hẹp trong tháng 5. Một cuộc khảo sát tương tự của Viện Quản lý Cung ứng cũng cho thấy hoạt động của ngành này đã sụt giảm tháng thứ 7 liên tiếp.

Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, những gì đang diễn ra có thể là khởi đầu của một đợt suy thoái mới. Bộ Thương mại Mỹ báo cáo rằng, các đơn đặt hàng của nhà máy đã giảm tháng thứ ba liên tiếp tính đến tháng 4, trừ lĩnh vực quân sự

Đối với các nhà sản xuất ở khu vực đồng euro, sản lượng và đơn đặt hàng mới đều giảm trong tháng 5 do lĩnh vực sản xuất thu hẹp với tốc độ nhanh hơn dự kiến. Sản xuất công nghiệp của khu vực châu Âu đã giảm mạnh trong tháng 3, chủ yếu là do sự sụt giảm tại Ireland. 

Công nhân trong một nhà máy của SMC tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Xinhua

Các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất lớn nhất thế giới của Trung Quốc đã được cải thiện trong tháng 5, theo Chỉ số giá sản xuất (PMI) của Caixin. Điều này khiến những nhà đầu tư từng lo ngại tăng trưởng đang chững lại ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phần nào tạm thời nhẹ nhõm.

Tuy nhiên, những dữ liệu gần đây cho thấy xuất khẩu từ Trung Quốc đã giảm 7,5% trong tháng 5 so với cùng kì năm ngoái - mức giảm lớn nhất kể từ tháng 1.2023.

Số liệu thương mại không ổn định của Trung Quốc phản ánh nhu cầu yếu đối với nền kinh tế hàng hóa nước này. Bên cạnh những khó khăn kinh tế, quốc gia tỉ dân còn phải đối mặt với tỉ lệ thất nghiệp gia tăng và sự ảm đạm trong lĩnh vực bất động sản.

Theo PMI của JPMorgan, sự lạc quan của các nhà sản xuất trên toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.

Ariane Curtis - nhà kinh tế học tại Capital Economics - nhận định: “Mặc dù hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đã được cải thiện phần nào trong tháng 5, song điều đó chủ yếu là do tăng trưởng mạnh mẽ ở một số thị trường lớn mới nổi. Triển vọng của ngành sản xuất vẫn ảm đạm, đặc biệt là khi các đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm mạnh”.

Nguyên nhân dẫn đến sự bất ổn định trong ngành sản xuất một phần do thói quen tiêu dùng bị ảnh hưởng trong đại dịch.

Các nhà kinh tế cho hay, sự thay đổi đang diễn ra đối với chi tiêu dịch vụ, cùng các điều kiện tài chính thắt chặt hơn do nhiều ngân hàng trung ương tăng lãi suất, gây khó khăn cho các nhà sản xuất hàng hóa.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, việc mở cửa trở lại của Trung Quốc sau nhiều năm hạn chế đại dịch được kì vọng sẽ mang lại “động lực mới” cho nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không mạnh như kì vọng, khả năng Trung Quốc “kéo” tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang tuột dốc.

Kinh tế Trung Quốc không khôi phục mạnh như kì vọng. Ảnh: Xinhua

“Chúng tôi nhận thấy nhu cầu đối với hàng hóa trên toàn cầu đang sụt giảm do sự tăng tốc trong quá trình chuyển đổi từ hàng hóa sang dịch vụ. Có rất nhiều dự đoán về việc Trung Quốc mở cửa trở lại, nhưng rõ ràng là điều đó đã không thành hiện thực” - Tom Garretson, chiến lược gia danh mục đầu tư cao cấp tại RBC Wealth Management US, nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn