MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khung cảnh Hong Kong nhìn từ trên cao. Ảnh: Xinhua

Hong Kong đối mặt nguy cơ chảy máu chất xám công nghệ

Thanh Hà LDO | 27/02/2023 07:53

Hong Kong (Trung Quốc) đang đối mặt với nguy cơ chảy máu chất xám không thể đảo ngược, East Asia Forum nhận định.

Những con số đáng chú ý

Dữ liệu điều tra dân số mới nhất của Hong Kong vẽ nên một bức tranh ảm đạm về xu hướng nhân khẩu học ở đây.

Năm 2022, Hong Kong ghi nhận tỉ lệ mất dân số ròng cao nhất và tỉ lệ sinh thấp nhất kể từ năm 1991, đẩy độ tuổi trung bình từ 31,6 lên 43,6 trong khoảng thời gian 30 năm này. 

Một báo cáo dân số khác về vị trí việc làm và tuyển dụng phác thảo bức tranh thậm chí còn ảm đạm hơn. So sánh dữ liệu từ tháng 9.2022 với tháng 1.2022, số lượng việc làm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, tài chính và bảo hiểm lần lượt giảm 2,9% và 3,2%. 

Đồng thời, số lượng vị trí việc làm còn trống trong 2 lĩnh vực này tăng vọt lên mức khổng lồ, lần lượt là 31,9% và 19,1%. 

Người dân trên phố Ma On Shan ở Hong Kong. Ảnh: Xinhua 

Dù không có những khẳng định công khai về vấn đề "chảy máu chất xám" nhưng thực tế trong số 142.000 người Hong Kong đã nộp đơn xin thị thực Công dân Anh (ở nước ngoài) của Vương quốc Anh cho đến thời điểm hiện tại, có 38.600 người dưới 18 tuổi, 32.600 người từ 35 đến 44 tuổi và 27.800 người ở độ tuổi từ 45 đến 54. Ngày 31.1.2023, tròn 2 năm triển khai chương trình thị thực này, Bộ Nội vụ Vương quốc Anh thông báo, nước này đã chào đón 144.500 người nhập cư từ Hong Kong. 

Trẻ tuổi, học vấn cao

Đại đa số người Hong Kong di cư đều có trình độ học vấn cao, với 37,3% có bằng đại học và 32,2% có bằng thạc sĩ, theo một khảo sát gần đây. Ngoài Anh, các quốc gia khác, như Australia và Canada, cũng đang thu hút lượng nhỏ hơn nhưng đáng kể những người trẻ tuổi và có học thức cao có thu nhập cao từ Hong Kong di cư tới. 

East Asia Forum chỉ ra, lĩnh vực công nghệ của Hong Kong đang có ít lý do để giữ chân nhân tài ở lại. Chính quyền Hong Kong đã nỗ lực trong 2 thập kỷ qua để tập trung vào chiến lược phát triển công nghệ, nhưng chưa gặt hái thành quả trong việc đào tạo hoặc thu hút nhân tài địa phương cũng như nhân tài từ nước ngoài hoặc tạo dựng sức hấp dẫn của Hong Kong với các hãng công nghệ từ Trung Quốc đại lục cũng như trên toàn cầu. 

Thêm vào đó, dù lĩnh vực công nghệ ở Hong Kong thiếu nhân sự nhưng chính quyền vẫn hối thúc công dân tới Trung Quốc đại lục tìm kiếm cơ hội. Dù có những lỗ lực trên, khảo sát gần đây cho biết, 79% số người được hỏi không quan tâm đến việc làm việc hoặc sinh sống ở Trung Quốc đại lục.

Các chính sách công nghệ của chính quyền Hong Kong ưu tiên chi hàng tỉ đô la Hong Kong cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Trong nhiều thập kỷ hình thành, Công viên Công nghệ và Đổi mới Hong Kong - Thâm Quyến ở Lok Ma Chau Loop đã tiêu tốn hơn 52,5 tỉ đô la Hong Kong (6,7 tỉ USD) chỉ để lập kế hoạch và xây dựng 8 tòa nhà đầu tiên. Công viên này sẽ không hoạt động cho đến cuối năm 2024.

Nhu cầu quản lý cấp trung

Hong Kong đã học theo các nền kinh tế châu Á khác như Singapore trong nỗ lực thu hút nhân tài, thiết lập một "cửa sổ dịch vụ trực tuyến" cho những người có thu nhập cao hoặc sinh viên tốt nghiệp từ 100 trường đại học hàng đầu thế giới.

Chính quyền Hong Kong cho hay, trong vòng một tuần kể từ khi ra mắt, chương trình đã nhận được 2.600 đơn đăng ký, 1.400 trong số đó đã được phê duyệt. Hong Kong đặt mục tiêu thu hút 35.000 nhân tài trong vòng 3 năm tới.

Tuy nhiên, điều mà Hong Kong cần nhất là các kỹ sư và nhà quản lý cấp trung mà nơi này mất đi chứ không phải đội ngũ tinh hoa. Trong bảng xếp hạng thành phố cho người nước ngoài năm 2022, Hong Kong xếp thứ 46 trong số 50 thành phố được khảo sát.

Hong Kong hiện hấp dẫn lao động từ Trung Quốc đại lục, nơi tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên, bao gồm cả sinh viên tốt nghiệp đại học, lên tới 20%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn