MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà để tro hoả táng Shan Sum ở Hong Kong. Ảnh chụp màn hình

Hong Kong thu hút công ty tư nhân xây nơi an nghỉ cho người đã khuất

Thanh Hà LDO | 28/06/2023 11:50

Với tiền sảnh đá cẩm thạch trắng và đèn chùm lộng lẫy, toà tháp 12 tầng của nhà để tro hoả táng Shan Sum ở Hong Kong (Trung Quốc) có thể bị nhầm với một trong những khách sạn mới nhất của thành phố.

Tuy nhiên, toà tháp này là nơi an nghỉ cuối cùng của hàng nghìn người tại một trong những thành phố đông đúc nhất thế giới.

Có 7,3 triệu cư dân Hong Kong sinh sống trong đô thị đông đúc này. Trước đây, các gia đình có tang phải chờ nhiều năm để có được chỗ đặt tro cốt của người thân đã khuất.

Nhà để tro hoả táng Shan Sum khai trương hồi tháng 5 năm nay. Nhà để tro hoả táng đặt mục tiêu cung cấp 23.000 vị trí đựng bình tro cốt.

Cơ sở này nằm trong nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của chính quyền Hong Kong nhằm thu hút các công ty tư nhân tham gia vào lĩnh vực coi sóc nơi an nghỉ của người đã khuất.

Từ giữa những năm 2010 khi dân số ở Hong Kong già và có tỉ lệ tử vong vượt quá khả năng chứa tro cốt tại các cơ sở của chính quyền, chính sách này đã phát huy hiệu quả, theo SCMP.

Tòa nhà hiện đại, kiểu dáng đẹp của Shan Sum là công trình do kiến trúc sư người Đức Ulrich Kirchhoff, 52 tuổi, thiết kế. Ông đã tìm cách pha trộn các yếu tố thiên nhiên vào một không gian mật độ cao để tạo ra "cảm giác làng xóm".

“Đó là một toà chung cư dành cho người chết. Nó mang lại cảm giác như một khu dân cư khăng khít hơn” - ông nói.

Kiến trúc sư Kirchhoff thiết kế các phòng để tro hoả táng lấy cảm hứng từ nghĩa địa truyền thống của Trung Quốc, thường đặt ở sườn núi. Tro cốt tại cơ sở này được cất giữ trong các ngăn trang trí công phu, một số ngăn nhỏ có kích thước 26 cm x 34 cm xếp dọc theo các bức tường của buồng có điều hoà nhiệt độ.

Ông Kirchhoff thiết kế các phòng ở mỗi tầng để mang lại sự thân mật, trái ngược với sự chật chội của các nhà để tro cốt hoả táng công cộng.

Giống như các căn hộ ở Hong Kong, giá thuê những nơi đặt tro cốt này không hề rẻ, khiến chúng nằm ngoài tầm với của hầu hết mọi người. Lựa chọn cơ bản dành cho 2 người tại Shan Sum được bán với giá 58.000 USD, trong khi gói cao cấp nhất, dành cho cả gia đình, có giá gần 3 triệu USD.

Thu nhập hộ gia đình trung bình hàng tháng ở Hong Kong là khoảng 3.800 USD, theo dữ liệu của chính quyền.

Những nơi như Shan Sum được tạo ra để giải quyết tình trạng thiếu chỗ đặt bình đựng tro cốt của Hong Kong một thập kỷ trước. Vào thời điểm đó, tro cốt thường được cất giữ nhiều năm trong các ngăn tại nhà tang lễ hoặc đặt tại những cơ sở chứa tro cốt không có giấy phép ở nhà thờ hoặc những nhà máy được tân trang lại khi chờ nhà để tro hoả táng này mở cửa.

Hiện nay, khoảng 95% người chết ở Hong Kong được hỏa táng mỗi năm khi các tập tục xã hội đang thay đổi.

Giới chức Hong Kong ước tính số ca tử vong sẽ tăng 14% lên 61.100 ca mỗi năm vào năm 2031. Các quan chức nói rằng, thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc tăng nhu cầu vị trí đặt tro cốt.

Có khoảng 25% chỗ trống trong 425.000 nhà để tro cốt công cộng ở Hong Kong hiện nay. Bên cạnh đó, có nhiều cơ sở công cộng và tư nhân khác đang được xây dựng.

Năm 2022, Wing Wong, 43 tuổi, đưa cha bà tới yên nghỉ tại Tsang Tsui Columbarium - khu phức hợp rộng 4.800 m2 ở phía tây bắc của Hong Kong. Cơ sở này bắt đầu đưa vào sử dụng từ năm 2021. Gia đình đã chọn đặt tro cốt cha bà trong địa điểm do chính quyền điều hành vì phong thủy tốt, giá cả phải chăng.

“Mất đi người thân yêu đã đủ đau đớn. Nếu không tìm được chỗ đặt tro cốt, không biết phải đợi bao lâu thì sẽ là cực hình với người thân. Cha tôi từng nói ông muốn có tầm nhìn ra biển. Vị trí đặt tro cốt của ông hướng ra biển và chúng tôi cảm thấy đó là điều ông muốn" - bà Wong nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn