MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổ máy điện số 4 và 5 của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Energodar, Vùng Zaporizhzhia, Ukraina. Ảnh: Sputnik

IAEA có ngăn được thảm họa hạt nhân kiểu Chernobyl ở Ukraina?

Ngọc Vân LDO | 05/09/2022 20:00
Phái đoàn IAEA thanh sát nhà máy hạt nhân lớn nhất Châu Âu ở Ukraina nhằm ngăn chặn một thảm họa hạt nhân kiểu Chernobyl.

Phái đoàn IAEA rời nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia

Phái đoàn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã rời nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (ZNPP) ở Energodar, Vùng Zaporizhzhia do Nga kiểm soát ở Ukraina - TASS đưa tin ngày 5.9.

Renat Karchaa - chuyên gia hạt nhân người Nga đi cùng phái đoàn - cho biết hai trong số các thành viên của IAEA sẽ ở lại ZNPP. Tuần trước, Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi tuyên bố cơ quan này sẽ “thiết lập sự hiện diện liên tục” ở đó.

Theo kênh truyền hình Russia 24, IAEA sẽ công bố kết quả điều tra vào ngày 6.9.

Đoàn công tác rời ZNPP sớm hơn dự kiến. Vladimir Rogov - một thành viên của chính quyền quân sự-dân sự do Nga kiểm soát - nói với RIA Novosti rằng phái đoàn đã được cung cấp mọi sự hỗ trợ có thể.

Mục tiêu chính của phái bộ IAEA tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là đánh giá tình trạng của cơ sở này, trao đổi với cả nhân viên Nga và Ukraina. Trong quá trình kiểm tra, ông Grossi xác nhận nhà máy đã chịu một số thiệt hại, nhưng không nói rõ là do bên nào gây ra.

Xe chở các thành viên của IAEA rời thành phố Zaporizhzhia. Ảnh: AFP

Pháo kích

Các lực lượng Nga giành quyền kiểm soát nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia vào tháng 3 năm 2022. Một trận hỏa hoạn lớn bùng phát gần nhà máy trong cùng tháng, sau đó ZNPP bị pháo kích nhiều lần, nhưng đó chỉ là bước khởi đầu. Gần đây, lượng tin tức đáng báo động về cơ sở này ngày càng nhiều.

Nga cáo buộc Ukraina đang cố tình nhắm vào nhà máy. Nỗ lực tấn công gần nhất là vào ngày 1.9, khi đại diện của phái bộ IAEA có mặt tại đây.

Hậu quả của cuộc tấn công là chỉ còn một trong số sáu lò phản ứng hoạt động trong phần lớn thời gian trong ngày. 4 lò phản ứng bị buộc phải ngừng hoạt động sớm hơn.

Trước đó, vào ngày 25.8, một đám cháy trong các hố tro bụi ở nhà máy điện than gần đó đã ngắt kết nối tổ hợp lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Châu Âu khỏi lưới điện. May mắn là đường dây cung cấp điện thường xuyên cuối cùng cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đã được khôi phục lại vài giờ sau khi bị ngắt điện. Nga và Ukraina đổ lỗi cho nhau về các vụ pháo kích nhằm vào nhà máy.

Đổ lỗi cho nhau

Theo RT, Mỹ và các đồng minh phương Tây cho đến nay vẫn kiềm chế khi đổ lỗi trực tiếp cho Nga. Bonnie Jenkins - quan chức phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế của Mỹ - cho biết bà không thể đưa ra bất kỳ xác nhận nào về vụ pháo kích đến từ đâu. Tuy nhiên, bà kêu gọi Nga rút lui và trả lại nhà máy cho Ukraina. Một tuyên bố chung của 42 quốc gia cũng đã kêu gọi Mátxcơva làm như vậy vào giữa tháng 8.

Những gì cộng đồng quốc tế có thể đạt được cho đến nay là cử một phái bộ của IAEA đến nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia vào ngày 1.9. Nhóm này bao gồm các chuyên gia từ Ba Lan, Lithuania, Serbia, Trung Quốc, Pháp, Italia, Jordan, Mexico, Albania và Bắc Macedonia. Do lo ngại rằng giao tranh trong khu vực có thể dẫn đến thảm họa, phái đoàn đã kiểm tra tình trạng của ZNPP và đo mức độ bức xạ. Phái đoàn cũng đã mang đến những phụ tùng thay thế quan trọng cho nhà máy.

Một quân nhân Nga đứng gác gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: AP

Chuyên gia năng lượng hạt nhân Valentin Gibalov cho biết mục tiêu chính của IAEA là tiến hành kiểm kê vật liệu phóng xạ và hạt nhân, vì cơ quan này không có đủ năng lực để tác động đến cuộc giao tranh chứ chưa nói đến việc ngăn chặn hoàn toàn.

Liệu nhà máy có tồn tại được không?

Quyết định xây dựng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia được Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô thông qua vào năm 1977. Nhà máy này có sáu lò phản ứng nước áp lực VVER, tạo ra tổng công suất khoảng 6.000 MW, là lò phản ứng mạnh nhất ở Châu Âu. Lò phản ứng đầu tiên trong số sáu lò phản ứng của nhà máy được đưa vào hoạt động vào cuối năm 1984, chưa đầy 18 tháng trước khi xảy ra thảm họa Chernobyl.

Theo Valentin Gibalov, nhà máy 40 năm tuổi này dễ bị tổn thương hơn đáng kể trước các mối đe dọa từ bên ngoài so với một cơ sở hiện đại. Nhưng ngay cả ngày nay, việc bảo vệ 100% khỏi các cuộc tấn công quân sự sẽ là phi thực tế.

“Các cuộc tấn công ồ ạt vào nhà máy Zaporizhzhia có thể dẫn đến tình trạng khẩn cấp về hạt nhân ở cấp độ Fukushima” - ông Gibalov nói.

Quang cảnh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ba ngày sau vụ nổ ngày 29.4.1986 ở Chernobyl, Ukraina. Ảnh: Getty

Các tình huống có thể xảy ra

Vladimir Rogov - thành viên của chính quyền quân sự-dân sự Vùng Zaporizhzhia - ngày 29.8 báo cáo rằng một cuộc tấn công của Ukraina đã xuyên thủng mái của Đơn vị Đặc biệt 1 - được sử dụng để lưu trữ nhiên liệu mới cho các lò phản ứng. Ông Gibalov nói rằng những sự cố như vậy không gây ra mối đe dọa ngay lập tức.

Tuy nhiên, ông cho biết thêm, nhà máy cũng có kho chứa nhiên liệu đã qua sử dụng, nơi mức độ phóng xạ gây ra mối đe dọa lớn hơn nhiều. Chẳng hạn, một quả đạn 155 mm trúng trực tiếp có thể phá hủy kho chứa này. Nhưng nếu chỉ tấn công gần đó, sẽ không có gì xảy ra.

Một kịch bản nguy hiểm hơn sẽ là cuộc tấn công phá hủy các tòa nhà chứa lò phản ứng. Điều này hoàn toàn không thể được thực hiện một cách tình cờ, đây sẽ là một hoạt động có chủ ý để tạo ra một thảm họa phóng xạ. “Tôi hy vọng rằng không bên nào muốn thấy các sự cố diễn ra một cách thảm khốc. Nhưng người ta chỉ có thể hy vọng” - ông Gibalov nói.

Theo phó giáo sư Sergey Mukhametov của Đại học Mátxcơva, nếu một lò phản ứng bị nổ, chính quyền địa phương sẽ phải sử dụng các phương pháp được sử dụng để quản lý vụ tai nạn Chernobyl. Tùy thuộc vào quy mô, họ sẽ phải áp đặt một vùng cấm địa mới (exclusion zone). Không kịch bản nào có thể được loại trừ.

Tác động của một vụ tan chảy nếu xảy ra tại nhà máy Zaporizhzhia sẽ phụ thuộc vào vị trí chính xác phóng xạ sẽ được giải phóng vào không khí hoặc nước. Ông Mukhametov nói rằng tất cả các quốc gia xung quanh Ukraina có thể bị ảnh hưởng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn