MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ảnh: Tân Hoa Xã

Iran - Trung Quốc củng cố hợp tác chiến lược

Thanh Hà LDO | 14/02/2023 20:26

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đến Trung Quốc ngày 14.2, bắt đầu chuyến thăm 3 ngày nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, củng cố quan hệ song phương cũng như trao đổi về một số vấn đề khác. 

Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Tổng thống Ebrahim Raisi tới Trung Quốc, đồng thời là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một tổng thống Iran sau 20 năm. 

Quan hệ hữu nghị truyền thống

Tổng thống Ebrahim Raisi sẽ hội đàm riêng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thủ đô Bắc Kinh, hai bên dự kiến ký một số "văn bản hợp tác", Tehran cho biết. Ông Ebrahim Raisi và ông Tập Cận Bình gặp nhau lần đầu tiên vào tháng 9 năm ngoái tại Uzbekistan trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, trong đó tổng thống Iran đã kêu gọi mở rộng quan hệ song phương. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho hay, ông Raisi cũng sẽ gặp Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư. "Trung Quốc và Iran có quan hệ hữu nghị truyền thống. Đây là sự lựa chọn chiến lược của hai bên để củng cố và phát triển quan hệ Trung Quốc - Iran" - ông Uông Văn Bân nói. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết thêm, Bắc Kinh muốn "đóng vai trò mang tính xây dựng trong tăng cường sự thống nhất và hợp tác của các quốc gia ở Trung Đông cũng như thúc đẩy an ninh và ổn định khu vực".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tại Samarkand, Uzbekistan tháng 9.2022. Ảnh: Tân Hoa Xã

Iran và Trung Quốc có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ, đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, thương mại và đầu tư. Năm 2021, hai nước ký một "hiệp ước hợp tác chiến lược" kéo dài 25 năm.

Theo  Al Jazeera, các quan chức cấp cao của Iran, bao gồm cả tân thống đốc ngân hàng trung ương và nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu tháp tùng Tổng thống Raisi trong chuyến công du Trung Quốc 3 ngày của ông.

Trong phái đoàn cũng có 6 thành viên trong nội các của ông Raisi, bao gồm các bộ trưởng kinh tế, dầu khí, ngoại giao, thương mại, giao thông và phát triển đô thị, nông nghiệp. Đoàn tháp tùng lớn này được truyền thông đánh giá là đã hé lộ nhiều ưu tiên trong chuyến công du Trung Quốc của nhà lãnh đạo Iran - người lên nắm quyền từ tháng 8.2021. 

Trong bài viết của Tổng thống Raisi xuất bản ngày 13.2 trên báo giới Trung Quốc, nhà lãnh đạo Iran hoan nghênh việc mở rộng quan hệ song phương. 

Ông Mohammad Jamshidi - phụ tá phụ trách các vấn đề chính trị của Tổng thống Ebrahim Raisi - chia sẻ với truyền thông nhà nước Iran ngày 12.2 rằng, mục tiêu chính của chuyến đi là “hoàn thiện các cơ chế vận hành” của thỏa thuận hợp tác toàn diện 25 năm mà hai nước ký năm 2021. 

Đầu năm 2022, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amirabdollahian nói rằng, thỏa thuận đã bước vào giai đoạn thực hiện nhưng cho đến thời điểm đó vẫn chưa có hợp đồng hay dự án lớn nào được công bố theo thỏa thuận bởi Iran vẫn đang chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ. 

Theo một quan chức đầu tư của Iran, Trung Quốc đầu tư 162 triệu USD vào nền kinh tế Iran trong năm đầu tiên ông Raisi làm tổng thống, ít hơn cả Afghanistan và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Iran.

Dữ liệu hải quan Iran trong 10 tháng tính tới tháng 3.2023 cho thấy xuất khẩu của Iran sang Trung Quốc đạt 12,6 tỉ USD, trong khi nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt 12,7 tỉ USD. 

Trung Quốc cũng tiếp tục mua dầu từ Iran nhưng khối lượng chính xác không được tiết lộ. Một số công ty theo dõi dữ liệu tiết lộ, xuất khẩu dầu của Iran đạt mức cao mới trong hai tháng cuối năm 2022 và có một khởi đầu mạnh mẽ cho năm 2023.

Cùng với Nga, Trung Quốc cũng ra tín hiệu ủng hộ nỗ lực của Iran gia nhập khối BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Thỏa thuận hạt nhân Iran

Trung Quốc là một bên ký Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) - thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran với các cường quốc thế giới bao gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp và Đức. Mỹ đã rút khỏi thoả thuận này từ năm 2018.

Tháp tùng Tổng thống Iran Raisi thăm Trung Quốc có Ali Bagheri Kani - nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của đất nước, người đã tổ chức các cuộc đàm phán với phương Tây nhằm khôi phục thoả thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, cuộc đàm phán bắt đầu từ đầu năm 2021 tới nay vẫn bế tắc. 

Theo truyền thông Trung Đông, việc nhà đàm phán Kani có mặt trong đoàn tháp tùng tổng thống có thể là tín hiệu cho thấy, đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran cũng có thể là một phần quan trọng của chuyến thăm Trung Quốc. Washington gần đây công khai khẳng định các cuộc đàm phán hạt nhân hiện không phải là ưu tiên hàng đầu.

Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Raisi cũng diễn ra sau khi Tehran triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại nước này vào tháng 12.2022 để bày tỏ quan điểm sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình ra tuyên bố chung với lãnh đạo các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).

Tuyên bố của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh mà Trung Quốc ký kết nêu quan điểm về sự hiện diện của Iran trong khu vực và chương trình hạt nhân, đồng thời có nội dung đặt câu hỏi về quyền sở hữu của Iran với 3 hòn đảo ở eo biển Hormuz.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn