MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà máy Freeport LNG ở Texas đóng cửa sau vụ cháy nổ ngày 8.6. Ảnh chụp màn hình

Khách mua LNG điêu đứng vì động thái của nhà máy hàng đầu thế giới ở Mỹ

Thanh Hà LDO | 11/08/2022 07:24
Nhà xuất khẩu khí đốt hàng đầu của Mỹ, Freeport LNG, đã rút lại tuyên bố bất khả kháng đưa ra sau vụ nổ nhà máy vào tháng 6. Động thái này có thể khiến khách hàng của nhà máy thiệt hại hàng tỉ USD. 

Tin Freeport LNG rút lại tuyên bố bất khả kháng được Reuters dẫn từ một tài liệu và 3 công ty giao dịch khí đốt ngày 10.8. 

Bất khả kháng là thông báo mô tả các sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty, như thiên tai, qua đó giúp công ty thoát khỏi nghĩa vụ hợp đồng mà không bị phạt.

Tuyên bố bất khả kháng cũng cho phép khách mua LNG của Freeport được giải phóng khỏi các thỏa thuận của họ về việc cung cấp khí đốt cho người dùng cuối.

Tuy nhiên, với động thái của nhà máy LNG hàng đầu thế giới ở Mỹ, khách mua đang đối mặt với khoản lỗ tập thể lên tới 8 tỉ USD do phải tìm nguồn cung thay thế trong bối cảnh giá khí đốt ở thị trường giao ngay tăng cao, các nguồn tin của Reuters lưu ý. 

Các khách hàng của Freeport LNG đang vướng vào trở ngại này gồm: BP, TotalEnergies, Osaka Gas, nhà máy phát điện hàng đầu Nhật Bản JERA, SK Gas Trading của Hàn Quốc, Trafigura.

Cơ sở Freeport LNG ở Mỹ. Ảnh: FreeportLng.com

Freeport chiếm 20% lượng xuất khẩu LNG của Mỹ nhưng đã ngừng vận chuyển sau vụ nổ ngày 8.6, khiến giá khí đốt toàn cầu tăng vọt trong bối cảnh nguồn cung từ Nga sang Châu Âu giảm cùng các đợt ngừng hoạt động khác.

Freeport tuyên bố bất khả kháng vào ngày 9.6, trước khi rút lại thông báo vào khoảng cuối tháng 6 - 2 trong số 3 nguồn tin nói. Lý do cho động thái này của Freeport là vụ nổ xảy ra do lỗi của con người.

Freeport thông tin với một khách hàng ngày 8.8 rằng: “Không có sự kiện nào được tiết lộ cho thấy sự cố là do bất khả kháng".

Freeport không có khả năng trở lại hoạt động toàn diện cho tới cuối năm nay nhưng dự kiến hoạt động lại một phần vào tháng 10. Nếu không có tuyên bố bất khả kháng, công ty cần phải bồi thường cho khách hàng mua khí đốt và khách hàng của nhà máy này vẫn phải cung cấp khí đốt cho người dùng cuối.

Hai nguồn tin của Reuters cho hay, khách hàng trả cho Freeport khoảng 30-50 triệu USD cho mỗi chuyến hàng LNG, nhiên liệu sau đó được bán cho người dùng cuối với mức phí bảo hiểm thường lên tới vài triệu USD cho mỗi chuyến hàng. 

Theo giá thị trường giao ngay ngày 10.8, khách hàng của Freeport phải chi khoảng 100 triệu USD mua LNG để bù cho lượng hàng không nhận được khi nhà máy đóng cửa trong bối cảnh giá LNG tăng gấp đôi kể từ thời điểm vụ nổ xảy ra. 

Trên thực tế, Freeport đang cung cấp cho khách hàng khoản bồi thường khoảng 10% trị giá hàng hóa đã mua và chưa giao hoặc số tiền gộp khoảng từ 3 triệu đến 5 triệu USD cho mỗi lô hàng, theo 2 nguồn tin. 

Tamir Druz - Giám đốc điều hành của Capra Energy (một công ty tư vấn LNG) - cho biết: “Những tổn thất tiềm tàng mà Freeport có thể phải đối mặt có khả năng trong khoảng từ 6 đến 8 tỉ USD". 

Tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới BP ​​có hợp đồng lớn nhất với 4,4 triệu tấn mỗi năm (tấn/năm) đến năm 2040. JERA và Osaka Gas có hợp đồng 2,3 tấn mỗi năm đến năm 2039, trong khi SK và TotalEnergies mỗi bên có hợp đồng 2,2 tấn từ năm 2040, theo International Group of Liquefied Natural Gas Importers.

Chuyên gia Druz của Capra Energy chỉ ra, dựa trên việc Freeport bồi thường 10% cho mỗi hàng hóa bị mất, thiệt hại có thể lên tới khoảng 2,3 tỉ USD cho BP và 1,1 tỉ USD cho TotalEnergies.

Trong tháng 8, Osaka Gas đã giảm sâu dự báo lợi nhuận hàng năm do bị ảnh hưởng gần 80 tỉ yên (611 triệu USD) sau sự cố Freeport ngừng hoạt động riêng trong quý 2 của năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn