MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quá trình xây dựng Diefenbunker. Ảnh: Tư liệu Diefenbunker

Khám phá boongke chiến tranh hạt nhân ở Canada

Thanh Hà LDO | 28/01/2023 07:26
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Nga, khách du lịch đang đổ xô đến tìm hiểu về một boongke chiến tranh hạt nhân ở Canada. 

Ngay sau khi xung đột Nga - Ukraina, bà Christine McGuire - giám đốc điều hành của Diefenbunker: Bảo tàng Chiến tranh Lạnh của Canada - cho biết, đã nhận được câu hỏi liệu bảo tàng có còn hoạt động như một nơi trú ẩn tránh bụi phóng xạ hay không. 

Diefenbunker vẫn có hầu hết các hình thức và đặc điểm của nơi trú ẩn bụi phóng xạ hạt nhân như từng được xây dựng phục vụ các VIP của chính phủ và quân đội Canada.

Tuy nhiên, khu phức hợp dưới lòng đất đã ngừng hoạt động như một tài sản quân sự từ năm 1994. Giờ đây, bảo tàng do tư nhân điều hành là một trong số ít nơi trên thế giới mà du khách có thể tham quan boongke thời Chiến tranh Lạnh được xây dựng để làm nơi trú ẩn cho một chính phủ bị tấn công hạt nhân.

Khu đất sâu 4 tầng, rộng 9.300m2 với khoảng 350 phòng có vị trí đắc địa, tại làng Carp trong phạm vi thành phố Ottawa, Thủ đô Canada.

Kể từ khi bắt đầu được xây dựng vào năm 1959, boongke đã mang nhiều tên chính thức: Cơ sở Tín hiệu Quân đội Khẩn cấp, Trụ sở Chính phủ Khẩn cấp Trung ương và Trạm Lực lượng Canada Carp. Nhưng cơ sở này nổi tiếng với tên Diefenbunker theo tên của John Diefenbaker - thủ tướng đã phê chuẩn xây dựng cơ sở này. 

Boongke, ước tính trị giá 22 triệu đô la Canada theo tiền tệ năm 1958, tương đương khoảng 220 triệu USD ngày nay.

Nhìn từ bên ngoài, Diefenbunker trông giống như một sườn đồi đầy cỏ với một vài lỗ thông hơi nhô lên từ mặt đất, cùng một số ăng-ten, với một chiếc khá cao. Lối vào - được bổ sung vào những năm 1980 - là thông qua một tòa nhà bằng kim loại với cửa garage dạng cuộn mở ra đường hầm nổ - khu vực được thiết kế để hấp thụ năng lượng từ một quả bom ném xuống trung tâm thành phố Ottawa. Kéo dài 117m, đường hầm nổ kết nối với một bộ cửa, mỗi cửa nặng hàng tấn, tiếp đó là khu vực khử nhiễm mở ra phần còn lại của boongke.

Hầm nổ của Diefenbunker. Ảnh: AFP 

Theo New York Times, phần lớn nội thất của không gian tiện dụng và được chiếu sáng rực rỡ là sự phục hồi lại nguyên bản của boongke, vốn bị dỡ bỏ sau khi khu phức hợp ngừng hoạt động và được thay thế bằng các vật phẩm tương tự hoặc giống hệt nhau từ các boongke hoặc căn cứ quân sự nhỏ hơn.

Văn phòng và dãy phòng của thủ tướng được thiết kế phù hợp với tình hình chiến sự, nét sang trọng duy nhất của khu vực này là bồn rửa trong nhà vệ sinh màu ngọc lam.

Phòng nội các chiến tranh có một máy chiếu và bốn máy thu hình. Một phòng giao ban quân sự ngay bên cạnh có một máy chiếu theo dõi máy bay.

Boongke có những lớp sỏi dày bao quanh tất cả các mặt để giảm thiểu tác động của bất kỳ vụ nổ hạt nhân nào gần đó. Các thiết bị ống nước được gắn trên các tấm cao su dày và được nối với ống mềm chứ không phải ống dẫn vì lý do tương tự.

Khu vực an toàn nhất và được bảo vệ tốt nhất của boongke là một hầm phía sau một cánh cửa rộng lớn đến mức cần phải mở trước một cánh cửa thứ hai, nhỏ hơn để cân bằng áp suất không khí. Khu vực này vốn được dự định là nơi để ngân hàng trung ương của Canada đặt vàng nếu một cuộc tấn công sắp xảy ra.

Từ những năm 1970, kho này đã trở thành phòng tập thể dục. Trong boongke có một kho vũ khí nhỏ và từng bị một hạ sĩ đóng tại boongke đột nhập năm 1984 để lấy trộm một số lượng lớn vũ khí, bao gồm 2 khẩu súng tiểu liên và 400 viên đạn.

Khu phức hợp được thiết kế để lưu trữ đủ thực phẩm và nhiên liệu máy phát điện để hỗ trợ những người lưu lại trong boongke trong 30 ngày sau một cuộc tấn công hạt nhân, với giả định rằng khi đó mức độ phóng xạ trên mặt đất sẽ đủ thấp để mọi người có thể ra khỏi boongke.

Phòng nội các chiến tranh của Diefenbunker. Ảnh: AFP 

Có 540 thành viên dân sự và quân sự đã vận hành boongke theo ba ca trước khi cơ sở này ngừng hoạt động. Thủ tướng duy nhất tham quan Diefenbunker là Pierre Elliott Trudeau - cha của Thủ tướng Canada đương nhiệm Justin Trudeau - trên trực thăng quân sự năm 1976.

Hiện tại, du khách từ khắp Canada và nước ngoài đổ xô đến đây để trải nghiệm nơi trú ẩn thời Chiến tranh Lạnh. Trong khi các boongke từ các cuộc chiến tranh khác nhau nằm rải rác trên khắp thế giới và mở cửa cho du khách, thì những boongke thời Chiến tranh Lạnh lại ít phổ biến hơn nhiều. Một boongke đã ngừng hoạt động ở khu nghỉ dưỡng Greenbrier tại Tây Virginia, Mỹ, được xây dựng làm nơi trú ẩn cho tất cả thành viên của Quốc hội Mỹ, cho phép tham quan nhưng cấm điện thoại và máy ảnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn