MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chiếc khí cầu L-8 đã gặp nạn chỉ 5 tiếng sau khi cất cánh đi làm nhiệm vụ. Ảnh: Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ

Khí cầu ma và hai phi công "bốc hơi" trên bầu trời

Anh Vũ LDO | 06/10/2023 09:00

Một khí cầu tuần tra bờ biển của Hải quân Mỹ đã rơi gần nơi nó đang làm nhiệm vụ. Khi đội cứu hộ tới nơi, họ nhận ra hai phi công đã biến mất một cách bí ẩn.

6 giờ sáng ngày 16.8.1942, khinh khí cầu L-8 của Hải quân Mỹ cất cánh đi làm nhiệm vụ từ một sân bay nhỏ trên Đảo Treasure, một hòn đảo nhân tạo được xây dựng ở Vịnh San Francisco (Mỹ).

Trung úy Ernest DeWitt Cody và Thiếu úy Charles Ellis Adams đã lái khí cầu này đi làm nhiệm vụ mà không biết rằng mình sẽ sớm trở thành nhân vật chính của một kỳ án hơn 80 năm chưa có lời giải.

5 giờ sau khi cất cánh, chiếc L-8 đã gặp nạn trên một con phố ngoại ô ở thành phố Daly, California. Nó rơi ở một khu ngoại ô, làm hỏng các mái nhà và đứt dây điện, khiến việc giải cứu hai phi công gặp khó khăn. Đội cứu hỏa địa phương - đang làm nhiệm vụ chữa cháy tại một ngọn đồi gần đó - đã phải bỏ dở công việc để nhanh chóng đến hiện trường giải cứu hai phi công trên khinh khí cầu.

Thế nhưng, khi tới nơi, họ nhận ra không có ai để cứu trong vụ tai nạn này. Cả hai phi công đã “bốc hơi” không một dấu vết, để lại một vụ tai nạn khó hiểu, khiến báo chí Mỹ đặt cho nó cái tên: “Khí cầu ma”.

Vào thời điểm đó, Thế chiến thứ hai vẫn đang diễn ra, và người Mỹ đang lo ngại về các cuộc tấn công của Phát xít Nhật ở khu vực Bờ Tây của đất nước. Vì vậy, để đề phòng tàu ngầm của quân Phát xít, Hải quân Mỹ đã tập hợp một hạm đội khí cầu để tuần tra bờ biển.

Hầu hết các khí cầu mà Hải quân Mỹ sử dụng cho mục đích này đều là khí cầu dạng nhỏ. Không giống như khí cầu lớn, cứng và có khung kim loại bên trong, những chiếc khí cầu nhỏ như L-8 chỉ có một quả bóng chứa đầy khí, với một buồng lái điều khiển gắn bên dưới. Cũng vì sự đơn giản này, khí cầu có thể dễ dàng được vận hành bởi các đội bay nhỏ, chỉ 2 người.

Khi đội cứu hộ tới, hai phi công đã biến mất không dấu vết. Ảnh: Hiệp hội Lịch sử Moffett

Cody và Adams đều là những phi công lái khinh khí cầu giàu kinh nghiệm. Trung uý Ernest DeWitt Cody, 27 tuổi, đã tốt nghiệp Học viện Hải quân năm 1938. Trong khi đó, Thiếu úy Charles Ellis Adams, 34 tuổi, đã phục vụ trong Hải quân Mỹ hơn một thập kỷ và mới được bổ nhiệm làm sĩ quan.

Sau gần hai tiếng làm nhiệm vụ, phi hành đoàn thông báo qua radio rằng họ đã phát hiện một vết dầu loang dưới nước, một dấu hiệu đáng nghi và đang điều tra nó. Thế nhưng, đó là lần cuối cùng người ta nghe được thông tin từ hai người đàn ông trên chiếc L-8.

Khi L-8 không cập nhật thông tin, Hải quân Mỹ đã cử máy bay đi tìm kiếm. Một căn cứ quân sự gần đó báo cáo rằng khí cầu đã hạ cánh và hai phi công đã thoát ra ngoài. Thế nhưng, tin tức đó sớm được chứng minh là sai sự thật khi chiếc khí cầu được phát hiện gặp nạn.

Khi đội cứu hoả tới để giải cứu hai phi công trên khí cầu, họ nhận ra rằng, cửa của khoang điều khiển vẫn mở, radio vẫn hoạt động và đặc biệt, dù của họ vẫn còn nguyên. Thứ duy nhất mất tích cùng với phi hành đoàn là áo phao của họ và một trong những thiết bị chống tàu ngầm mà nó thường mang theo. Thế nhưng, thiết bị này sau đó đã được tìm thấy ở một sân golf gần đó.

Các nhân chứng trực tiếp theo dõi vụ tai nạn đã đưa ra những lời kể trái ngược nhau. Một số người khẳng định, họ không nhìn thấy ai trên khinh khí cầu.

Một người phụ nữ cưỡi ngựa trong khu vực cho biết, cô đã quan sát được ba người đàn ông trên khí cầu bằng ống nhòm. Một số người khác cho biết, đã nhìn thấy có người nhảy dù từ trên khí cầu.

Hải quân Mỹ đã tiếp tục tìm kiếm vùng biển ngoài khơi San Francisco trong nhiều ngày. Một giả thuyết lạc quan được đưa ra là Cody và Adams đã được cứu bởi một con tàu, vẫn chưa thể báo cáo về trung tâm chỉ huy. Tuy nhiên, nhiều ngày sau khi vụ tai nạn xảy ra, vẫn không có dấu vết nào của hai người đàn ông hoặc áo phao của họ được tìm thấy.

Thảm họa kỳ lạ này đã trở thành một câu chuyện đáng chú ý và trong nhiều thập kỉ sau đó, đã có những giả thuyết xuất hiện. Người dân Mỹ đã giải thích sự biến mất này theo nhiều cách. Người thì cho rằng họ đã bị quân Nhật bắt giữ. Người khác cho rằng họ đã bị sát hại bởi một kẻ trốn trên khí cầu. Thậm chí, có cả những người tin rằng hai sĩ quan Hải quân Mỹ đã giết nhau vì tranh giành một người phụ nữ hoặc bị người ngoài hành tinh bắt cóc.

Hơn 80 năm sau khi thảm họa xảy ra, người dân Mỹ vẫn chưa có câu trả lời xác đáng cho vụ mất tích giữa không trung đầy bí ẩn này. Chiếc khí cầu L-8 đã được sửa chữa và quay trở lại phục vụ Hải quân, nhưng phi hành đoàn của nó chưa bao giờ xuất hiện trở lại.

Khi Thế chiến thứ hai kết thúc, nó quay trở về với công ty Goodyear, nơi nó được tạo ra. Đến năm 1982 nó “về hưu” và phần khoang điều khiển được chuyển đến trưng bày ở Bảo tàng Hàng không Hải quân quốc gia Mỹ ở Pensacola, Florida.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn