MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thế hệ Gen Z Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Khi Gen Z Trung Quốc là sếp, bố mẹ là nhân viên

Song Minh LDO | 12/02/2023 12:00

Nhiều cô cậu thuộc thế hệ gen Z ở Trung Quốc thuê bố mẹ làm nhân viên, trở thành ông/bà chủ trẻ trong gia đình.

Tiễn những khách hàng cuối cùng trong ngày, chủ quán trà 27 tuổi Yao Qin bắt đầu trả lời các câu hỏi của khách hàng trực tuyến. Đứng gần Yao, nhân viên của cô đang bận đóng gói một số sản phẩm chè. Sau đó, họ cùng nhau ngồi bên bàn trà, trò chuyện và thưởng thức tách trà sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Nếu quan sát kỹ cách tương tác có thể thấy mối quan hệ của họ dường như thân thiết hơn nhiều so với sếp và nhân viên. Điều này là do khi Yao mở quán trà vào mùa hè năm ngoái, nhân viên duy nhất cô thuê là mẹ cô.

Không giống như những người Trung Quốc lớn tuổi tìm được việc làm ổn định với sự giúp đỡ của cha mẹ, thế hệ Z, hay còn gọi là thế hệ Gen Z (sinh từ những năm cuối thập niên 1990 đến những năm đầu thập niên 2010) ngày nay, những người có nhiều nhiệt huyết kinh doanh hơn, sẵn sàng bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình ngay sau khi tốt nghiệp.

Thậm chí, có em thuê bố mẹ làm nhân viên, trở thành ông/bà chủ trẻ trong gia đình. "Tôi sẽ tăng lương cho mẹ tôi khi công việc kinh doanh tốt hơn" - Yao cười nói.

Nhiều doanh nhân Gen Z nói với Hoàn cầu Thời báo, họ thường bắt đầu bằng việc tiếp quản công việc kinh doanh của cha mẹ mình - chẳng hạn như một cửa hàng quần áo - và sau đó chuyển đổi đáng kể để đáp ứng thị hiếu đang thay đổi của giới trẻ.

Mẹ của Yao từng điều hành một quán trà kiểu cũ ở quê - một huyện thuộc thành phố Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc. Yao không thích những quán trà truyền thống đầy khói thuốc, vì hầu hết khách hàng đều trên 40 tuổi và chủ yếu đến để mua các sản phẩm từ trà hơn là ngồi thưởng thức một bình trà.

Những quan niệm "lỗi thời"

"Điều này đã lỗi thời" - Yao nhận xét, nói rằng cô thích một quán trà yên tĩnh, giống như quán cà phê, nơi cô có thể phục vụ trà cho những khách hàng trẻ tuổi cũng như cà phê hoặc nước trái cây.

Tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, nhà thiết kế thời trang 25 tuổi Guan Yishu đã tiếp quản xưởng thiết kế quần áo của cha mẹ cô, nơi từng gần như đóng cửa do kinh doanh kém, rất có thể bắt nguồn từ các thiết kế lỗi thời.

Cha mẹ của Guan đều là những thợ may giàu kinh nghiệm, đặc biệt là mẹ cô, người biết thêu Shu truyền thống - kỹ thuật thêu những hoa văn phức tạp bằng chỉ lụa.

Hai nghệ nhân đã điều hành xưởng thiết kế trong hơn 20 năm, nhưng công việc kinh doanh xuống dốc, theo Guan, bởi vì thiết kế của họ "quá gò bó".

"Chúng tôi thực sự nghĩ đến việc đóng cửa khi họ chỉ có hai khách hàng trong ba tháng. Thiết kế của họ quá cũ và lỗi thời" - Guan lưu ý.

Cơ hội mới

So với thế hệ cha mẹ của họ, Gen Z dễ dàng tìm kiếm thông tin hơn trong thời đại kỹ thuật số và thường nhạy cảm hơn với những thay đổi trên thị trường.

Yao thuyết phục mẹ đóng cửa quán trà kiểu cũ. Sau đó, cô mở một quán trà mới được trang trí theo sự kết hợp giữa phong cách Trung Quốc và Nhật Bản ở khu trung tâm của thành phố vào tháng 5 năm 2022. Quán trà của Yao cấm hút thuốc.

Yao cho hay, quán trà của cô tập trung vào trải nghiệm uống trà hơn là bán các sản phẩm trà đóng gói. Tại quán trà của cô, hai người có thể thưởng thức một bình trà Pu'er (trà Phổ Nhĩ) với giá 35 nhân dân tệ (5 USD).

Yao nói với Hoàn cầu Thời báo: “Đây là một mức giá rất hấp dẫn, vì trà tôi cung cấp là loại Pu'er 10 năm tuổi rất ngon".

Hiện tại, 90% khách hàng của Yao dưới 30 tuổi.

“Một số khách hàng thậm chí còn viết thư động viên tôi. Sự hỗ trợ của họ mang lại cho tôi sự tự tin rằng tôi đang làm điều này đúng" - Yao cho hay.

Trong khi đó, với lợi thế là tình yêu của gia đình đối với thiết kế thời trang Trung Quốc, Guan đã làm sống lại studio của cha mẹ mình bằng cách tung ra bộ sưu tập "Trung Quốc sang trọng".

Bộ sưu tập "Khoảnh khắc tuyệt đối" của studio pha trộn thêu Shu với các thiết kế hợp thời trang. Các thiết kế lấy cảm hứng từ thêu Shu như hoa mẫu đơn và cá chép koi có thể được tìm thấy trên áo khoác bomber và quần jean lớn và mũ bucket lấy cảm hứng từ nhạc rap.

Guan nói, những sản phẩm này đặc biệt phổ biến trong giới trẻ. Là một phần trong chiến lược kinh doanh của mình, Guan cũng đã quảng bá sản phẩm thông qua phát trực tiếp (livestream) để tiếp cận cơ sở khách hàng rộng lớn hơn ở Trung Quốc và thậm chí cả nước ngoài.

"Khi tôi đăng các tác phẩm của mình lên Instagram, tôi nhận được thông báo rằng, một thương hiệu văn hóa đại chúng thời thượng muốn hợp tác. Tôi đoán đó là cách văn hóa Trung Quốc đã cứu tôi khỏi phá sản".

Tiền có quan trọng không?

Đôi khi, việc Gen Z tham gia kinh doanh không chỉ có thể vực dậy một cửa hàng mà còn mang lại cho cha mẹ họ một cuộc sống mới.

Jun Xiuming điều hành một quầy bán sữa ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam miền trung Trung Quốc và đã thuê mẹ cô làm nhân viên.

"Mẹ tôi ở nhà nội trợ hàng chục năm. Bà chưa bao giờ đi làm cho đến khi tôi thuê bà. Lúc đầu tôi nghĩ, bà có thể không đảm đương được quá nhiều việc, đặc biệt là tính toán và sổ sách" - Jun nhớ lại.

Tuy nhiên, tài năng quản lý điều hành cửa hàng của mẹ cô sau này đã gây ấn tượng với Jun bởi sự am hiểu về các sản phẩm và cách cư xử hòa nhã với mọi khách hàng mà không nhân viên nào trong cửa hàng của cô có thể sánh kịp. "Đây có lẽ là điểm sáng nhất của mẹ tôi mà suýt nữa có thể đã bị chôn vùi mãi mãi" - Jun nói.

Trong khi đó, Guan đã mua cho bố mẹ một căn nhà có sân nhỏ trị giá khoảng 350.000 nhân dân tệ.

Thế hệ Z, hay còn gọi là thế hệ Gen Z, là thế hệ đầu tiên lớn lên với sự tiếp cận Internet cùng các thiết bị kỹ thuật số và điện tử từ nhỏ. Các thành viên của thế hệ Z còn được mệnh danh là những "công dân thời đại kỹ thuật số".

Các nhà nghiên cứu và các phương tiện truyền thông phổ biến nhận định, khoảng thời gian thế hệ này sinh ra là từ năm 1995 đến năm 2012 (theo một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Pew), hoặc từ những năm cuối thập niên 1990 đến những năm đầu thập niên 2010.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn