MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Singapore trở thành ngôi sao châu Á sau đại dịch với những khoản đầu tư triệu USD. Ảnh: Government of Singapore

Kịch bản “2 Singapore” khi khoảng cách giàu nghèo tăng mạnh

Thảo Phương LDO | 13/03/2023 12:00

Khoảng cách giàu nghèo tại Singapore ngày càng nổi bật khi người dân phải vật lộn với chi phí sinh hoạt và sự cạnh tranh trong công việc.

Theo SCMP, chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, Singapore thu hút sự chú ý của giới siêu giàu với các văn phòng gia đình cùng những khoản đầu tư triệu USD. Carmen Wee - một người Singapore ngoài 50 tuổi - cho biết, tin tức giới thượng lưu đổ xô đến quê hương trái ngược với những điều nhỏ nhặt mà bà lo lắng, chẳng hạn như giá rau cải đã tăng gấp đôi.

Wee đặc biệt lo lắng cho cháu gái của mình, người sẽ sớm tốt nghiệp và phải đối mặt với chi phí sinh hoạt đắt đỏ, từ những vật dụng hàng ngày đến khoản mua sắm lớn như căn hộ chung cư.

“Đối với những người ngoại quốc, họ không chỉ quan trọng công việc mà còn là cách cảm nhận về đất nước. Chúng tôi sẽ bảo vệ hình ảnh Singapore trong mắt họ, nếu không sẽ có một quốc gia thu hút họ bằng chất lượng cuộc sống tốt và ít căng thẳng hơn” - Wee chia sẻ.

Kịch bản về “2 Singapore”, trong đó một nơi có mức lương cao, lối sống quốc tế và nơi còn lại trái ngược với nhận thức chậm về sự dịch chuyển xã hội cùng giá nhà đất tăng liên tục đã được đưa ra tại quốc hội trong cuộc tranh luận về các khoản chi ngân sách của đất nước.

Chi phí sinh hoạt tại Singapore ngày càng tăng cao. Ảnh: Xinhua

Thủ lĩnh phe đối lập Pritam Singh cảnh báo về khả năng kịch bản “2 Singapore” có thể dễ dàng trở thành hiện thực và gây xích mích trong xã hội. “Singapore là một chấm đỏ nhỏ và hai Singapore chắc chắn sẽ xung đột với nhau. Bản chất ghen tị của con người, chủ nghĩa vô danh, và câu chuyện hơn thua có thể nhanh chóng đầu độc xã hội và làm gia tăng sự phân chia” - Pritam Singh nhấn mạnh.

Những lo ngại về sự bất bình đẳng không phải là vấn đề mới tại Singapore. Trước đó, Tổ chức thăm dò ý kiến ​​độc lập Blackbox Research đã công bố một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy, cứ 5 người Singapore được hỏi thì có 4 người lo lắng về khoảng cách thu nhập ngày càng lớn. 7/10 người tham gia khảo sát cũng nhận định rằng, bất bình đẳng thu nhập đang trở nên tồi tệ hơn trong 5 năm qua.

Người dân Singapore lo ngại về kịch bản “2 Singapore” với khoảng cách thu nhập ngày càng lớn. Ảnh: Xinhua

Bất bình đẳng thu nhập tại Singapore trên thực tế đang giảm với hệ số Gini giảm từ 0,478 năm 2012 xuống 0,437 năm 2022. Trong khi đó, tăng trưởng thu nhập thực tế hàng năm đối với lao động cư trú làm việc toàn thời gian chạm mức 3,5% từ năm 2012 đến năm 2022, cao hơn mức tăng trưởng ở mức trung bình 2,6% mỗi năm.

Phó Thủ tướng Lawrence Wong cho hay trong bài phát biểu về ngân sách rằng, các quan chức đã nhìn thấy kết quả trong những nỗ lực không ngừng của đất nước nhằm giúp đỡ những người lao động có mức lương thấp. Những biện pháp giúp giảm bớt chi phí sinh hoạt của chính phủ Singapore bao gồm trợ cấp cho trẻ nhỏ và mở rộng chương trình cứu trợ người dân.

Eugene Tan - Giáo sư Luật, Đại học California (Mỹ) - cho biết, những thách thức về mức sống đang trở thành một vấn đề trong bầu cử. “Nó có thể tạo ra xích mích giữa người dân và chính phủ nếu chính phủ không làm đủ để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng hoặc cố tình thiên vị một nhóm người đặc biệt”.

Chính phủ Singapore đề ra nhiều biện pháp để hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp. Ảnh: Xinhua

“Thực tế phũ phàng rằng, không có sự đảm bảo nào là đáp ứng đủ trong thời kỳ kinh tế bất ổn. Việc thiếu các khoản tài trợ từ ngân sách công cũng có thể làm rối loạn thêm tình hình kinh tế. Các vấn đề có lẽ sẽ trở nên trầm trọng hơn do mối lo ngại về chi phí sinh hoạt xuất hiện sau đại dịch toàn cầu” - Giáo sư Eugene Tan nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn