MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lviv - "hành lang sống" trong chiến sự Ukraina

Hải Anh LDO | 06/03/2022 06:59
Lviv, thành phố miền tây Ukraina, đang là điểm trung chuyển hàng nghìn người tị nạn, đón những người trở về chiến đấu và chuyển đồ tiếp tế đến tiền tuyến.

Tiếp tế và sơ tán

Ngày thứ 10 (5.3) của chiến sự Ukraina, thành phố Lviv, cách biên giới với Ba Lan chưa tới 80km, chưa bị bất kỳ cuộc tấn công trực tiếp nào từ phía Nga. Thành phố miền tây này đang nhanh chóng trở thành một căn cứ hậu phương quan trọng - vận chuyển tiếp tế và nhân lực đến các thành phố tiền tuyến và hỗ trợ hàng trăm nghìn người tị nạn đang di chuyển theo hướng ngược lại. 

Thành phố với những con phố lát đá và kiến ​​trúc Áo-Hung - một di sản thế giới được UNESCO công nhận - trở thành nơi đặt trụ sở của các đại sứ quán nước ngoài và các cơ quan chính phủ được chuyển đến từ thủ đô Kiev, đồng thời là tuyến đường chính cho thuốc men, thiết bị và nhân sự. 

Vũ khí nước ngoài cung cấp cho Ukraina cũng đang được đưa qua khu vực này qua biên giới trên bộ của Ukraina với Ba Lan, các nhà phân tích tình báo phương Tây cho hay. 

Bà Oksana Yarynets, 44 tuổi, giáo sư kinh tế và cựu thành viên Quốc hội Ukraina, cho biết: “Vùng Lviv là một hành lang sống. Đó là điểm tiếp tế duy nhất và cũng là lối những người tị nạn có thể sơ tán".

Bản đồ Ukraina cho thấy vị trí của Lviv và các đô thị lớn khác của đất nước. Ảnh: AFP

Khu vực này có 5 cửa khẩu biên giới sang các nước láng giềng là Ba Lan, Slovakia và Romania, và 1 cửa khẩu qua dãy núi Karpat (Carpathian Mountains - dãy núi tạo thành hình vòng cung dài khoảng 1.500km ngang qua Trung Âu và Đông Âu). 

Ga tàu hỏa của Lviv tắc nghẽn bởi hàng nghìn người đang chờ 4 chuyến tàu mỗi ngày vẫn chạy trên tuyến Ukraina-Ba Lan và những chiếc xe ôtô nối đuôi nhau trải dài khoảng 16km ở tuyến đường bộ giao với Medyka, Ba Lan.

Trong cuộc di chuyển lớn nhất của người tị nạn ở Châu Âu kể từ Thế chiến 2, giới chức đang chờ đón hàng nghìn người tị nạn tới thành phố Lviv, 30.000 người đến vào tối 3.3 và ước tính 100.000 người vào tối 4.3. 

Tuy nhiên, ngược lại với dòng người di tản, nhiều người khác đang quay trở lại, tái tập hợp. Tình nguyện viên đang chất những thùng tiếp liệu lên một chuyến tàu quay ngược về phía đông đến Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraina, nơi đã trải qua các đợt oanh tạc nặng nề của Nga trong nhiều ngày. Những nhóm nam giới đội mũ len và áo khoác dày cũng lên tàu.

Nhiều người Ukraina đã rời bỏ công việc ở Châu Âu, từ Praha, Berlin và Warsaw... để trở về và nhập ngũ. Artem Sypii, 41 tuổi, thợ hàn trở về từ Ba Lan để về nhà ở miền đông Ukraina cho biết, đang có chiến sự và "ai đó phải bảo vệ đất nước".

Linh hồn của Ukraina

Cho đến nay, Lviv thoát khỏi bị tấn công bởi các lực lượng Nga đang tập trung vào các thành phố lớn nhất và chiến lược nhất ở Ukraina, bao gồm cả thủ đô Kiev. 

Tuy nhiên, các quan chức phương Tây và Ukraina tiết lộ, trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự ở Ukraina, Nga đã tìm cách thả lính dù vào khu rừng bên ngoài thành phố Lviv.  Thị trưởng Lviv Andriy Sadovyy cho hay, sau đó đã xảy ra cuộc đọ súng ở đây. 

Việc Nga triển khai lính dù cho thấy tầm quan trọng của Lviv, không chỉ như một tuyến đường tiếp tế và căn cứ hậu phương, mà còn là một trung tâm văn hóa và tinh thần của lực lượng kháng chiến Ukraina, đặc biệt trong trường hợp thủ đô Kiev bị bao vây. 

"Kiev là trái tim của Ukraina, Lviv là linh hồn. Chúng tôi là thủ đô ngoại giao của Ukraina vào thời điểm hiện tại” - thị trưởng Andriy Sadovyy nói. 

Lviv có lịch sử kỳ lạ, tách biệt với phần còn lại của Ukraina, theo New York Times. Giáo sư nghiên cứu Văn hóa Bohdan Shumylovych tại Đại học Công giáo Ukraina ở Lviv cho hay, thời Liên Xô, Lviv là vùng nông nghiệp chủ yếu trong khi vùng phía đông công nghiệp hóa hơn. 

Trong 200 năm lịch sử của thành phố đến năm 1939, Lviv cũng khác so với phần còn lại của Ukraina. Ban đầu, thành phố là một phần của chế độ quân chủ Habsburg, sau đó là một phần của Ba Lan, giáo sư lịch sử đương đại của Ukraina Oleksandr Zaitsev, Đại học Công giáo Ukraina ở Lviv, thông tin.

Bên cạnh đó, Lviv là trung tâm của Giáo hội Công giáo Hy Lạp, được thành lập vào cuối thế kỷ 16, trong khi hầu hết người Ukraina ở Đế quốc Nga theo Chính thống giáo.

Lviv và phía tây Ukraina trải qua một thời gian ngắn hơn dưới ảnh hưởng của Nga và Liên Xô, chỉ từ sau Thế chiến 2. Ở đây, tiếng Ukraina được nói rộng rãi hơn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn