MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường ống dẫn khí CAC. Ảnh: Central Asia-Center Pipeline

Lý do đường ống dẫn khí từ láng giềng Nga đến châu Âu chết yểu

Ngọc Vân LDO | 04/04/2024 17:16

Các đường ống dẫn khí từ Kazakhstan và Trung Á đến châu Âu vẫn chỉ là dự định, bất chấp những tuyên bố đao to búa lớn.

Lý do chết yểu

Mong muốn của EU nhằm đa dạng hóa các nhà cung cấp dầu khí đã vấp phải bộ máy quan liêu nội bộ và sự thiếu hiểu biết về cách mọi việc vận hành ở Trung Á, nơi trên thực tế đang tìm cách vận chuyển năng lượng của mình theo các hướng khác nhau - chuyên gia dầu khí Olzhas Baidildinov viết trên tờ Times of Central Asia.

Ông Baidildinov nhắc lại tranh chấp khí đốt Turkmenistan - Nga năm 2009. Trước kia, tập đoàn dầu khí Nga Gazprom mua khí đốt từ các nước Trung Á ở biên giới, trao đổi một số khí đốt trong nước với Kazakhstan, Turkmenistan và Uzbekistan, đồng thời mua khí đốt với giá thấp hơn giá xuất khẩu sang EU. Lượng khí mà Nga mua được tiêu thụ ở Nga hoặc cung cấp với giá ưu đãi cho Ukraina, trong khi khí đốt Nga được gửi đến châu Âu.

Năm 2008, Turkmenistan sản xuất 70,5 tỉ mét khối (bcm) khí đốt, xuất khẩu 47 bcm, có kế hoạch tăng sản lượng và xuất khẩu trong năm 2009.

Theo Viện Năng lượng, mức tiêu thụ khí đốt của các nước châu Âu vào năm 2022 lên tới 498,8 bcm, nghĩa là chỉ riêng Turkmenistan, giả định khối lượng xuất khẩu ổn định ở mức 50 bcm mỗi năm, có thể đáp ứng 10% nhu cầu của châu Âu.

Lượng khí đó, 50 bcm, là mức tiêu thụ hàng năm của Thụy Sĩ, Thụy Điển, Cộng hòa Czech, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia, Bulgaria, Croatia, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Ireland, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Na Uy và Bắc Macedonia cộng lại.

Tuy nhiên, khí đốt của Turkmenistan chưa bao giờ đến được châu Âu.

Khi không đạt được thỏa thuận về khối lượng và giá mua khí đốt với Gazprom, 15 năm trước, vào ngày 9.4.2009, đã xảy ra một vụ nổ và cháy ở nhánh phía đông của đường ống dẫn khí Central Asia-Center (CAC), tại CAC-4.

Các cuộc đàm phán sau đó nhằm nối lại việc vận chuyển khí đốt của Turkmenistan giữa Tổng thống Nga lúc bấy giờ là Dmitry Medvedev và lãnh đạo Turkmenistan Gurbanguly Berdimuhamedov, diễn ra vào tháng 9.2009 tại Mátxcơva, không thể giải quyết được tranh chấp.

Trong suốt những năm qua, giới truyền thông và các nhà lãnh đạo châu Âu đã nói về việc xây dựng cái gọi là đường ống dẫn khí Nabucco, đi từ Trung Á, dọc theo đáy Biển Caspian, qua Azerbaijan tới Đức và Áo. Đường ống bắt đầu được thiết kế từ năm 2002. Đến năm 2009, nếu dự án được triển khai tích cực, Nabucco có thể đã hoàn thành xây dựng và vận chuyển những lô khí đốt đầu tiên.

Năm 2022, mức tiêu thụ khí đốt ở Đức và Áo lần lượt lên tới 77,3 bcm và 7,9 bcm, nghĩa là nguồn cung từ Trung Á có thể đáp ứng ít nhất một nửa nhu cầu của các nước này.

Đây dường như là cơ hội hoàn hảo cho một đường ống dẫn khí đốt quy mô lớn. Các nước Trung Á muốn cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua các tuyến đường thay thế, và châu Âu có thể đã đa dạng hóa đáng kể việc nhập khẩu khí đốt của mình. Tuy nhiên, một người chơi khác đang theo dõi chặt chẽ tình trạng quan liêu và thiếu quyết đoán của châu Âu là Trung Quốc.

Một nhà máy khí đốt do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc vận hành tại Bagtyyarlyk, Turkmenistan. Ảnh chụp màn hình

“Tàng long”

Trung Quốc hiểu cách hợp tác với Trung Á, và vào năm 2007, việc xây dựng tuyến đầu tiên của đường ống dẫn khí Trung Á - Trung Quốc quy mô lớn đã được triển khai. Khí đốt bắt đầu chảy với thời gian kỷ lục vào ngày 14.12.2009.

Công suất ban đầu là khoảng 40 bcm/năm, tăng lên 55 bcm/năm sau khi mở rộng.

Nguồn cung cho một trong những đường dẫn khí lớn nhất thế giới với chiều dài hơn 8.000 km này là các mỏ khí đốt ở Turkmenistan, Uzbekistan và Kazakhstan.

Trong khi châu Âu đang nói về Nabucco thì Trung Quốc đã hành động và xây dựng. Để đổi lấy khí đốt, các công ty nhà nước Trung Quốc nắm giữ cổ phần trong các mỏ khí đốt và cơ sở hạ tầng giao thông, trong khi các khoản vay lớn của chính phủ được mở rộng cho các nước Trung Á.

Lần lượt Turkmenistan, Uzbekistan và Kazakhstan cam kết cung cấp khí đốt cho Trung Quốc trong 20-30 năm với mức chiết khấu đáng kể so với giá thế giới, điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi thiếu đường ống dẫn khí tới châu Âu.

“Vòng xoay khí đốt vĩ đại” đã hiển hiện: khí đốt xuất khẩu sang Nga, Ukraina và châu Âu kể từ thời Liên Xô cuối cùng đã chuyển sang hướng đông, khiến các nước châu Âu mất đi cách đa dạng hóa nguồn cung khí đốt của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn