MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nga đốt khí đốt ở nhà máy Portovaya, gần trạm nén đầu đường ống Nord Stream. Ảnh chụp màn hình

Lý do Nga đốt 10 triệu USD khí đốt mỗi ngày, trong khi EU thiếu thốn

Song Minh LDO | 27/08/2022 11:38

Nga đang đốt lượng khí đốt trị giá 10 triệu USD mỗi ngày gần biên giới với Phần Lan, trong khi EU khốn khổ vì thiếu khí đốt.

Tập đoàn dầu khí Nga Gazprom đang đốt khoảng 4,34 triệu mét khối khí mỗi ngày tại một cơ sở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới - CNN dẫn phân tích mức nhiệt và dữ liệu vệ tinh của công ty nghiên cứu năng lượng độc lập Rystad Energy có trụ sở ở Na Uy cho hay.

Con số này tương đương 1,6 tỉ mét khối hàng năm, hay khoảng 0,5% nhu cầu khí đốt của EU, và trị giá 10 triệu USD/ngày là dựa trên giá khí đốt giao ngay tại Châu Âu vào tuần trước. Phân tích của Rystad được BBC đưa tin đầu tiên hôm 26.8.

Rystad cho biết việc đốt ở nhà máy Portovaya của Gazprom là một "thảm họa môi trường", với khoảng 9.000 tấn CO2 được thải ra mỗi ngày - tương đương lượng khí thải trong cả năm của hơn 1.100 ngôi nhà trung bình ở Mỹ.

Nhà máy Portovaya nằm gần một trạm nén ở đầu đường ống Nord Stream - một trong những huyết mạch chính vận chuyển khí đốt của Nga đến Liên minh Châu Âu.

Theo Rystad, Nga đang đốt khí đốt mà lẽ ra sẽ được xuất khẩu sang Châu Âu qua Nord Stream. Khí đốt đường ống này thường chiếm hơn 1/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Châu Âu, nhưng hiện tại lưu lượng khí đốt qua Nord Stream chỉ ở mức 20% so với công suất bình thường, do thiếu các tuabin khí, liên quan đến lệnh trừng phạt Nga.

Nhìn chung, xuất khẩu khí đốt của Nga sang Châu Âu đã giảm 77% trong năm nay so với cùng kỳ năm 2021, theo Rystad. Năm ngoái, Nga chiếm 45% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của Liên minh Châu Âu, theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA.

This browser does not support the video element.

Nga đốt lượng khí đốt trị giá 10 triệu USD mỗi ngày. Video: Mail

EU đã cố gắng loại bỏ khí đốt Nga kể từ khi Mátxcơva tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina cách đây 6 tháng. Liên minh Châu Âu đang chạy đua để lấp đầy các cơ sở dự trữ khí đốt, cắt giảm nhu cầu và tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế để tránh phải phân phối khí đốt trong mùa đông này.

Vậy tại sao Nga lại đốt thành mây khói một lượng khí đốt quý giá như vậy? Đó có thể là một phần của các hoạt động thông thường, hay đó có thể là một thông điệp đến Châu Âu?

"Ngọn lửa bùng lên rất dễ nhìn thấy, có lẽ cho thấy khí đốt đã sẵn sàng và chờ chảy sang Châu Âu nếu các mối quan hệ chính trị hữu nghị được nối lại" - Rystad nhận định.

Hoạt động thông thường?

Rystad cho biết, cơ sở LNG tại Portovaya sẽ mở cửa vào cuối năm nay, và việc đốt cháy thường xảy ra như một phần của quá trình kiểm tra an toàn thường kỳ đối với các nhà máy mới.

Tuy nhiên, cường độ và thời gian của các đợt đốt cháy này khá liên tục. Zongqiang Luo - nhà phân tích cấp cao về khí đốt và LNG tại Rystad - nói với CNN: “Kiểu đốt cháy như thế này chưa từng xảy ra trong lịch sử”, đề cập đến mức nhiệt bức xạ được phát hiện trong khu vực. "Đối với cơ sở Portovaya LNG, kiểu đốt này là rất lớn" - ông nói thêm.

Quy mô vụ đốt khí đốt của Nga khiến các chuyên gia bối rối. Ảnh chụp màn hình

Henning Gloystein - Giám đốc Năng lượng, Khí hậu và Tài nguyên tại Tập đoàn Eurasia - nói với CNN, Nga có thể đang đốt khí đốt được tạo ra như một sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất dầu.

"Trong thời gian bình thường, phần lớn lượng khí đốt này sẽ được sử dụng để cấp vào hệ thống đường ống và bán cho Châu Âu. Bởi vì Nga đã giảm mạnh nguồn cung cho Châu Âu nên ban đầu khí đốt được đưa vào kho dự trữ nội địa của Nga. Hiện tại, chúng có thể đã đầy, vì vậy chỉ còn cách là đốt” - ông Gloystein nói.

Trong khi đó, các báo cáo của các phương tiện truyền thông Nga nói rằng việc đốt này là một phần bình thường của quá trình sản xuất và không có gì bất thường.

Vấn đề vận hành?

Nga cũng có thể đang phải đối mặt với một số vấn đề.

Mark Davis - Giám đốc điều hành của Capterio, công ty tư vấn cho các công ty năng lượng về cách đốt khí đốt - nói rằng thực tế này phổ biến trên khắp nước Nga.

Nga đốt khí đốt ở nhà máy LNG gần Phần Lan. Ảnh chụp màn hình

"Tôi nghĩ rất có thể đó là một trục trặc về hoạt động mà nhà điều hành Gazprom đang phải vật lộn. Có thể thiết bị nào đó bị hỏng” - ông Davis nói.

Nhưng vị trí đốt cháy mới là vấn đề. Rystad cho biết Gazprom có ​​thể sẽ vận chuyển khí một khoảng cách khá xa từ mỏ khí Yamal đến nhà máy Portovaya, để có thể đốt gần nguồn hơn.

Theo Ryastad, chi phí nén và vận chuyển khí đốt từ mỏ Yamal đến Biển Baltic cũng có khả năng tạo ra những tổn thất không đáng có cho Gazprom.

Việc quản lý cơ sở hạ tầng khí đốt rộng lớn của Nga rất phức tạp, do đó, việc lựa chọn địa điểm để đốt khí đốt có thể do sự phối hợp kém giữa các nhà khai thác.

Nga đốt lượng khí đốt tự nhiên nhiều nhất trên thế giới, khoảng 24,88 tỉ mét khối mỗi năm, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2020.

Một thông điệp đến Châu Âu?

Nga cũng có thể gửi một thông điệp tới Châu Âu.

"Nga có thể đang đưa ra một quan điểm chính trị, cố gắng nói với Châu Âu rằng chúng tôi có loại khí này, và chúng tôi đang đốt nó, bạn đang chọn gây khó khăn cho chúng tôi trong việc đưa khí đốt ra thị trường” - Davis nói.

Rystad bắt đầu xem xét khí đốt bị đốt ở Portovaya sau khi người dân ở Phần Lan phát hiện ngọn lửa lớn vào tháng 7.

Nga và Châu Âu đang căng thẳng về năng lượng kể từ cuộc chiến Ukraina. Trong những tháng gần đây, Gazprom đã cắt giảm lượng khí đốt cho Châu Âu qua Nord Stream do tranh chấp với phương Tây liên quan đến một tuabin được đưa đi Canada bảo trì nhưng chưa trả lại vì bị trừng phạt. Mátxcơva cũng cắt hoàn toàn nguồn cung cho những quốc gia EU không chấp nhận thanh toán khí đốt bằng đồng rúp.

Nga nói việc đốt khí đốt không có gì bất thường. Ảnh chụp màn hình

Thảm họa môi trường

Ngoài CO2, ngọn lửa phát ra vào khí quyển cũng có khả năng gây hại cho môi trường theo những cách khác.

Davis nói rằng ngọn lửa bùng phát có thể tạo ra bồ hóng, phá hủy khu vực Bắc Cực. Phần lớn bồ hóng sẽ đọng lại trên băng ở Bắc Cực và hấp thụ nhiều nhiệt hơn từ mặt trời, đẩy nhanh quá trình tan chảy của băng.

Davis nói, gần như chắc chắn, ngọn lửa không hoạt động với 100% hiệu suất, và vì vậy nó cũng thải ra khí mêtan, một loại khí nhà kính mạnh gấp 80 lần so với khí CO2.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn